Có rất nhiều những lời nhắn, lời nhắc liên tục cập nhật lên facebook cá nhân của anh từ khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách để phòng chống COVID-19.
Bao nhiêu ngày giãn cách cũng là bấy nhiêu thời gian anh và vợ dùng ô tô riêng trao quà của bà con ở Huế gửi vào tiếp ứng cho người dân Sài Gòn.
Rời đi từ sáng sớm, với những chuyến xe đầy ắp hàng, xe và quà luồn lách vào từng con hẻm, trao tận tay bà con nghèo từng gói bánh, bao gạo, hũ muối... Hỏi thăm tình hình dịch ra sao, anh thú thật: “Sợ ra đường, ngại tiếp xúc lắm nhưng ai cũng ngại thì ai làm. Chừ là lúc bà con cần mình”.
Ngày 127 y bác sĩ Huế lên đường vào chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam chống dịch, mấy tiếng đồng hồ sau, đã thấy anh và các anh em hội đồng hương Huế chờ đón đoàn ở sân bay. “Một công hai việc bạn ơi. Tụi mình đón đoàn, hỗ trợ hành lý rồi nhận quà của UBND tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ, của bà con Huế chi viện cho đồng bào”. Anh nhắn vội, trong khoảng nghỉ ngắn ngủi giữa những chuyến hàng.
Hết quà của doanh nghiệp, Hội tennis Huế, lại tiếp nối những phần quà của bạn bè, người thân... Đến ngày thứ 10 giãn cách, người nhà hỏi han sức khỏe, anh gửi đoạn video clip, tay xách nách mang những phần quà nặng trĩu, cao lút mặt, chân đi cà nhắc vì di chuyển nhiều. Trông anh gầy xọp đi, nhưng nụ cười thì cứ hồn nhiên.
Tối, đã khuya, bỗng nhận được tin nhắn của anh, hỏi quê mình sao rồi. Là ngôi làng nghèo của anh ở Huế cũng đang giãn cách bởi dịch bệnh. “Cả xã có 200 hộ khó khăn, anh làm răng hỗ trợ quê nhà với”. Anh bảo “để Sài Gòn ổn, rồi mình sẽ tính”- khi tôi thông tin cho anh về tình hình quê nhà.
Nhìn hình biểu tượng mặt cười nhiều năng lượng của anh kèm tin nhắn, tôi lại nhớ gương mặt rám nắng của anh nông dân quê mình. Rời quê khi còn thanh niên, với quyết chí lập nghiệp, giờ đã thành công, có lẽ, anh đang trả nợ món nợ cưu mang của Sài Gòn bao dung, tử tế. Nhưng tấm lòng người đồng hương ấy cũng luôn đau đáu về quê nhà.
Năm ngoái, khi những trận lụt, bão kinh hoàng ập xuống miền Trung, anh và những người bạn đồng hương Huế đã cấp tốc cùng chiếc xe bán tải bụi bặm bươn ra. Chiếc xe cũng nặng trĩu những thùng sữa, thùng vở... với bao ân tình của bà con miền Nam gửi về, “chia lửa” với Huế.
Nhìn anh và những trai làng của mình tóc đã muối tiêu, hì hụi bốc dỡ, ân cần trao cho bà con từng món quà thân thương, tôi chợt nhận ra, hai tiếng ‘‘đồng hương” sao mà ân tình, gần gũi đến thế.
KIM OANH