ClockThứ Sáu, 13/08/2021 14:36

Đừng rời mắt khi trẻ chưa biết bơi

TTH - Bởi chỉ cần lơ đãng một vài phút, nguy cơ đuối nước sẽ rình rập và để lại hậu quả khó lường.

Nguy cơ đuối nước luôn hiện hữu với trẻ và người lớn chưa biết bơi

Mùa hè, nhiều phụ huynh tranh thủ cho con học bơi. Số khác cũng tận dụng ngày nghỉ đưa con đến tắm tại một số bể bơi trên địa bàn TP. Huế và các vùng lân cận. Và gần như bể bơi nào cũng đông khách, nhất là những chiều cuối tuần. Tuy nhiên, theo quan sát, ở một số bể bơi dịch vụ, dù có các dụng cụ hỗ trợ chống đuối nước, gồm các loại phao, song không phải phụ huynh nào cũng trang bị hoặc thuê cho con sử dụng, dẫn đến nguy cơ đuối nước, nhất là trẻ em độ tuổi mẫu giáo, tiểu học và chưa biết bơi. Bên cạnh đó, một số phụ huynh khi đưa con đi tắm, bơi không chú ý quan sát (đa số ngồi lướt mạng) để kịp thời xử lý khi trẻ đuối nước cũng là điều đã được cảnh báo.

Có hôm tôi đưa các con đến bơi tại một bể bơi dịch vụ trên địa bàn, đang chăm chú theo dõi con phía này thì nghe tiếng la cứu phía cuối bể. May mắn là nhân viên cứu hộ kịp thời lao xuống bồng cháu bé lên nên cháu chỉ hoảng sợ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, dù bể bơi dành cho trẻ em chỉ có độ sâu 60cm.

Lần khác thì tại một bể bơi ở khách sạn P. Cả hội phụ huynh ngồi phía trên một phen hốt hoảng khi thầy dạy bơi hô hoán rồi nhảy xuống cứu một bé bị đuối nước. Lúc này cháu bắt đầu có dấu hiệu tím tái, khó thở nên sau khi sơ cứu, những người có mặt hôm đó đã hỗ trợ gọi xe cấp cứu. Mẹ cháu lúc này đã quá hoảng loạn chỉ biết khóc lóc.

Thầy dạy bơi cứu cháu bé thông tin, vừa dẫn một học trò đến bể bơi và đang thực hiện các bài khởi động trên bờ thì nhìn xuống phía dưới bể có cháu bé úp mặt xuống nước mà không động đậy nên nhảy xuống cứu. Đáng nói là bé này có mặc áo phao. Song, theo giải thích của thầy dạy bơi này thì áo phao thường không đạt hiệu quả với các bé dưới 12 tuổi. Khi các cháu bị dốc đầu xuống nước sẽ khó tự đứng dậy do áo phao kéo mạnh về phía đầu dẫn đến đuối nước, trong khi phụ huynh lại chủ quan vì cho rằng con đã mặc áo phao.

Cũng theo kinh nghiệm của những người cứu hộ, đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi tốt nhất là nên sử dụng những loại phao tay, phao ngực sẽ giúp phần đầu các cháu nổi trên mặt nước. Nếu quá trình tắm, tập bơi không may đuối nước, phần thân trên và đầu sẽ nổi lên giúp các cháu không uống nhiều nước sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng.

Cùng với đó, khi đưa con đi tắm bể bơi, nhất là các bé độ tuổi mầm non, tiểu học và chưa biết bơi, phụ huynh cần quan sát kỹ, phải đảm bảo con luôn trong tầm mắt, nhất là ở những khu vực khuất, hay còn gọi là “điểm mù bể bơi” để kịp thời xử lý khi có sự cố. Bởi theo một người có kinh nghiệm cứu hộ bể bơi, những bể bơi cạn, có độ sâu tầm 60-80cm thường dễ xảy ra đuối nước hơn cả. Người này cũng thông tin, chưa có ngày nào mà anh không phải nhảy xuống bể cạn một lần để cứu hộ, trong khi các bể sâu từ 1,4m-2,2m thường ít xảy ra tình trạng này. Nguyên nhân được giải thích là ở bể cạn đa số là trẻ chưa biết bơi và phụ huynh thường chủ quan hơn, trong khi các bể sâu chỉ có những người đã biết bơi mới sử dụng dịch vụ.

Bài, ảnh: Linh Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên dương 26 giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu

Chiều 15/11, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức Chương trình tuyên dương “Giáo viên, Giảng viên trẻ tiêu biểu” lần thứ III, năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

Tuyên dương 26 giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu
Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển và khuyết tật

Nhằm nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển và trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục mầm non, từ ngày 7 đến 11/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho 300 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục đối với trẻ có rối loạn phát triển và trẻ khuyết tật.

Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển và khuyết tật
Thông tin doanh nghiệp:
Trẻ bị viêm tai giữa nên và không nên ăn gì?

Viêm tai giữa là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi. Bệnh này xảy ra khi ống Eustachian, ống nối tai giữa với mũi và họng, bị viêm hoặc tắc nghẽn, gây ra sự tích tụ dịch trong tai giữa. Trẻ bị viêm tai giữa thường cảm thấy đau tai, khó chịu, kèm theo các triệu chứng như sốt, quấy khóc, và mất ngủ. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc và chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi của trẻ. Vậy trẻ bị viêm tai giữa nên ăn gì để giúp tăng cường sức đề kháng và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu?

Trẻ bị viêm tai giữa nên và không nên ăn gì

TIN MỚI

Return to top