|
|
Đầm phá thôn Ngư Mỹ Thạnh, Quảng Lợi, Quảng Điền. Ảnh: PHAN THẮNG |
1. Chiếc xuồng nổ máy tạch tạch đưa đoàn người hướng ra vùng rừng trồng ở đầm phá thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, TP. Huế. Trên đầu nắng gắt, gió thổi ràn rạt song chúng tôi hồ hởi lạ thường, bởi trên tay mỗi người đang cầm một bầu cây và tý nữa thôi, chúng tôi sẽ được trồng dặm cây bần này xuống vùng đầm phá Tam Giang.
Một vài con tôm rằn theo sóng nước nhảy lên lòng thuyền, búng tanh tách. Tôi nhanh tay túm lấy một chú tôm nhỏ đưa cho Christian, người của Munich Foundation (CHLB Đức). Anh ta ngắm nghía hỏi về đặc sản, sinh thái vùng này rồi xin phép thả con tôm xuống nước và bảo: “Go home” (Về nhà đi)!
Khi vừa tiến đến vùng bảo vệ rừng trồng ngập mặn, từng đàn thủy sản nhảy lên mặt nước liên tục, cả thuyền ai cũng òa lên trước vũ điệu cá tôm. Trưởng đoàn bảo với PGS. Philip Bubeck – ĐH Potsdam (CHLB Đức) đó là những lời chào mừng/ cảm ơn có lẽ vì ông đã tạo nên những ngôi nhà an toàn từ rừng bần cho chúng trú ngụ. Với ngư dân đầm phá, ra khơi mà gặp cảnh này chắc chắn thuyền nặng, lưới đầy.
|
|
Chèo SUP ở rừng ngập mặn Ngư Mỹ Thạnh, Quảng Lợi, Quảng Điền |
Cảm giác ươm một mầm xanh xuống đầm phá thật khó tả. Tôi ước được cung cấp thông tin về tình hình sinh trưởng cây bần riêng của mình hàng năm như dịch vụ ở một quốc gia nào đó đã triển khai. Hào hứng nghe người dân trò chuyện và kiểm chứng cá, tôm, cua trong lừ đặt thử, PGS. Philip Bubeck mừng vui: “Cứ vài năm trở lại đây, tôi nhận ra một sự thay đổi. 5 năm nữa, hy vọng tôi sẽ được thấy cảnh làm du lịch từ rừng ngập mặn và cánh rừng ươm trồng sẽ mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân nơi đây”.
2. Chị Lê Thị Xuân Lan ở xã Hải Dương, người hỗ trợ chuyến đi chúng tôi hôm ấy có 5 năm gắn bó với các dự án trồng rừng và phục hồi sinh kế vùng đầm phá do các tổ chức phi chính phủ triển khai, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD). Ngoài đầu tư trồng 6ha rừng ngập mặn dự án “Gốc rễ bền chặt - Phụ nữ quật cường”, CSRD đã hỗ trợ truyền thông cho nhóm chị em 5 xã ven đầm phá, tạo mô hình sinh kế và thí điểm trồng vườn ươm cây ngập mặn. Chị Lan là người chưa từng vắng ở bất cứ buổi tập huấn hay làm việc nào bởi theo chị, “có học có hơn” và tất cả các kiến thức đều hữu ích cho bảo vệ đầm phá - nguồn sống của gia đình chị và gần 7.000 cư dân trong xã ở vùng hạ nguồn sông Hương. Nói về đầm phá, chị Lan say sưa không dứt, chị mong tương lai sẽ mở ra khu vực phục vụ du lịch từ rừng trồng ở Vĩnh Trị bởi nhiều nơi đã làm thành công.
|
|
Trồng dặm rừng ngập mặn tại Vĩnh Trị, Hải Dương, TP. Huế theo dự án của CSRD |
Gần 10 năm qua, hơn 200ha rừng ngập mặn được ươm trồng, phát triển ở các địa phương vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Không chỉ cải thiện môi trường, tạo nơi trú ngụ cho cá tôm, rừng ngập mặn còn giúp phát triển du lịch. Một mũi tên trúng ba đích. Và giờ đây, người dân địa phương đang hưởng lợi từ những cánh rừng xanh ngát đó.
Ai từng đến thăm thú vùng đầm phá ở Quảng Lợi, Quảng Điền ắt hẳn đều ấn tượng với Lường Thị Hiền, một nàng dâu đến từ xứ Thanh nặng lòng với vùng đất quê chồng. Không được đào tạo bài bản, song tình yêu và niềm tự hào về đầm phá đã đưa chị trở thành một hướng dẫn viên năng động, làm chủ một tour trải nghiệm thú vị ở vùng Ngư Mỹ Thạnh. Cả gia đình Lường Thị Hiền chung tay chăm lo từ khâu đón khách, thả lưới, nấu ăn… Người phụ nữ tháo vát này còn nung nấu nhiều ý tưởng sản phẩm từ cây bần và các hoạt động mới mẻ cho du khách khi đến đầm phá.
3. Được ví von là bảo tàng nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á, vùng đầm phá luôn hấp dẫn những ai ghé đến bởi vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết và nhịp sống bình dị vùng sông nước. Với diện tích 52km2 trải dài qua nhiều địa bàn, hệ sinh thái phong phú đa dạng, vùng đầm phá nước lợ mang lại cho du khách nhiều cảm xúc, trải nghiệm mới mẻ.
|
|
Thích thú, tò mò với hệ sinh thái ở rừng ngập mặn |
Chưa tới 0,3 giây, Google đã cho ra 230 ngàn kết quả với vô vàn bức ảnh đẹp về đầm Chuồn. Trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Chuồn là điểm du lịch được khách trong, ngoài nước lựa chọn khá nhiều. Một chuyến đi cùng đoàn khách của hãng ASEP hôm ấy của tôi mang lại nhiều cảm xúc mới lạ dù đã đến đây từ thuở dịch vụ còn sơ khai trên nhà chồ.
Bà Ajdialla Ehantal đến từ Avignon hào hứng chia sẻ cảm nhận sau chuyến đi: “Tôi bất ngờ về văn hóa đầm Chuồn và câu chuyện truyền thuyết về vị nữ thần có công khai phá nơi này. Khung cảnh quá đẹp và thơ mộng. Thật xứng đáng để đi và trải nghiệm. Chiều hôm nay, chúng tôi đã thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn thơ mộng và được ngư dân đón chào nồng nhiệt”.
Anh Trịnh Đình Dũng, hướng dẫn viên của hãng lữ hành TUI cho hay, hầu như tháng nào mùa này anh cũng dẫn khách về đầm Chuồn theo tour “Chiều trên phá Tam Giang” của Huetourist. “Ở đây không khí trong lành, yên tĩnh. Một lớp khách nước ngoài họ đưa ra tiêu chuẩn như vậy trong tiêu chí lựa chọn điểm đến. Bề dày văn hóa và đời sống cư dân thủy diện là điều làm nên sự hấp dẫn ở tour này”, anh Dũng nói.
Ai đã từng gắn bó với đầm phá đều yêu tha thiết “biển cạn” – vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á này. Lường Thị Hiền, Lê Thị Xuân Lan – những người mẹ, người bà hoạt động trong dự án “Gốc rễ bền chặt – Phụ nữ quật cường” của CSRD cũng vậy. Họ tìm cách bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị vùng đầm phá… bằng tình yêu và lòng nhiệt huyết. Không chỉ họ, nhiều cư dân khác cũng đang chung tay bảo vệ nguồn sống của họ hôm nay và con cháu họ mai sau.
4. Nhiều người dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đều khẳng định phát triển du lịch sinh thái là con đường đúng đắn cho vùng này. Trong câu chuyện đầy tâm tư, TS. Nguyễn Thị Thu Hương, người 7 năm thực hiện một đề tài thủy sản nói rằng, cá tôm nước lợ tươi ngon, giá trị song chưa có những sản phẩm thương hiệu đi xa. Trăn trở này khiến người viết liên tưởng đến “Con tôm rừng”, một “local brand” (Thương hiệu địa phương) xuất hiện tại Cà Mau từ năm 2016. Gọi “tôm rừng” là bởi con tôm được nuôi thả tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn chỉ ăn rêu, tảo, phiêu sinh vật mà lớn lên. Các sản phẩm từ tôm thiên nhiên đã có mặt ở nhiều nơi và được khách hàng yêu chuộng. Không biết khi nào thủy sản đầm phá xứ Huế có thương hiệu riêng và “trình làng” một cách chính danh, thay vì cấp đông bỏ thùng xốp gửi đi ngoại tỉnh như hiện nay.
Trong một chuyến công tác lên vùng cao, tôi vô tình gặp lại một người gốc Huế từng là chủ nhân đồ án Đô thị Tam Giang nhiều năm về trước. Là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, quy hoạch, ông nói rằng rất mừng vì một số ý tưởng trong đồ án của ông được lắng nghe và thực hiện, nhất là việc xây dựng hệ thống đường, quy hoạch dân cư và phát triển du lịch. Ông tin rằng, nếu phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường thì đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sẽ là một điểm đến đặc thù của khu vực chứ không chỉ của Việt Nam.
Hệ đầm phá ở Huế đầy sự hấp dẫn, bí ẩn. Nơi đó vẫn luôn mời gọi với nhiều tầng vỉa giá trị có lẽ muôn đời không nói hết. Trong chuyến đi ấy, tôi “chốt kèo” với PGS. Philip Bubeck về một cuộc trở lại vào 5 năm tới. Hy vọng lúc đó, sẽ có nhiều chuyện hay ho hơn để chia sẻ với nhau.