ClockThứ Bảy, 09/04/2016 10:19

Cựu binh Pa Cô tâm huyết bảo tồn các làn điệu dân ca

TTH - Người dân xã Hồng Kim (huyện A Lưới) khi nói về những người nhiệt tình, tâm huyết trong việc sưu tầm, ghi chép, biểu diễn và truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền cho thế hệ trẻ, không ai là không nhắc đến ông Hồ Xếp, một cựu chiến binh năm nay đã ở tuổi 73.

Là người con của một xã miền cao, cũng như rất nhiều nam nữ thanh niên trong làng, ông Hồ Xếp đã đến với Cách mạng từ lúc 16, 17 tuổi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là chiến sĩ giải phóng quân, vừa cầm súng, vừa làm nhiệm vụ của một người y tá, rồi y sĩ. Bàn chân ông đã in dấu trên nhiều chiến địa, nhiều làng xã nằm ven dãy Trường Sơn thuộc 2 tỉnh Trị - Thiên.

Năm 1988, ông Hồ Xếp rời quân ngũ về làng sống vui cùng vợ con, cùng công việc nương rẫy. Được nhân dân tín nhiệm giao cho nhiều công việc ở UBND xã, ở các hội đoàn như: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, ông không nề hà bất cứ công việc gì, từ việc nhỏ đến việc lớn… Chính trong những ngày tham gia công tác ở xã nhà và cùng gia đình, cùng bà con láng giềng cấy lúa, trồng khoai nơi ruộng nương, mò cua, bắt cá nơi khe suối, ông Hồ Xếp đã khám phá ra sự phong phú, đa dạng cũng như những nét đặc sắc về nội dung, về nghệ thuật của các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ do dân tộc mình sáng tạo nên. Ông kể: “Người Pa Cô già cũng như trẻ, khi đi làm nương rẫy, lúc cưới hỏi, lễ tết, hội hè thường rất thích ca hát. Nhiều cụ ông, cụ bà thuộc và hát rất hay nhiều bài dân ca”.

Nhiệt tình, hăng hái tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương, ông Hồ Xếp nhận thức được một điều rất quan trọng,  đó là mai đây các bậc già cả dần dần về với non cùng, suối tận thì họ cũng đem theo tất cả vốn dân ca, dân vũ mà họ đã tích lũy được trong suốt cả cuộc đời. Nếu không sớm sưu tầm, ghi chép lại và truyền dạy cho con cháu thì không ít tài sản quý giá trong kho tàng văn nghệ dân gian sẽ mất đi cùng năm tháng.

Hơn mười năm qua, ông Hồ Xếp đã tới rất nhiều gia đình sống nơi thôn cùng, xóm vắng để gặp gỡ và nghe những ông già, bà lão giàu vốn dân ca hát những bài hát về công việc làm ăn, về tình yêu nam nữ, về tình cảm giữa cha mẹ và con cái… Đến nay, trong cuốn sổ tay khổ lớn của ông đã ghi được rất nhiều lời các bài dân ca của dân tộc Pa Cô mà ông nghe được, học được trong các cuộc giao lưu, tiếp xúc. Không chỉ giới hạn trong làng, trong xã mình, ông Hồ Xếp còn tới các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hồng Vân… để trao đổi, học hỏi thêm những điều mà mình chưa biết hết, hiểu hết.

Mấy năm gần đây, ngành văn hóa có nhiều chủ trương và biện pháp trong việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc. Đón nhận chủ trương này, cùng với cán bộ văn hóa xã và bà con ở địa phương, ông Hồ Xếp đã tham gia nhiều buổi biểu diễn và truyền dạy vốn ca múa nhạc truyền thống của dân tộc Pa Cô cho thanh thiếu niên. Ông cũng đã đi dự một số hội diễn văn nghệ dân gian do huyện và tỉnh tổ chức.

Công việc thầm lặng mà ông Hồ Xếp đã làm trong việc sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thật đáng quý.

Trần Hoàng

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Return to top