Sống ở Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội, người cao tuổi được chăm sóc chu đáo
Xem trung tâm là nhà
Không chồng con, người thân đều lập nghiệp ở xa, mệ Nguyễn Thị Xuân Lài sống một mình tại đường Tăng Bạt Hổ, TP. Huế. Năm nay đã 73 tuổi, sức khỏe yếu nhưng không có người thân chăm sóc, mệ Lài quyết định bán nhà, chuyển hộ khẩu vào sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội tỉnh theo hình thức tự nguyện. Mệ bộc bạch: “Mệ lớn tuổi lại sống một mình không ai săn sóc nên rất lo. Hôm nào khỏe thì nấu nướng đàng hoàng, mệt thì ăn tạm qua bữa, nhiều khi nhịn đói. Mệ bị huyết áp, tim mạch mà ở một mình cũng nguy hiểm, nhất là ban đêm. Khi biết trung tâm có dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, mệ đăng ký vào đây ở đến cuối đời”.
Theo chia sẻ của mệ Lài, vào sống ở Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội, mệ thấy thoải mái như ở nhà, lại khỏe ra khi có người lo cho miếng ăn, giấc ngủ. Hàng ngày, mệ được ăn uống đầy đủ, đúng giờ, kiểm tra huyết áp thường xuyên, lại có nhiều người để trò chuyện nên thấy vui vẻ. Mệ Lài tâm sự: “Cán bộ trung tâm tận tình, hòa nhã, vui vẻ nên mệ cũng coi đây như gia đình của mình. Yên tâm nhất là có người chăm sóc mỗi khi ốm đau. Mệ sẽ ở đây đến cuối đời, sau này nhờ trung tâm lo luôn chuyện hậu sự nếu cháu mệ ở nước ngoài không về kịp”.
Ở trung tâm còn có ông Nguyễn Trọng Vĩnh và Nguyễn Văn Chớ (TP. Huế). Tuổi cao, ông Vĩnh bị bệnh nằm liệt giường, còn ông Chớ mất trí nhớ. Con cái của hai ông, người định cư ở nước ngoài, người ở TP. Hồ Chí Minh, người ở Huế bận rộn công việc không thể chăm sóc chu đáo. Chị Nga, con dâu ông Vĩnh, kể: “Ông cụ bị liệt nên cần chế độ chăm sóc đặc biệt, thế nhưng, thuê người giúp việc họ làm không tận tình và cũng chỉ làm ban ngày. Phận con cái cũng muốn chăm sóc cha mẹ nhưng chúng tôi còn bận rộn công việc, để ông cụ ở nhà thì không yên tâm. Vào trung tâm, ông được chăm sóc chu đáo nên chúng tôi rất yên lòng, cứ rảnh gia đình lại vào thăm”.
Cũng có những cụ chỉ vào sống ở trung tâm vài tuần hoặc vài tháng khi con cái đi công tác xa không ai săn sóc. Nhiều cụ vào trung tâm nuôi dưỡng thấy thoải mái hơn khi được chăm sóc, khám bệnh chu đáo, lại có bạn già để trò chuyện…
Phù hợp với xu thế
Tháng 7/2017, Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội tỉnh tổ chức thí điểm nuôi dưỡng người cao tuổi theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí. Đối tượng áp dụng là người cao tuổi không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Hàng tháng, mức kinh phí đối với người cao tuổi có thể tự phục vụ sinh hoạt là 3.700.000 đồng/tháng và 4.600.000 đồng/tháng đối với những người không thể tự chăm sóc. Theo ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội tỉnh, với mức phí này, trung tâm không có lợi nhuận mà chỉ đủ chi phí ăn uống, chăm sóc, quản lý.
Anh Nguyễn Hải Đăng, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội cho biết: “Ở trung tâm, chúng tôi tạo cho các cụ môi trường sống thoải mái như ở nhà, chế độ phục vụ chu đáo, phòng ở đầy đủ tiện nghi với tivi, tủ lạnh, đồ dùng sinh hoạt, phòng vệ sinh khép kín. Các cụ có khu nhà riêng, có bộ phận cấp dưỡng, y tế chăm sóc dinh dưỡng, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và bảo vệ trực 24/24h. Hàng ngày, các cụ được tổ chức tập dưỡng sinh, trung tâm có hệ thống máy phục hồi chức năng, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe…”.
Những người có nhu cầu có thể liên hệ với Trung tâm Nuôi dưỡng và công tác xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa chỉ: 65 Đặng Tất, TP. Huế. Điện thoại: 0234.3589.788. Website: congtacxahoi.thuathienhue.gov.vn.
|
Mô hình chăm sóc người cao tuổi theo hình thức tự nguyện vẫn chưa thực sự phổ biến. Từ khi triển khai đến nay, còn ít người biết đến và đăng ký dịch vụ nuôi dưỡng này. Theo ông Hùng, rào cản lớn nhất hiện nay của mô hình này là định kiến xã hội. Nhiều người cho rằng, việc con cái đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu, không làm tròn trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, thế nên nhiều gia đình có nhu cầu nhưng còn lo ngại. Nhiều người già đến tìm hiểu rất thích sống ở trung tâm nhưng con cái gạt đi vì sợ mang tiếng. Cũng có trường hợp người con muốn gửi bố mẹ vào trung tâm vì không có điều kiện chăm sóc nhưng sợ dư luận lên án.
Đây là quan niệm chưa phù hợp với xu thế hiện đại, bởi do hoàn cảnh, không phải gia đình nào cũng có điều kiện, thời gian chăm sóc bố mẹ già chu đáo. Nhiều người phải đi làm từ sáng đến tối mới về, để bố mẹ già quanh quẩn một mình. Trong khi đó, phần lớn những người cao tuổi mang nhiều bệnh, nhất là bệnh về xương khớp và bệnh lẫn của tuổi già, cần người cận kề chăm sóc.
Cha mẹ, ông bà sống với con cháu vẫn là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, với những trường hợp bất khả kháng không có người chăm sóc, việc người già vào sống ở trung tâm nuôi dưỡng nên được nhìn nhận với chiều hướng tích cực. So với việc các cụ phải ở nhà một mình trong tình trạng sức khỏe kém, thì việc đưa người già đến trung tâm nuôi dưỡng là cách làm phù hợp khi ở đây, các cụ có những người bạn già để trò chuyện, tâm sự, lại được chăm sóc sức khỏe một cách bài bản, khoa học, sinh hoạt điều độ, đúng giờ...
Bài, ảnh: Minh Hiền