ClockThứ Ba, 09/05/2017 05:56

Đem lại sức khỏe cho mọi người là niềm vui

TTH - Đó là tâm sự chung của tập thể lương y, y sĩ y học cổ truyền (YHCT) và bác sĩ, nhân viên Trung tâm Kế thừa & Ứng dụng y học cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (gọi tắt là Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa).

Thượng tọa Thích Tuệ Tâm khám cho bệnh nhân

Lâu nay, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa trở thành địa chỉ khám chữa bệnh đông y quen thuộc không chỉ đối với người dân Thừa Thiên Huế.

Được thành lập năm 1982, với tên gọi ban đầu là Phòng Đông y thuộc Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế, nơi đây chỉ có một tổ chẩn trị YHCT với 7 thành viên tham gia; khám và điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân/ngày. Đến cuối năm 1989, Ban Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam  tỉnh (GHPGVN) thành lập thêm một phòng khám tây y nhằm kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Năm 2005, từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, phòng khám được di dời về số 3 đường Lê Quý Đôn và có tên gọi mới là Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Tháng 10/2007, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa phát triển thành Trung tâm Kế thừa & Ứng dụng YHCT Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa với 40 lương y, y sĩ YHCT và 6 bác sĩ tây y. Trung tâm trực thuộc Hội Châm cứu tỉnh.

Cùng với việc phát triển thành một trung tâm lớn, chất lượng khám và điều trị bệnh ở đây cũng được nâng cao, được nhiều người tín nhiệm. Lương y Nguyễn Văn Yên, người đã gắn bó với Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa trong 35 năm qua tâm sự: “Theo tinh thần của một phật tử phục vụ chúng sanh nên chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình để phục vụ bệnh nhân. Thu nhập của y bác sĩ, nhân viên ở trung tâm không cao nhưng mọi người vẫn tận tụy vì công việc, hết lòng vì bệnh nhân”.

Hiện Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đã mở rộng thêm cơ sở mới 3 tầng với diện tích sàn hơn 800m2; đầu tư thêm một số trang thiết bị như: máy khám tổng quát MEDI SCAN, máy siêu âm màu, máy Xquang, máy điện tâm đồ, các thiết bị,máy móc bào chế đông dược nhằm hoàn thiện hệ thống cận lâm sàng và sản xuất thuốc để phục vụ bệnh nhân tại cơ sở. Mục tiêu của trung tâm trong tương lai là phát triển thành Bệnh viện Điều dưỡng YHCT.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngô Thị Minh ở phường Phước Vĩnh, TP. Huế cho biết: “Tôi là người Công giáo, thường xuyên đến Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa khám và bốc thuốc để điều trị bệnh. Các y bác sĩ ở đây nhiệt tình với bệnh nhân. Tôi đến khám và châm cứu đều được miễn phí”. Bà Thái Thị Chanh, ở phường Vỹ Dạ tuổi đã cao, bị bệnh khớp. “Tôi uống đã nhiều loại thuốc mà không khỏi. Nghe tiếng Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa nên tìm đến châm cứu nên bệnh đã thuyên giảm nhiều, đi lại không còn khó khăn như trước”, bà Chanh tâm sự.

Hàng ngày, có từ 200 đến 250 bệnh nhân đến khám và điều trị tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Anh Phan Văn Hòa ở Hải Lăng, Quảng Trị kể: “Tôi bị bệnh thần kinh tọa nên phải cấy chỉ. Đi nhiều nơi, tiền công rất cao mà hiệu quả không cao lắm. Khi đến Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, tiền công chỉ bằng một phần ba nơi khác mà hiệu quả thấy rõ”.   

Không chỉ làm từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, cố gắng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa còn quan tâm đến các thế hệ kế tục sự nghiệp YHCT tỉnh nhà. Trong những năm qua, trung tâm đã mở hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các học viên chuyên ngành YHCT, mời các lương y giỏi đến trao đổi kinh nghiệm, nói chuyện về các chuyên đề với học viên; phối hợp với Hội Châm cứu tỉnh tổ chức đào tạo các lớp y sĩ YHCT hệ chính quy nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho hội. Hiện nay, vào các ngày lẻ trong tuần, trung tâm tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn và cách điều trị YHCT cho sinh viên học chuyên ngành này.

Giúp đỡ bệnh nhân về mặt tinh thần cũng là phương pháp chữa bệnh mà Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa rất quan tâm. “Có nhiều bệnh nhân tôi phải ngồi trò chuyện với họ hàng giờ đồng hồ để họ giải tỏa tâm lý, giảm bớt căng thẳng vì bệnh tật. Nhiều bệnh nhân bị căng thẳng thần kinh, bị stress, sau khi bốc thuốc được chúng tôi hướng dẫn về nhà tập dưỡng sinh, ngồi thiền mà bệnh tật nhanh chóng khỏi” -  đó là tâm sự của Thượng tọa Thích Tuệ Tâm, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Kế thừa & Ứng dụng YHCT Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa.

Bài, ảnh: ĐOÀN NGỰ BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạn chế sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền

Hội thảo “Tăng cường sự phối hợp đa phương trong việc ngưng, hạn chế sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền” diễn ra ngày 11/8 thu hút gần 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ, y sĩ lương y y học cổ truyền đến từ trường ĐH Y Dược, Đại học Huế; Trường CĐ Y Dược Huế, Hội Đông y tỉnh, Hội Châm cứu…

Hạn chế sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền
“Lắng nghe” cơ thể để tập luyện hợp lý

Tập thể dục có ý nghĩa quan trọng đối với người lớn tuổi. Song tập như thế nào, tập ra sao để hiệu quả, tránh xảy ra các biến chứng… đó là những nội dung T.S Đoàn Văn Minh, Trưởng Khoa Y học cổ truyền Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế chia sẻ với Thừa Thiên Huế Online.

“Lắng nghe” cơ thể để tập luyện hợp lý

TIN MỚI

Return to top