ClockThứ Hai, 02/05/2022 08:39

Đưa yến Minh Trường sang Mỹ

TTH - Hơn 10 năm qua, anh Trương Minh Trường cho mọi người thấy, chàng trai miệt biển không chịu nghèo khó và vun đắp giấc mơ khởi nghiệp từ việc nuôi chim yến đang là một hướng đi đúng.

Yến sào “made in Huế”

Đội ngũ nhân viên tinh chế yến Minh Trường

Duyên

Cuộc cà kê của tôi bắt đầu bên bàn nước nhỏ trong ngôi nhà ở phố Võ Thị Sáu, TP. Huế. Những cái kệ gỗ, tủ kính bày kín mẫu mã các sản phẩm yến sào với thương hiệu Minh Trường là gần 12 năm trôi qua như chớp mắt với chàng trai lớn lên từ miệt biển Phong Hải (Phong Điền).

Trước đây, khi tốt nghiệp THPT rời quê lên phố, Trường bao phen lận đận, sấp ngửa nhiều nghề. Lận đận chuyện làm ăn qua nhiều năm và trong thời gian ấy anh đã nếm trải những vị đắng xen lẫn ngọt bùi.

Quyết định theo nghề chim yến, Trường cho đó là duyên. Duyên ấy bắt đầu khi mua căn nhà cấp 4 tại đường Võ Thị Sáu, TP. Huế bằng đồng tiền tích cóp của bản thân và sự hỗ trợ của bố mẹ vào năm 1998. Tình cờ hôm đầu về nhà mới, thấy nhiều chim yến bay đến đậu quanh nhà thế là Trường tò mò cách nuôi yến.

Thời đó, chuyện nuôi, chế biến yến chỉ nghe ở các tỉnh, thành, đặc biệt là Khánh Hòa, còn ở Huế rất hiếm. Qua sách báo, mạng internet, Trường thấy nuôi chim yến không dễ về kỹ thuật lẫn quy trình chế biến mà còn khó đầu ra. Sản phẩm yến rất kén khách mà ai cũng rõ vì xưa nay nó đã mặc định là món ăn xa xỉ, dành cho người sành ăn, nhiều tiền, là món “yến tiệc”, “tiến vua”.

Trương Minh Trường với sản phẩm yến tổ đã tinh sạch đưa ra thị trường

Biết khó nhưng Trường muốn “đi để thành đường”. Đó quan điểm mà Trường kinh nghiệm từ trường đời. Đầu năm 2010, Trường chính thức khởi nghiệp với nghề nuôi chim yến tại nhà sau chuyến vào TP. Hồ Chí Minh tìm gặp “chuyên gia” để tiếp cận các công nghệ, không chỉ trên sách vở, mà nuôi yến thực tế, phù hợp với điều kiện ở Huế. Từ đó, Trường nâng cấp nhà, tăng thêm phòng với diện tích 300m2. Theo quy trình đến hẹn lại lên, chim yến về trú ở và đẻ, từ đó hàng tháng, Trường thu hoạch tổ yến đều đặn. Nhận thấy chim yến ở Huế đầy tiềm năng, Trường đầu tư thêm 1 căn nhà yến tại phường Hương Phong giao em gái quản lý.

Hiện nay hai cơ sở nuôi của Trường gồm 6 phòng, gần 100 nghìn chim yến, mỗi năm tạo ra khoảng 50kg yến thô. Yến Minh Trường luôn hướng tới điểm 10 cho chất lượng, có hàm lượng protein, chất đạm... rất cao vì nuôi đúng quy trình và chế biến không pha tạp.

Trường chia sẻ, để có tổ yến tốt, chất lượng, ngoài việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật nuôi đóng vai trò rất quan trọng để “dụ yến” về tổ cũng như bổ trợ thức ăn, đảm bảo sức khỏe cho chim yến. Để môi trường sống của chim yến ổn định là không lạnh quá hoặc nóng quá. Bởi lạnh yến bay ra ngoài rất dễ chết và nếu nóng quá yến sẽ rời đi

Với nguyên tắc trên, Trường rất tinh tường bởi anh thường xuyên trích kinh phí tham gia các hội thảo, khóa học trong, ngoài nước để tiếp cận, nâng cấp kỹ năng nuôi và tinh chế yến sào. Lần gần đây nhất vào năm 2019, anh đến Malaysia - nơi mệnh danh vương quốc nuôi yến để học khóa ngắn hạn tinh chế, đa dạng các sản phẩm từ tổ yến thô.

Vươn ra thị trường lớn

Giọng chậm rãi, Trường kể từ khi nuôi yến đến nay của anh có 3 lần gặp duyên không quên được. Năm 2010 nâng cấp ngôi nhà lên 3 tầng thì chim yến lũ lượt nhiều nơi bay về, tạo động lực để anh chính thức khởi nghiệp mà bạn bè đùa Trường từng ngày hốt “vàng trắng”. Đến năm 2015, thương hiệu yến Minh Trường Huế lần đầu tiên sang Mỹ theo đường tiểu ngạch mà anh mừng rơi nước mắt. Lần mới đây vào năm 2019, anh quyết định mất gần 100 triệu đồng sang Malaysia học cách tinh chế nâng cấp sản phẩm yến tạo cơ hội để sản phẩm mở rộng ra thị trường thế giới.

Ngẫm ra mỗi cột mốc với Trường cách nhau chừng 5 năm, dường như theo nghề yến với anh không chỉ là duyên mà đã thành nghiệp. Theo Trường, muốn phát triển bền lâu phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Hiện nay, yến Minh Trường được xem là hàng Việt Nam chất lượng cao, được ngành chức năng kiểm định, có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ...

Trường thực tình, duyên cớ đưa yến sang Mỹ đầu tiên vào năm 2015 theo đường tiểu ngạch là nhờ người thân giới thiệu. Từ một hai tổ ban đầu gửi tặng, không ngờ sản phẩm yến Minh Trường tạo được lòng tin của nhiều khách ở nước Mỹ nhờ trung gian người thân tiếp thị; mỗi tháng 4-5kg yến các loại qua Mỹ...

Dạo chưa dịch bệnh, cơ sở yến Minh Trường là điểm hẹn của nhiều Việt kiều Mỹ gốc Huế. Có những vị khách quen mỗi lần về quê hễ chưa mua được yến Minh Trường là day dứt. Hỏi ra mới rõ trước khi về quê nhiều người đã đặt dặn mua yến Minh Trường Huế về làm quà. Ngay thời điểm dịch COVID-19, sản phẩm này khá đắt khách, làm chừng nào tiêu thụ chừng đó.

Khi dịch COVID-19 vừa tạm lắng, Trường được người thân báo tin, sẽ có một doanh nghiệp ở Mỹ về Huế hợp tác đặt hàng yến Minh Trường. Nhận thông tin, Trường mừng rơn. Thực ra chuyện yến sào đi ra nước ngoài chẳng mới mẻ, nhưng với cá nhân nghiệp khởi nghiệp ở “vùng lõm”, lại đưa sản phẩm ra thế giới theo đường chính ngạch không phải dễ. Sản phẩm phải hội các điều kiện, đầy đủ quy chuẩn kiểm định khắt khe về vệ sinh chất lượng, môi trường...

Trường bộc bạch: “Cơ hội đến nếu không nắm lấy sẽ mất” và cho tôi xem những xấp giấy tờ, thủ tục để đưa yến Minh Trường sang Mỹ đã thuận đến 80%. Trong số còn lại liếc sơ thì có loại giấy chứng nhận phải năm đến mới cấp. Trong thời gian chờ trên, Trường có kế hoạch mở rộng cơ sở nuôi, đào tạo nhân viên và đầu tư thêm dây chuyền công nghệ để chế biến đa dạng các dòng sản phẩm yến, đáp ứng nhu cầu khách, như yến tổ, yến hũ, rượu yến... Đồng thời, tiếp tục bồi đắp phát triển thương hiệu, tạo thêm mẫu mã bao gói đẹp, quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh bán hàng. Trường đang lập thêm dự án thu mua sản phẩm yến thô tại các địa phương để tinh chế theo quy trình, đảm bảo chất lượng đúng theo đơn đặt hàng. Mọi kế hoạch Trường đặt ra không phải là lý thuyết suông vì anh đã kết nối nhiều bạn bè, đồng môn chia sẻ hợp tác. Trường lại thủng thẳng: “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Tôi tin với chậm rãi, chắc chắn của anh, sản phẩm yến Minh Trường sẽ theo đường chính ngạch sang Mỹ chỉ trong tương lai gần.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu

Bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Khi càng có nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Đặc biệt, sản phẩm địa phương khi được bảo hộ quyền SHTT sẽ thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu
Làm mới sản phẩm nông nghiệp

Từ nguồn tài nguyên bản địa, nhiều doanh nhân trẻ đã tạo ra những sản phẩm mới, góp phần hình thành nền nông nghiệp bền vững dựa trên công nghệ và kiến thức.

Làm mới sản phẩm nông nghiệp
Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa

Thay vì tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai, các trò chơi du nhập từ nước ngoài, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang nhanh chóng bắt nhịp tiến trình sáng tạo sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, tạo nên một cộng đồng giải trí mới, đầy tự hào và hứng khởi.

Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

TIN MỚI

Return to top