ClockChủ Nhật, 06/02/2022 07:00

Đầm xanh

TTH - Không ít người ước vọng về thành phố ngập tràn hoa sen, bởi từ lâu sen được xem là Quốc hoa. Và sen giờ không chỉ để thưởng ngoạn mà còn hái được tiền.

Những đóa hoa sen hồng ở Nghĩa trang liệt sĩ Hương ĐiềnNhững đóa quê hươngMùa senXây dựng vùng sản xuất sen giống ở Phong Điền cung cấp cho tỉnh"Thay áo" ao hồ bằng sen Huế

Sen đang tạo ra sinh kế cho người dân ở các địa phương

1. Loài hoa mang vẻ đẹp thanh cao và tinh khiết đang phủ khắp mặt nước các địa phương. Đất trồng lúa được khuyến khích chuyển đổi trồng sen, hồ nuôi cá cũng cải tạo trồng sen, có người mê sen đến nỗi trồng chỉ để… ngắm.

Nhớ hồi ngang qua cánh đồng Thanh Lam (Hương Thủy), sau khi chính quyền có chủ trương vận động người dân cải tạo các ao nuôi cá để trồng sen tạo cảnh quan, gần như ngay lập tức tuyến đường kiểu mẫu nằm ở phía nam thành phố này thu hút du khách gần xa. Bạn trẻ, thậm chí người trung niên cũng không ngần ngại dừng lại chỉ để “check-in”. Và tôi đồ rằng, những ai lăn bánh trên cung đường này lúc sen nở cũng có cảm giác mê hoặc, thú vị.

Hoa sen có một sức hút kỳ lạ. Ở đâu sen nở, ở đó có bóng dáng của những tà áo dài thướt tha trong gió. Khó có thể giải thích, nhưng hấp lực ấy chắc chắn đến từ những cánh hoa mỏng manh, mang trong mình sứ mệnh lịch sử. Ví như, vào thời triều Nguyễn sen trắng được chọn trồng ở hồ Thái Dịch trong Đại Nội Huế với dụng ý nâng đỡ những bước chân nhà vua khi đi qua cầu Trung Đạo...

Có bận, anh bạn cùng quê một lần trở lại cố hương sau nhiều năm bôn ba xứ người ngạc nhiên trong điện thoại, rằng anh được lạc vào một “mê cung” ảo diệu. Hình ảnh mặt nước phá Tam Giang xanh biếc buổi sớm mai, xa xa là mênh mông sen trắng khoe sắc, nằm dưới chân hàng dừa thẳng tắp bên “con đường hạnh phúc” một thời là sản phẩm của tình yêu đôi lứa. Bạn bất ngờ nhưng tôi chẳng lạ, bởi cung đường trên đập Cửa Lác (Điền Hòa, Phong Điền) ấy từ lâu đã nên thơ, người ta tận dụng mặt nước trồng sen, tạo nên một “background” tuyệt vời cho bạn trẻ “check-in”, chụp ảnh đám cưới.

Trồng sen không khó, song để sen phát triển như mong muốn không phải chuyện dễ. Ấy vậy mà ở mặt nước ngọt, mặn hay lợ, sen vẫn cứ tỏa hương.

Đến đây, tôi nhớ đến chuyện trồng sen ở các dải đất ven biển. Biến đổi khí hậu khiến nguồn nước đầm vùng biển không phù hợp trồng sen, nhưng thử để ý mà xem, vùng biển Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh (Phú Vang)… bạt ngàn sen. Có người xem việc trồng sen như cái nghiệp, có người trồng để tạo cảnh quan, và có người “gánh vác” sứ mệnh cứu lấy giống sen tạo ra vị bùi, thơm từng được mang tiến nạp Hoàng cung.

“Trồng sen vùng biển không hề dễ dàng nhưng chất lượng hạt sen lại vượt trội, do vậy giá cũng cao hơn so với nhiều loại sen trên thị trường. Tôi trồng sen cũng gìn giữ những ký ức của tổ tiên một thời” - anh Nguyễn Văn Tuấn, người đang cố níu giữ giống sen tiến vua ở thôn Diên Lộc, xã Phú Diên trải lòng.

2. Nhiều người Huế đang nghĩ đến xây dựng một thành phố Hoàng mai. Và quả thực, phong trào “Mai vàng trước ngõ” khiến cho loại hoa này của người Huế càng thêm chú ý. Sen thì khác với mai, nhưng nếu có hướng đi đúng, loại hoa này không chỉ để ngắm mà mang lại sinh kế hữu hiệu cho người dân. Suy nghĩ một thành phố hoa sen quả xa vời, song đầm sen xanh thắm giờ hiện diện rất nhiều nơi cho thấy loài hoa này tự thân đã đi vào cuộc sống của người dân.

Không phải ngẫu nhiên mà khi hiến kế cho Huế, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số nhắc đến hoa sen. Đại ý ở buổi nói chuyện ấy, bà Thực cho rằng, hướng đi từ cây sen sẽ giúp sinh kế người dân bền vững hơn. Nhưng ẩn sau lời nói, sinh kế ấy phải dựa trên nền tảng lịch sử, sứ mệnh gìn giữ những loại sen quý. Bởi, Huế nổi tiếng về hạt sen vừa bở vừa thơm, một số giống sen có mặt trong các buổi yến tiệc, thiết đãi sứ thần của triều Nguyễn.

Việc gìn giữ giống sen quý không phải bây giờ người Huế hay những chuyên gia đầu ngành mới nghĩ đến. Nhưng khi hay tin công trình Khôi phục và phát triển các giống sen Huế tại hồ Tịnh Tâm, thành phố Huế được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021 thì đây là lúc khẳng định rằng, các giống sen quý của Huế đã được bảo lưu và phát triển đúng hướng.

Công trình này được khởi phát từ năm 2017, do PGS. TS Hoàng Thị Kim Hồng (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) cùng các cộng sự thực hiện, với mục đích khôi phục, tuyển chọn được ba giống sen Huế tiềm năng gồm sen trắng trẹt lõm, sen đỏ ợt, sen hồng Phú Mộng để trồng ở hồ Tịnh Tâm. Đồng thời, phục hồi thương hiệu “Sen hồ Tịnh”, tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến và phát triển các sản phẩm chủ lực từ sen Huế, góp phần tăng doanh thu trong việc sản xuất, kinh doanh sen Huế. Công trình này cũng góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, hợp tác phát triển mô hình trồng sen trên hệ thống đất hồ và đất ruộng tại các địa phương như Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy...

“Chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn phân bố và nguồn giống sen trồng ở Thừa Thiên Huế, tạo ra nguồn dữ liệu mới về sen Huế để bổ sung vào cơ sở dữ liệu sen Việt Nam; thiết lập bộ mẫu ảnh các giống sen Huế qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Sen Quốc tế IWGS. Đề tài đã công bố quốc tế và được cấp mã số truy cập của 297 đoạn gen sen Huế trên ngân hàng Gen (GenBank). Kết quả nghiên cứu công trình này góp phần tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến và phát triển các sản phẩm chủ lực từ sen Huế, phục vụ du lịch; đồng thời tạo việc làm và sinh kế cho người dân địa phương”, PGS. TS. Hồng thông tin.

Chưa bao giờ, chính quyền lẫn cơ quan chuyên môn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để bảo tồn, phát triển nguồn gen sen quý của Huế như hiện nay. Những “đầm xanh” vì thế tỏa hương nhiều nơi kết nối với sinh kế người dân, bàn đạp cho du lịch địa phương. Có doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hạt sen trắng Hoàng cung trồng tại hồ Tịnh Tâm với các hộ dân. Những sản phẩm cao cấp từ sen đã và đang xuất hiện trên thị trường như, trà sen Tịnh Tâm, Rượu sen - Tịnh Tâm bạch liên tửu, hạt sen sấy Tịnh Tâm hứa hẹn góp phần giúp hình ảnh Huế vươn xa hơn.

Có một đại biểu Quốc hội từng chất vấn ông Nguyễn Xuân Phúc khi ấy còn là Thủ tướng Chính phủ rằng: “Bao giờ Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án phát triển cây sen và xác định hoa sen là quốc hoa của Việt Nam?”. Sau khi nhận được văn bản trả lời của ông Nguyễn Xuân Phúc, vị đại biểu này đã viết trên facebook: “Từ nay đất nước có thêm đề án mới, giúp cho nông dân nghèo ở những vùng đất trũng ngập nước, đầm lầy nước đọng, sinh kế khó khăn có thêm các nghề mới từ việc trồng, chế biến các sản phẩm từ sen, giúp cho các nhà quản lý, cán bộ ngoại giao, chuyên gia văn hóa và các tầng lớp nhân dân có điều kiện thể hiện, phát huy hơn nữa hình tượng hoa sen, đề cao bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế”.

Nói thế để thấy rằng, sen loài hoa đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Việt. Và thật đặc biệt, những “đầm xanh” ở Huế đang rộ.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top