ClockThứ Hai, 01/04/2024 06:55

"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

TTH - Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Độc đáo “Lục bát món Huế”Tản mạn hành trình bún ViệtĐặc sản của Huế

 Bánh gói đậu xanh

Bánh gói đậu xanh được làm từ hai nguyên liệu chính: đậu xanh và bột gạo. Đậu xanh bóc vỏ, rửa sạch, ngâm khoảng ba bốn tiếng cho mềm, luộc chín rồi xào trên chảo, thêm ít gia vị cho thấm và dùng muôi cán nhuyễn. Công đoạn tiếp theo là trộn bột, cho nước vào hỗn hợp bột gạo, bột năng, thêm ít dầu ăn để bánh hấp ra mượt mà, khuấy thật đều tay trên bếp cho đến khi bột sệt lại.

Lau sạch lá chuối, cắt thành từng miếng cỡ hơn bàn tay người lớn một xíu, múc một muỗng bột rồi dàn đều ra và cho nhân đậu xanh lên phía trên. Bánh được bọc lại cẩn thận và cột bằng dây lá chuối, đơn giản như gói bánh lọc, chỉ cần kín đáo, để ý một chút để bột bánh và nhân bánh không bị lộ ra ngoài.

Bánh hấp trên xưởng sẽ tỏa ra một mùi thơm đặc trưng của lá chuối và đậu xanh, thư giãn và dễ chịu. Mùi bánh hấp là một trong những mùi hương yêu thích của tôi, tôi thích mùi của tự nhiên, của đất trời, mùi thức ăn đang chín tới, mùi mặt đất sau những cơn mưa, mùi lá cây đang đâm chồi mỗi độ xuân về, mùi gỗ thông trên đồi vắng…

Bánh gói đậu xanh dùng kèm với nước mắm ngọt như bánh nậm, bạn có thể bóc từng cái chấm với nước mắm ăn ngay hay lột sẵn một mẻ, chan nước mắm, dùng muỗng xắn nhỏ từng miếng để thưởng thức. Riêng tôi, thích cách thứ hai hơn bởi bánh sẽ thấm đẫm vị nước mắm và mềm, tơi.

Bánh gói đậu xanh hơi béo nhẹ, rất dễ ăn, dễ tiêu, “hiền như bánh nậm” vậy, lại thêm vị bùi ngọt nhẹ nhàng của đậu xanh. Bánh dân dã, rẻ hơn cả bánh nậm, lọc, đằm bụng nên có thể dùng cho bữa chính thay cơm. Bánh vừa mới hấp xong là ngon nhất, nóng hôi hổi và bốc hơi nghi ngút, đậu xanh còn dẻo và bột bánh trắng trẻo, núng nính. Bánh còn phù hợp cho những người ăn chay, chỉ cần thay nước mắm bằng xì dầu ngọt, ngon không kém cạnh, chỉ là đậm vị hơn một chút!

Bánh gói đậu xanh hơi kém nổi bật giữa bản đồ ẩm thực quá rộng lớn của Cố đô, có lẽ chỉ những người con xứ Huế như tôi mới biết đến sự tồn tại của loại bánh nhã nhặn và dễ thương này. Ẩm thực Cố đô thật phong phú và lắm công phu, tôi sinh ra ở mảnh đất này, sống ở đây đã ngót nghét nửa đời người và cũng là một con người đam mê khám phá ẩm thực nhưng cũng chưa có cơ hội thưởng thức hết các món ăn Huế.

Bài, ảnh: Thục Đan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế
Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top