ClockThứ Bảy, 06/06/2020 16:23

Đong đầy yêu thương.

TTH - Vắng tình thương của bố, thiếu vòng tay chở che của mẹ, nhưng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vẫn nhận được tình yêu thương, chăm sóc đủ đầy của các mẹ, các cô bảo mẫu ở các cơ sở bảo trợ xã hội.

Tết của trẻ mồ côi“Nắng ấm mùa xuân” cho trẻ em các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội

Tạo sân chơi giúp các em trải nghiệm kỹ năng sống

Ký ức đẹp mùa đại dịch

Nếu không có dịch COVID-19, có lẽ những ngày này, Phan Văn Hùng và những cậu bạn ở Làng trẻ em SOS Huế đã “lăn” cùng trái bóng trên sân cỏ với các bạn trong Câu lạc bộ Bóng đá SOS Huế - dự án Bóng đá Na Uy. Đã tham gia, gắn bó qua 4 kỳ bóng đá, đây là môn thể thao giúp Hùng phát huy sở trường cũng như rèn luyện thể chất, sức khỏe tốt hơn.

Tuy bị gián đoạn niềm đam mê với bóng đá, nhưng Hùng và các bạn ở Làng trẻ em SOS Huế có cơ hội trải nghiệm những hoạt động khác ý nghĩa hơn.

Các em ở Làng trẻ em SOS Huế vẻ tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Làng trẻ em SOS, kể: Trong những ngày cao điểm đối với đại dịch, từ món tiền ít ỏi dành dụm được, các mẹ và các em ở Làng đã gom góp mua những vật dụng để tự tay làm ra hơn 200 chiếc mũ bảo hộ chắn giọt phòng dịch COVID-19. Số mũ này được gửi tặng cho những người đang làm nhiệm vụ tuyến đầu phòng dịch lúc ấy. Thời gian này, các em còn tham gia thi vẽ tranh, múa hát trong khuôn khổ nội bộ để tuyên truyền, cổ động phòng chống dịch cùng toàn xã hội.

Qua những hoạt động đầy ý nghĩa, các em được trải nghiệm sáng tạo, biết cách thiết kế và thực hiện các kế hoạch hành động phục vụ cộng đồng. Bằng cách trang bị các kỹ năng hỗ trợ, góp sức cùng cộng đồng trong mùa dịch, các em không chỉ tự tin, mạnh dạn hơn mà còn ý thức trách nhiệm, cùng đóng góp cho xã hội bằng những việc làm thiết thực và hữu ích.

Lẽ ra trong tháng 6 này đã là tháng khởi đầu những ngày vui chơi, giải lao, tháng mà mọi trẻ em được đón Tết Thiếu nhi sôi động, nhưng vì dịch, các em đã tập thích nghi và tiếp tục hành trình đến trường trong những ngày hè nóng nực. Trong từng gia đình nhỏ ở Làng trẻ em SOS Huế cũng như ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây, Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội tỉnh..., hơn 100 cháu vẫn đang trong không khí miệt mài học tập để chuẩn bị cho các bài kiểm tra, kỳ thi cuối năm.

Các em ở Làng trẻ em SOS Huế làm mũ bảo hộ chắn giọt bắn

Ở các trung tâm, những chị lớn, anh cả ngoài giờ lên lớp còn sắp xếp dành thời gian để bảo ban, bày giúp các em nhỏ những bài học khó, cùng phụ các mẹ làm việc nhà, lao động vệ sinh khuôn viên, nhà ở sạch sẽ, gọn gàng để phòng chống dịch. Những ngày nghỉ cuối tuần, các em còn được các anh chị tình nguyện viên, giáo viên đến phụ đạo, dạy thêm một số môn học văn hoá, năng khiếu, kỹ năng sống.

“Mặc dù chúng con sẵn sàng tâm lý đón kỳ nghỉ hè muộn, ngắn và không háo hức, mong đợi ngày Tết Thiếu nhi sôi động như mọi năm, nhưng các cô, chú, các mẹ trong trung tâm vẫn lên kế hoạch liên hoan, tặng quà, tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn, bổ ích và ý nghĩa như thi nấu ăn, vẽ tranh, thể thao... cho chúng con”, em Đậu Thị Hồng - Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội tỉnh hứng khởi.

Cho trẻ mái ấm và nhân cách tốt

Không được may mắn như bao bạn nhỏ khác, từ khi còn học, 3 chị em Phan Thị Yến, quê ở Quảng Trị phải gia nhập ngôi nhà chung Làng trẻ em SOS Huế. Vẫn lạc quan trước hoàn cảnh ngặt nghèo, Yến chia sẻ: “So với nhiều bạn, con chỉ kém may mắn là không được sống cùng ba mẹ. Nhưng bù lại, chúng con có mẹ, có dì và nhiều anh chị em cùng ngôi nhà chung yêu thương, chăm sóc nhau như ruột thịt. Chúng con được tham gia các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ văn thể mỹ, đi dã ngoại, tham quan nhiều danh thắng, di tích để mở mang hiểu biết”.

Toàn tỉnh hiện có 690 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp ở các cơ sở bảo trợ xã hội. Tại đây, các em không chỉ được các cô, các mẹ chăm lo chuyện ăn, việc học, mà còn được dạy cách làm vườn, trồng cây, nấu ăn và làm những công việc phù hợp độ tuổi, sức khỏe. Qua cách chăm sóc, giáo dục này đã giúp các em học cách sẻ chia, phát triển kỹ năng sống để cùng nhau xây ngôi nhà chung đầy ắp tình thương, niềm vui như bao gia đình thực sự khác.

Đồng hành đong đầy tình yêu thương, quan tâm miếng ăn giấc ngủ cho các em phải kể về các mẹ “không chồng” ở các trung tâm. Có lẽ duyên và phận đã đưa các mẹ đến với những địa chỉ này để rồi toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian, tuổi thanh xuân lo cho nhiều lớp con khôn lớn, trưởng thành. Trong số này có mẹ Phan Thị Cháu, người mẹ luống tuổi nhất của Làng trẻ em SOS Huế. Hơn 17 năm qua, mẹ Cháu lặng lẽ lo lắng chu toàn cho từng đứa trẻ, thậm chí có trẻ từ khi vào còn đỏ hỏn, nằm nôi đến khi khôn lớn vào bến đỗ cuộc đời.

Chính sợi dây vô hình gắn kết nên tình cảm mẹ con ấy của mẹ Cháu và nhiều mẹ khác ở các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, nên nhiều em đến tuổi trưởng thành, tự lập dù đã rời mái nhà chung như Thảo, Trang, Nhung, Hoàng và hàng trăm tên em khác vẫn thường xuyên kết nối, quay lại nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho các lớp em nhỏ đến sau.

Là người gắn bó với Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội tỉnh từ những ngày đầu đơn vị chưa hợp nhất, Giám đốc Trung tâm - ông Trần Quốc Hùng cho biết: Tuy còn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan đơn vị, cộng đồng xã hội, nhưng điều đáng mừng là so với trước đây, điều kiện cơ sở phục vụ sinh hoạt, học tập, vui chơi cho các em thanh thiếu nhi ở trung tâm nói riêng và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn đã tốt lên rất nhiều. Hệ thống phòng ốc, máy móc, dụng cụ học tập được trang bị đầy đủ. Các khu vui chơi phù hợp từng độ tuổi, sân bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn... được đầu tư hoàn thiện giúp các cháu có thêm môi trường giải trí, rèn luyện thể chất an toàn, lành mạnh, xóa đi những cách ngăn, mặc cảm để trở thành những người tử tế, có ích cho xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh
Vẫn có nắng trong cơn mưa chiều

Bạn vừa chuyển cho em tấm ảnh đang lội bì bõm trên đường phố lớn, luôn có một câu hài hước như tính bạn thuở nào “Gửi gấp một chiếc thuyền giấy”, kèm theo icon cái miệng cười toe, hở mấy cái răng sún.

Vẫn có nắng trong cơn mưa chiều
Ai có gì giúp nấy, vì miền Bắc yêu thương

Ngoài các tổ chức, đội nhóm, có những cá nhân hướng về đồng bào bị thiên tai phía Bắc với nhiều hành động ý nghĩa như mời ăn, hỗ trợ chỗ ngủ miễn phí, uống cà phê chuyển khoản về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Ai có gì giúp nấy, vì miền Bắc yêu thương
Return to top