ClockThứ Hai, 20/02/2023 10:37

Đến Huế mùa xuân

“Sắc Huế mùa xuân”Ngưỡng vọng từ lễ hội xuânNgày xuân nhớ khúc Nam Cầm

Du khách Quảng Nam đến Huế mùa xuân

Trong một cuộc hội ngộ không hẹn trước đầu năm Quý Mão, nơi tả ngạn sông Hương, bên chén trà ấm tình thân hữu, bạn bè tôi nói rằng hoa mai năm ni bị thời tiết “lừa” - sau siêu bão Noru, nắng ấm nên tưởng là xuân tới, đã vội vàng khoe sắc hồi cuối tháng 11. Rồi sau đó, mưa lạnh kéo dài, lại giật mình tích nhựa cho mùa “chính danh”. Thế là xuân muộn. Hay xuân vì thương nhớ mùa đông cũ mà chưa khai hoa, hay xuân vì người muốn vẹn nguyên cảm thức mùa đầu năm mà ra Giêng, mai vẫn còn đang chúm chím nụ búp? Thế là tôi phải thay đổi cái ý nghĩ mặc định mấy chục năm ni về hoa của mùa. Sự biến đổi bất thường của thời tiết hay cả những bất định trong đời sống đã tác động tới quy luật tự nhiên chăng?

Tự bao giờ không rõ, tôi đã yêu loài hoa mai mọc tự nhiên trong khu vườn xứ Quảng có cái tên rất ngộ: Gò Giỏ. Con đất đẹp tựa cái giỏ đựng cá to khủng này là cả khoảng trời tuổi thơ, là tất cả ấm áp yêu thương của gia đình, là hồn quê hương. Mỗi năm, khi tháng Chạp đang cạn dần ngày, ba tôi ra vườn chọn cành mai chưng Tết. Mang xuân vào nhà, cắm vào cái độc bình cũ, tỉ mẩn chăm chút và đợi chờ từng cánh mai hé mở là dòng cảm xúc quen như thuộc lòng câu thơ càng cũ càng thấm thía, và thiêng liêng biết bao. 

Nhưng quê tôi không gọi tên Hoàng mai sang trọng như người Huế. Tôi người nhà quê, gắn với đất quê, thở hơi cũng quê, nên luôn yêu tất cả những gì thuộc về quê kiểng. Ngay cái tên hoa cũng thiệt thà mới là một phần chân chất của tâm hồn mình. Hoa mai. Là cả những mùa xuân vời vợi trong tâm tưởng. Là niềm hy vọng nở theo “một nhành mai” của thiền sư Mãn Giác.

Quyết định đi Huế cùng gia đình giữa những ngày xuân mưa rét thiệt táo bạo mà cũng thật nên thơ. Trở lại nơi lưu giữ tháng năm tuổi trẻ vào những ngày đầu xuân, quả là điều tôi chưa từng mơ tới. Huế phải lạnh, phải mưa mới đẹp trầm mặc và xao xuyến. Mưa giăng qua Hoàng thành. Mưa rỉ rả trước Phu Văn Lâu. Mưa giăng giăng trên sông Hương dùng dằng nhớ thương ngày cũ. Thi sĩ Hoàng Phủ gọi dòng chảy đó là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế. Tôi thấy cơn mưa đầu xuân này cũng chính là điệu slow dịu dàng trong bản hòa âm mang tên Huế. Huế mộng mơ. Huế sâu lắng. Huế trầm tư…

Ngồi ngắm mưa sông Hương, bên mớ chậu hoa Trà các loại và chậu Hoàng mai đã xanh nhiều nụ búp ở ngôi nhà bạn, lòng tôi lắng đọng khoảnh khắc bồi hồi mà bình yên đến lạ. Và tôi đã bắt gặp sắc xuân nơi thành phố tình yêu. Hoàng mai khó chăm, lại gặp tiết lạnh kéo dài, trở nên đỏng đảnh. Chờ phép nhiệm màu của nắng ấm, sẽ bung vàng rực rỡ. Vậy nên, trong mưa lạnh, Hoàng mai cứ e ấp nụ xanh xanh, tôi cũng đã thấy xuân ngập tràn. Cứ ngồi yên ngắm chậu Hoàng mai, rồi nhìn mưa trên sông Hương mà thả trôi muộn phiền. Những tất bật âu lo của đời dường như tan biến. Tâm hồn ta chạm đến cõi vô ưu. Nhịp sống chầm chậm của Huế, mùa xuân dịu dàng ở Huế mới thật đúng nghĩa nên thơ.

Nhiều người cho rằng hương vị tết bây giờ đã có phần phai nhạt. Tôi lại không nghĩ thế. Con người ngày càng hời hợt với những điều đã thành xưa cũ, nên thường đổ lỗi cho đời đổi thay. Sống thật sâu và thật chậm từng khoảnh khắc, nâng niu hạnh phúc hiện thời và gìn giữ lưu truyền nếp xưa của tết trong điều kiện có thể, thì sẽ chạm ý vị xuân.

Xa Huế mấy mươi năm, bây giờ trở lại, tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác quen thương thuở nào. Mà cũng kỳ diệu quá, nhờ duyên hạnh ngộ với bạn bè thời đại học, tôi nghe tim mình chơi vơi nhịp thanh xuân. Như thời gian chưa từng lấp lánh trên đầu.

Xuân đã tới. Xuân đang qua. Xuân vẫn còn phía trước. Hay xuân rộn ràng mãi trong lòng người? Hoàng mai sẽ nở, vẫy gọi xôn xao và níu giữ xuân thì. Mùa xuân đến Huế, “Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên xuân” như lời thơ Trung niên thi sĩ chăng?

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Diệu Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Return to top