Các giáo viên hướng dẫn kỹ thuật tập bơi trên cạn cho các cháu học sinh.
Phần lớn các vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm ở sông hồ, khe suối…thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn. Đuối nước thường xảy ra nhiều ở vùng thôn quê, bản làng, thôn xóm - nơi có nhiều ao, hồ, sông suối, biển sâu. Môi trường nước lại rất thích hợp để các cháu vui chơi, nô đùa, khám phá những điều mới lạ, nhưng tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Những năm gần đây, địa bàn huyện A Lưới nói chung và khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) A So nói riêng thường xuyên được quan tâm trong phối kết hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hiểm do đuối nước gây ra, góp phần giảm thiểu đáng kể những vụ đuối nước cho trẻ nhỏ trên địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Đức Hiền, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 92 cho biết: “Những năm qua, Đoàn 92 đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương, nhất là Huyện đoàn A Lưới và cấp ủy, chính quyền các xã trong vùng dự án làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành thói quen đúng đắn cho các cháu thiếu nhi thực hiện tốt các kỹ thuật bơi lội và phòng, chống đuối nước bảo đảm an toàn cho bản thân, bạn bè và người thân. Hằng năm, khi các cháu trên địa bàn nghỉ hè, đơn vị đều cử cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ thuật phòng, chống đuối nước cho các cháu học sinh, nhằm hướng dẫn, trang bị những kiến thức cơ bản trong bơi lội và các kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho các cháu thiếu nhi, bảo đảm an toàn trong cuộc sống, giảm thiểu tối đa những hiểm họa do đuối nước gây ra”.
Đoàn 92 đã chủ động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là hệ thống bể bơi trong đơn vị, vừa làm nơi tổ chức tập huấn, huấn luyện bơi và nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống sông nước cho bộ đội và cũng là nơi để các chú bộ đội dạy bơi miễn phí cho các cháu thiếu nhi mỗi dịp hè.
Đại úy Thanh Viết Cầm nói: “Khi dạy bơi cho các cháu, đa số các cháu đều chưa biết về kỹ thuật trong bơi lội. Việc đầu tiên là cần phải có kỷ luật nghiêm túc, tổ chức lớp chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Ngay từ những buổi học đầu tiên, phải truyền thụ cho các cháu thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học bơi. Sau đó phải đi vào các kỹ thuật cần thiết khác. Khi dạy bơi cho các cháu ở nơi nước sâu, cần đặc biệt chú ý các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn, nhất là việc trang bị phao bơi, áo cứu hộ, tăng cường lực lượng theo dõi giám sát các cháu, hoặc tổ chức thành nhiều tốp để thực hành động tác”.
Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết: “Tổ chức dạy bơi là một trong những giải pháp quan trọng, hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả để phòng, chống đuối nước ở trẻ em, mỗi khi nghỉ hè. Huyện đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là Đoàn KT-QP 92 tổ chức tuyên truyền trong các trường học, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh… nên đã giảm tối đa các vụ đuối nước cho trẻ em.
Việc dạy bơi cho các cháu còn ít và chưa trở thành phong trào mang tính xã hội hóa cao. Một mặt do chưa có đủ các điều kiện cần thiết như: Bể bơi, giáo viên, kinh phí và một số vật chất thiết yếu khác, nên việc triển khai phòng, chống đuối nước đang gặp những khó khăn nhất định. Hầu hết các trường trên địa bàn của huyện chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho trẻ em, học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, bên cạnh đó cũng cần phải quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng trong thực hiện công việc có tính đặc thù này”.
Bài, ảnh: Xuân Bính