|
Xuất phát |
Sự kiện Hue Plogging 2024 quy tụ 32 đội chơi với hơn 350 người tham gia bao gồm người dân, du khách tại thành phố Huế. Người tham gia hóa thân thành các “Hiệp sĩ biển” thực hiện hoạt động chính là đi bộ nhặt rác gần 5km dọc khu vực từ bãi biển trung tâm Thuận An đến bãi tắm cộng đồng của Tổ dân phố An Hải nhằm xóa bỏ điểm nóng ô nhiễm rác thải tại khu vực này.
Ngoài ra, người chơi còn trải nghiệm vượt qua các trạm thử thách phụ bao gồm giải cứu Hải Âu, giải cứu San Hô, giải cứu Cá voi và giải cứu Rùa con với các nội dung khuyến khích thực hành giảm rác thải nhựa và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.
|
Người chơi thi nhau nhặt rác làm sạch bãi biển |
Nhân kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới, Sự kiện đi bộ nhặt rác lần thứ 2 tại thành phố Huế hướng đến việc nâng cao ý thức của cộng đồng người dân Huế, du khách về việc không xả rác bừa bãi, giảm thiểu rác thải nhựa và góp phần bảo vệ vùng biển Thuận An xanh, sạch, đẹp.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung VN kêu gọi người dân Huế và du khách khi đến Huế cùng nhau bảo vệ môi trường, giữ gìn hình ảnh xanh, sạch, sáng của thành phố Huế. Đồng thời, hy vọng phong trào đi bộ nhặt rác sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện hôm nay mà còn tiếp tục lan tỏa, trở thành thói quen của mọi người dân Huế, để Huế thực sự xứng tầm với danh hiệu Thành phố Du lịch Sạch ASEAN.
|
Các đội chơi vượt qua trạm thử thách giải cứu Hải Âu |
Kết thúc chương trình, BTC trao tặng các giải thưởng cho 3 đội đi bộ/chạy bộ nhặt rác xuất sắc nhất, đội chơi vượt qua các trạm thử thách xuất sắc nhất và đội chơi tham gia thử thách online thu hút nhiều lượt quan tâm nhất.
Được biết, Dự án "Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam" được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND thành phố Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông, hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2021-2024) với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.