ClockThứ Ba, 16/08/2022 13:00

Đổi đời nhờ nuôi trồng thủy sản

TTH - Phụ nữ vùng đầm phá huyện Phú Vang đã vượt lên chính mình, phát huy vai trò “tay hòm chìa khóa” của gia đình trong phát triển kinh tế.

Học chữ, kể chi tuổi tác

Phụ nữ thôn Lê Bình (Phú Xuân, Phú Vang) với nghề vá lưới

Lên bờ định cư và nuôi trồng thủy sản

Bà Nguyễn Thị Cam, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Lê Bình (Phú Xuân, Phú Vang), là một trong phụ nữ đi đầu trong trào nuôi thủy sản tại xã vùng ven đầm phá Phú Xuân. Ngày trước, bà là dân vạn đò, có cuộc sống rày đây mai đó, rất bấp bênh và nghèo khó. Sau cơn bão lịch sử năm 1985, cùng với bà con vạn đò trong vùng, gia đình bà được Nhà nước đưa lên bờ định cư.

Từ nhiều năm qua, được Nhà nước tạo điều kiện và tổ chức hội phụ nữ vận động, gia đình bà Cam đã mạnh dạn tham gia nuôi trồng thủy sản trên đầm phá. Hiện tại, bà sở hữu một hồ nuôi trồng thủy sản hạ triều có diện tích nửa ha, nuôi xen ghép các loại tôm - cua - cá. Tuy không phải năm nào cũng suôn sẻ, nhưng với hồ thủy sản này, hàng năm gia đình bà đã có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng, một khoản tiền khá lớn nơi vùng quê nghèo đầm phá này. Kể về công việc của mình, bà Cam không kìm được cảm xúc, “đời tôi đã thực sự thay đổi khi được lên bờ định cư và nuôi trồng thủy sản”.

Chị Trần Thị Ly Ny, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, Phú Xuân có 2 thôn Lê Bình và Thủy Diện nằm ven phá Tam Giang. Bên cạnh đánh bắt, nghề nuôi trồng thủy sản có điều kiện để phát triển. Riêng thôn Thủy Diện có 30ha mặt nước đầm phá, với 200 hộ gia đình/220 hộ gia đình có thu nhập và cuộc sống gia đình khá lên chủ yếu nhờ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Ban đầu nuôi chuyên canh, những năm gần đây, để bảo đảm an toàn, bà con chuyển sang nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản. Về con giống, từ chỗ tận dụng nguồn sẵn có trong tự nhiên, bà con đã chủ động đầu tư con giống để có có thu nhập cao và phòng ngừa được sâu bệnh.

Huyện Phú Vang với nhiều đầm phá nổi tiếng, như đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, đầm Thủy Tú nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích trên 6.800ha mặt nước là tiềm năng lớn để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá đạt 4.925ha, riêng Phú Vang có tới 2.778,5ha. Toàn huyện có 6 trong số 14 xã và thị trấn nằm ở vùng đầm phá.

Đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp ghé về xã Phú An nằm ở bên đầm Chuồn. Xã có 4 thôn, gồm An Truyền, Định Cư, Triều Thủy và Truyền Nam có đời sống kinh tế nơi đây gắn liền với đầm phá. Phú An có thôn Định Cư có 350 hộ và một nửa trong số đó sống bằng nghề nuôi trồng và buôn bán thủy, hải sản. Thôn An Truyền có đa số hộ gia đình sống bằng nghề nông và buôn bán nhỏ nhưng có khoảng 100 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản.

Chị Hoàng Thị Diễm Phúc, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Vang cho rằng, càng ngày đã có thêm nhiều phụ nữ vùng đầm phá tự tin và vươn lên trong làm ăn kinh tế nhưng vẫn còn không ít những khó khăn. Tuy rằng nghề chính của phụ nữ vùng đầm phá Phú Vang là nuôi trồng thủy sản, nhưng môi trường nuôi trồng đang bị ô nhiễm nặng nề bởi nhiều nguyên nhân. Đầu ra thủy sản chủ yếu vẫn được tiêu thụ qua người thu mua nhỏ lẻ, trải qua nhiều khâu trung gian nên khi đến tay người tiêu dùng giá bán bị nâng lên cao, trong khi giá trị thu mua thấp.

Hỗ trợ để phát triển

Theo chị Đặng Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã, hiện có 690 hội viên phụ nữ trong xã Phú An đã được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng qua kênh cấp hội phụ nữ với tổng số tiền lên tới 27 tỷ đồng. Chị em hội viên được vay nhìn chung phấn khởi, sử dụng hiệu quả và thực hiện đúng các quy định pháp luật. Hội LHPN xã Phú An cùng nhiều địa phương cũng đã có các hình thức giúp đỡ nhau phát triển kinh tế thông qua quỹ vốn xoay vòng, heo đất…

Chị Hoàng Thị Diễm Phúc cho biết, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, Hội LHPN Phú Vang thời gian qua đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, về chăn nuôi, quản lý chi tiêu và dạy nghề (nấu ăn, may, sửa chữa máy nổ…). Bà Diễm còn cho biết thêm, Hội LHPN Phú Vang cũng chủ động phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức các lớp xóa mù. Đáng mừng là mới đây thông qua các lớp học này mà có thêm 31 chị em phụ nữ ở xã Phú Mỹ và 21 chị em khác ở xã Phú An thoát khỏi cảnh đời không biết chữ. Chị Diễm Phúc bảo rằng, học xóa mù là để biết chữ, qua đó biết cách tổ chức làm ăn kinh tế và chi tiêu trong gia đình hợp lý, mới thoát nghèo và làm giàu được.

Chia tay vùng đầm phá Phú Vang lần này, chúng tôi như chợt  hiểu hơn, chính sự nỗ lực của các cấp hội đã giúp phụ nữ các vùng đầm phá cách nay không lâu còn mù chữ và ngại ngùng giờ đã tự tin, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Không ít chị đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top