ClockThứ Sáu, 24/01/2020 17:55

Tết của trẻ mồ côi

TTH.VN - Như bao đứa trẻ khác, tết về, trẻ ở Làng Trẻ em SOS Huế cũng háo hức mong chờ được du xuân, vui chơi, nhận lì xì, mặc quần áo mới… Nhưng, tết với các em còn là những khoảng lặng buồn.

Tết ở miền ngượcGiữ phong vị tết qua thư phápDựng nêu đón Tết

Không khí tết ở Làng trẻ em SOS Huế

Háo hức đón tết

Đến thăm Làng Trẻ em SOS Huế những ngày giáp tết, không khí tết tràn ngập nơi đây. Nhà cửa được dọn dẹp khang trang, sạch sẽ, hoa cũng được trưng bày, khoe sắc trong nắng. Giáp tết, trẻ em trong làng cùng quây quần gói bánh chưng, bánh tét. Đêm xuống, các anh chị lớn đun lửa nấu bánh, các em nhỏ chơi đùa trong tiếng nhạc xuân rộn ràng. Bữa tiệc tất niên cuối năm đông đủ khiến không khí đón tết càng thêm vui nhộn.

Bố nghiện rượu, mẹ bỏ đi, Võ Thị Yến V. (quê ở Thủy Lương, thị xã Hương Thủy) vào sống ở Làng Trẻ em SOS Huế mùa hè năm 2019. Lâu lắm rồi V mới có cái tết đầy đủ với quần áo, giày dép mới nên cô bé hào hứng: “Mẹ đã mua cho con váy mới nè, giày mới nữa. Hôm tất niên, con còn lên biểu diễn văn nghệ rất vui. Không khí tết ở đây vui hơn hồi con ở nhà”.

Tết năm nay là cái tết thứ 4 Nguyễn Duy Phi T. ăn tết ở Làng Trẻ em SOS Huế nên cậu bé đã quen với không khí tết nơi đây. Cu cậu giơ mấy ngón tay: “Tụi con đã phụ mẹ dọn nhà, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, các anh chị lớn theo mẹ đi mua hoa rồi. Con cũng đã có quần áo mới, chừ chỉ chờ tết đến để mẹ dẫn cả nhà đi du xuân”.

Đang trò chuyện với T. thì bé S. (3 tuổi) chơi ở gần đó mừng rỡ chạy ùa ra đón một người phụ nữ vừa về đến: “Mẹ về rồi! mẹ về rồi!”. Đó là mẹ Cành ở nhà Ngô Đồng vừa về quê vào. Ôm chầm lấy con, chị Cành kể: “Tôi mới về nhà hôm qua, theo phép tối nay sẽ ở lại nhưng sợ con khóc nên cúng tất niên xong là lật đật bắt xe vào”.

Quê ở Quảng Trị, mẹ Cành không có chồng con nên xem 8 đứa trẻ ở nhà Ngô Đồng như con ruột. Bé S nhỏ nhất nhà, mẹ Cành chăm từ khi bé mới 7 ngày tuổi bị bỏ rơi trước cổng làng nên mẹ thương lắm. Chị Cành bộc bạch: “Tôi đơn thân nên coi mấy đứa như con, cảm giác rất hạnh phúc khi được chăm lo cho các con từng miếng ăn, giấc ngủ. Bé Sao nhỏ nhất nhà nên tôi cũng thương và chiều bé nhất, tối nào cũng rúc vào lòng mẹ mới chịu ngủ”.

Vui, buồn lẫn lộn

Quây quần bên nồi bánh chưng ngày giáp tết

Làng Trẻ em SOS Huế hiện có 70 trẻ, nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi, lớn đã vào đại học. Để mang đến cho các con cái tết đủ đầy, ấm cúng, ngoài chăm lo về vật chất, các mẹ, cô chú ở Làng Trẻ em SOS Huế còn chăm lo cho trẻ về tinh thần. Trước tết, các em được vui tất niên, giao lưu văn nghệ, tham gia gói bánh chưng, bánh tét. Các mẹ lo sắm sửa quần áo, giày dép mới, bánh mứt và thức ăn cũng đã mua sắm đầy đủ. Ngày tết, các nhà sẽ đi chúc tết, lì xì cho các con, đưa các con ra ngoài du xuân, đi công viên, tổ chức sinh hoạt cộng đồng và các trò chơi dân gian…

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Làng Trẻ em SOS Huế cho hay: “Những ngôi nhà của làng SOS là nhà gia đình. Chúng tôi cố gắng hết sức để tạo cho các em không khí tết của gia đình, tổ chức nhiều hoạt động vui tết, đón xuân. Nhiều em lớn đã trưởng thành cũng về đây sum vầy đón tết như trở về gia đình. Với sự chung tay của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các tình nguyện viên cũng đến tặng quà, tổ chức vui chơi để các em có được cái tết ấm áp hơn”.

Làng Trẻ em SOS Huế là nơi giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có được mái ấm và vẫn luôn gắn kết với gia đình gốc, với quê hương. Tết đến, làng vẫn tạo điều kiện cho người thân đón các em về nhà ăn tết. Mỗi em một hoàn cảnh nên chuyện về nhà ăn tết của các em cũng lắm vui, buồn. Mỗi khi có trẻ được người thân đón về, những em ở lại chạnh lòng òa khóc.

Chị Dung tâm sự: “Tết là tháng tôi lo nhất trong năm. Với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, tết đến, tâm trạng các em cũng khác, bồn chồn khi nhìn bạn bè đều có bố mẹ sum vầy, còn các em thì không. Có em được người thân đón về, có em ở lại tủi thân òa khóc là tâm lý không tránh khỏi. Cũng có em trông ngóng người thân đến đón như đã hẹn rồi không thấy… Thế nên, chúng tôi cố gắng hết sức để bù đắp những thiếu hụt về mặt tinh thần cho các em”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ông Bụt” của trẻ mồ côi

Hàng chục năm nay, ông Nguyễn Đình Liên Đài (TP. Huế) đã góp sức cùng Hội Người khuyết tật (NKT) - Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi (TMC) tỉnh lan tỏa tình yêu thương đến hàng nghìn mảnh đời kém may mắn.

“Ông Bụt” của trẻ mồ côi
Return to top