ClockThứ Ba, 09/01/2024 12:57

Đua trên đồng làng

TTH - Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Vui nhộn hội đua ghe câu chào năm mớiHàng ngàn người đội mưa cổ vũ giải đua ghe truyền thống huyện Quảng Điền

 

Thời tôi còn bé tý, làng hoặc xã tổ chức đua. Còn bây giờ là phường. Hơn chục năm trước, xã Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) quê tôi có đến 4 làng đã lên phường nên gọi đúng tên phải là xuống phường coi… đua. Dưới xã không phải là thôn hay đội nữa mà là tổ dân phố. Chuyện hành chính kia để dịp khác bàn, chừ nói chuyện đua cái đã.

Ví như làng Dã Lê Thượng thuộc Thủy Phương là vùng bán sơn địa, ở cái thế “trước đồng, sau rẫy”. Bắt đầu từ tháng Bảy âm lịch sau vụ Tám là lúc “nước nhảy lên lên bờ”. Năm nào cũng thế, lụt chồng lên lũ, cả cánh đồng làng ngập nước mênh mông, ví như cái hồ lớn hay con sông rộng cũng chẳng sai.

Bước sang tháng 10 âm lịch, nước cũng bắt đầu rút. Chuẩn bị cho vụ lúa mới, lệ làng xưa dù khó khăn đến mấy cũng phải tổ chức đua để “làm nóng” và tạo khí thế xuống đồng. Cũng bởi vì thế mà trước ngày giải phóng, là đứa trẻ lên mười, môn thể thao mà tôi được xem đầu tiên là đua và là đua trải.

Tôi từng coi đua ở trên sông và cả ở vùng đầm phá nhưng thích nhất vẫn là đua ở trên đồng. Nước không quá sâu, bởi thế có thể chống ghe, tròng đến sát đường đua, tận tai nghe tiếng hò dô và nhịp chèo khoan nhịp rộn ràng; tận mắt nhìn được những khuôn mặt đầy biểu cảm của các tay chèo, trong đó có không ít người ngày thường quen biết.

Như buổi sáng hôm ấy, nơi khán đài dựng tạm bên con đập, mọi người đang háo hức, bỗng nghe tiếng heo kêu eng éc. Nhìn lại, một thanh niên lễ mễ bưng con heo hơn chục cân, bảo rằng đây là tiền quyên góp của tổ dân phố tặng đội nhà nếu giành chiến thắng. Sau buổi sáng này sẽ là một bữa tiệc vui. Đó là động viên, khích lệ tinh thần vun đắp thêm tình làng và nghĩa xóm.

Đua ở phường nay thấy có nhiều thay đổi. Không như dạo nào đua tròng, chừ đua… ghe nhôm, dễ làm và dễ sử dụng. Cũng không còn cảnh chống tròng, chống ghe chạy theo ghe đua nữa mà chủ yếu đứng trên con đường quê chạy song song với cánh đồng làng để coi… đua. Thế nhưng, vẫn còn đó không khí rộn ràng xưa. Lòng cứ dập dồn theo tiếng trống và nhịp la dồn la trên sông nước.

Có nhiều cách để người ta bày ra các cuộc đua trên sông nước. Nào là để chào mừng các dịp lễ trọng, nào là vào dịp lễ hội truyền thống thu hút khách du lịch. Thế nhưng, tổ chức đua ở trên đồng ruộng như ở vùng quê tôi không chỉ để “vui là chính” mà còn là nghi lễ xuống đồng. Nó thiệt vui, thiệt dân dã và rất thiết thực. Bao kẻ như tôi, cũng đã 60 năm cuộc đời, vẫn háo hức… chờ.

ĐAN DUY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Return to top