Công nhân sản xuất củi trấu
Ông Lê Đức tâm sự, cách đây chừng 10 năm, bản thân bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp ngay trên chính đất quê hương mình. Điều ông Đức quan tâm cũng là điều trăn trở khi nhận thấy quê mình là vùng sản xuất lúa, với lượng trấu xay xát từ lúa rất nhiều nhưng chưa biết cách tận dụng, gây lãng phí. Một lượng trấu thải ra sông, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Từ trăn trở đó, ông Đức quyết định đầu tư mua máy ép củi trấu để tận dụng nguồn trấu dồi dào tại địa phương và các vùng lân cận. Thời gian đầu thành lập, nhà máy gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, thiết bị, vốn. Được sự động viên của các ban, ngành địa phương, ông Đức mạnh dạn vay vốn để mua thêm máy móc và trang, thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu SXKD.
Với ý chí kiên định, say mê sáng tạo, ông Đức từng bước khắc phục và giải quyết được những khuyết điểm, khó khăn ban đầu. Những khó khăn, trở ngại cũng được đầy lùi, khắc phục và đền đáp xứng đáng khi việc sản xuất củi trấu tận dụng được các phế phẩm nông - lâm nghiệp, tạo ra chất đốt mới có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất củi trấu còn giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường từ phế phẩm nông - lâm nghiệp, tận thu nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương mà trước đây gần như hoàn toàn bỏ phí. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực trong việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu than, dầu...
Sản phẩm củi trấu của ông Đức được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong nhiều năm qua. Sản phẩm được xuất bán không những thị trường trong tỉnh, mà còn tiêu thụ ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh, như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh... Bình quân mỗi tháng, nhà máy sản xuất và bán ra thị trường khoảng 450-500 tấn củi trấu, với giá bình quân từ 1.200-1.400 đồng/kg.
Thành công bước đầu của sản phẩm củi trấu làm tiền đề cho doanh nghiệp từng bước phát triển lớn mạnh lên đến bây giờ. Nắm bắt nhu cầu thị trường, ngoài những sản phẩm củi trấu, ông Đức còn vay vốn mua thêm xe tải, xe ben, máy đào, máy xúc và kinh doanh vật liệu xây dựng phục nhu cầu của người dân địa phương và các vùng lân cận.
Từ cơ sở mang tính sản xuất hộ gia đình, giờ đây nhà máy của ông Đức phát triển thành Công ty TNHH Gia Bảo Vy, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động nông thôn, 2 người học việc và hàng chục lao động theo thời vụ có thu nhập ổn định, khá cao. Tổng doanh thu bình quân hàng năm của công ty đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. Trong 5 năm gần đây, mức thu nhập bình quân của mỗi lao động hơn 9 triệu/tháng. Dịp lễ tết hằng năm,100% công nhân được hưởng lương tháng 13 và tiền thưởng dựa trên kết quả công việc.
Hoạt động có hiệu quả, ông Đức tích cực tham gia ủng hộ các quỹ vì người nghèo, vòng tay nhân ái, xây dựng miếu làng, sân trường; các quỹ khuyến học, bảo trợ bệnh nhân nghèo, cứu trợ bão lụt tại Quảng Nam, giúp đỡ những hội viên trong lúc ốm đau, bệnh tật và có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phòng, chống COVID-19 tại các địa phương.
Bài, ảnh: Hoàng Thế