ClockThứ Sáu, 09/11/2018 12:27

Để gà đồi Phú Sơn có thương hiệu

TTH - Ngoài trồng keo, tràm, người dân xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) đã và đang đa dạng hóa kinh tế gia đình với những mô hình: trồng thanh long ruột đỏ, hồ tiêu, hương bài, chăn nuôi; trong đó, mô hình nuôi gà thả vườn giúp cải thiện rõ rệt kinh tế gia đình.

Phá sới gà, bắt 54 đối tượng

Gà thả vườn ở Phú Sơn được người tiêu dùng đón nhận

Khẳng định chất lượng

Bắt đầu từ mô hình nuôi gà thả vườn thuộc Đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi của TX. Hương Thủy năm 2012, thời điểm đó, xã Phú Sơn có 11 hộ được hỗ trợ gần 2.900 gà giống. Sau khi thấy mô hình này (gọi tắt là gà đồi) đem lại lợi nhuận khá, năm 2013, nhiều hộ dân nơi đây học nhau làm theo với quy mô 500 - 1.000/con/hộ/lứa (một năm trung bình nuôi 3 lứa, cá biệt có hộ nuôi 4 lứa).

Để nuôi gà đồi, người dân Phú Sơn mua gà con từ 2 nguồn: Bình Định và một số tỉnh, thành phía Bắc. Trong đó, giống Minh Dư và Cao Khanh (Bình Định) giá 15-16.000 đồng/con; giống gà Vạn Phúc (phía Bắc) thấp hơn từ 1- 2.000 đồng/con.

“Nuôi gà đồi nói dễ cũng dễ vì ít nhọc nhằn hơn nuôi heo, nhưng khó cũng khó vì gà mẫn cảm với thời tiết, rất dễ dịch bệnh nếu mưa nắng thất thường. Mới đầu vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, cách thức vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh... Lúc đó, ngoài tìm hiểu từ sách báo, internet, tôi phải ra Quảng Trị để tham quan, học hỏi để nắm vững quy trình chăn nuôi”, anh Bùi Chúng (thôn 2) – một trong số những người tiên phong nuôi gà đồi có quy mô mỗi lứa từ 2.000-4.000 con, chia sẻ.

Do được nuôi thả trong không gian tự nhiên rộng rãi, nhiều cây cỏ, côn trùng nên gà ở đây cho thịt chắc, ngọt và thơm. Điều này đã được người tiêu dùng Huế và một số tỉnh, thành lân cận công nhận. Một số người sành ăn còn chia ra 2 loại, và khuyên, ngày thường nếu ăn nên chọn gà Minh Dư, Cao Khanh bởi thịt trắng, thơm và chắc, ngọt. Còn đến những ngày cận tết hay dịp cúng giỗ, nên chọn mua gà Vạn Phúc vì gà béo, chân vàng, da vàng và mồng cao, rất đẹp khi bày lên mâm cúng.

Trước nhu cầu thị trường, ngày càng nhiều hộ nuôi gà đồi cũng như mở rộng quy mô. Tính đến tháng 10/2018, Phú Sơn có tổng đàn từ 120.000 – 150.000 con/năm của gần 80 hộ nuôi.

Ổn định đầu ra, xây dựng thương hiệu

Khảo sát một số hộ nuôi gà ở Phú Sơn, nếu trung bình nuôi mỗi lứa 1.000 con (90-100 ngày xuất chuồng), trừ mọi chi phí, người nuôi lãi khoảng 26 triệu đồng/lứa. Đây là thu nhập khá cao so với điều kiện kinh tế địa phương; nhưng đó là câu chuyện của 2, 3 tháng trước.

Hiện tại, gà con giá đã lên 24-26.000 đồng/con, tùy loại. Giá thức ăn từ 285.000 đồng/bao lên 305.000 đồng/bao. Giá con giống, thức ăn tăng nhưng không đồng nghĩa với việc người nuôi “được” tăng giá bán cho thương lái, bởi khoảng 2 tháng gần đây, gà Phú Sơn từ 60.000 đồng/kg (gà trống) – 65.000 đồng/kg (gà mái) hiện chỉ còn 50.000 – 55.000 đồng/kg với lý do từ thương lái: gà Quảng Bình về nhiều, giá chỉ 50.000 đồng/kg. Theo tính toán, giá bán này khiến người nuôi lỗ 6 triệu đồng/1.000 con/lứa.

“Trước đây, cứ đến thời điểm xuất chuồng chỉ cần alô một tiếng là thương lái đến “hốt” liền. Chừ đôi khi điện tới điện lui nhưng thương lái không còn mặn mà như trước”, ông Trần Trường, một hộ nuôi ở thôn 1 than thở.

Câu chuyện với bà Phan Thị Xảo (thôn 2) cũng tương tự. Và phương thức bán khi gà đến thời điểm xuất chuồng đều như nhau: Thông qua thương lái, không có những ràng buộc và không hề có nơi bao tiêu ổn định. Đồng nghĩa với giá cả đầu ra tùy nơi thương lái, còn thị trường thừa – thiếu thế nào người nuôi không hay biết.

Như vậy, ngoài có nơi bao tiêu, chính quyền cần tiến đến xây dựng thương hiệu cho gà đồi Phú Sơn. Bởi bên cạnh giúp người nuôi yên tâm phát triển kinh tế, một khi gà đồi Phú Sơn có thương hiệu chính thức, sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa, phân biệt chất lượng các sản phẩm. Về phía người nuôi, nếu khẳng định được chất lượng gà đồi Phú Sơn, tạo được dấu ấn với người tiêu dùng thì hiệu quả phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu càng cao.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy thông tin: “Tháng 5 vừa rồi, thị xã đã tổ chức một hội nghị nhằm kết nối với các doanh nghiệp toàn tỉnh để giới thiệu sản phẩm của địa phương, trong đó có gà đồi Phú Sơn nhằm tìm nơi bao tiêu cho bà con, cũng như tạo cơ sở xây dựng thương hiệu cho gà đồi Phú Sơn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái nào từ phía các doanh nghiệp”.

Giải quyết vấn đề này, có lẽ trước mắt chính quyền cần kết nối thêm các doanh nghiệp ngoài tỉnh trong chuyện bao tiêu đi kèm với quy hoạch lại tổng đàn gà, số hộ nuôi tương ứng với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng nuôi ồ ạt, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng, giá cả. Và đó là tiền đề để gà đồi Phú Sơn chính thức có thương hiệu.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn

Chiều 6/4, Nhà máy Điện rác Phú Sơn tổ chức lễ khánh thành đi vào hoạt động. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương. Về phía tỉnh có ông Lê Trường Lưu, UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã..

Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn
Liên kết & nâng tầm thương hiệu

Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Liên kết  nâng tầm thương hiệu

TIN MỚI

Return to top