ClockThứ Hai, 05/06/2023 06:07

Gặp Huế trên biển Nha Trang

leftcenterrightdel
 Bãi biển Nha Trang trải dài dọc theo đường Trần Phú. Ảnh: Khánh chi

“Nha Trang ngày về...”, bao giờ đến Nha Trang tôi cũng có cảm giác như đang trở về nơi chốn quen thuộc, có lẽ bởi thành phố cũng có nhiều con phố nhỏ với những ngôi nhà nhỏ, có nét gì đó yên tĩnh như ở Huế.

Nha Trang rộn ràng là ở những trục đường dẫn ra biển. Mới đầu hè đã đông đúc, khách du lịch người nước ngoài đi trên phố khá nhiều. Những tòa nhà cao tầng và khách sạn lớn trải dài suốt dọc cung đường ven biển, Nha Trang đúng là thành phố ôm trọn biển vào lòng. Với lợi thế biển trong lòng phố, Nha Trang phát triển du lịch mạnh mẽ từ xưa đến nay. Bây giờ thành phố mang vẻ đẹp hiện đại.  

Chỉ cần băng qua đường là đến biển. Từ sáng sớm đến hoàng hôn, biển luôn có người. Đêm, thành phố lung linh ánh đèn, cái cảm giác ngồi trong phố, nghe âm thanh của phố và gió mát từ biển thổi vào làm nhẹ đi bao âu lo trong lòng người. Nếu có chút gì mệt mỏi, gió biển cũng cuốn đi nhẹ nhàng. Có phải vậy không mà người Nha Trang hiền hòa và cởi mở. Đi đến đâu cũng gợi nhớ về Huế, nhất là gặp “chất” hiền hiền, ít nói mà nhiệt tình của người bản địa. Tôi đã từng nghe nhiều bạn bè ở xa đến thăm Huế khen người Huế tận tâm chỉ đường cho người lạ, thậm chí còn chạy xe theo để chỉ đường, buôn bán dễ thương, nhất là các chị, các o bán hàng ăn dạo ở các con phố. Vào Nha Trang, cái “chất” ấy cũng đậm đà ở những người lao động bình thường mà tôi gặp.

Trên biển Nha Trang sáng ấy tôi gặp chị. Ban đầu chị nói giọng Nha Trang, chuyện một hồi chị nói... giọng Huế và cười cười bảo “Ba mạ chị là người Huế, chị cũng sinh ra tại Huế”. Phút ngỡ ngàng qua nhanh, rồi chị trò chuyện với đồng hương Huế như chị em quen lâu rồi. Năm 1962 ba chị đưa cả gia đình vào Nha Trang làm ăn. Bây giờ Nha Trang đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình lớn của chị. “Vài năm cũng gắng về thăm Huế một lần em à. Kinh tế chị cũng chưa dư dả gì, với lại bây giờ có cháu nội, cháu ngoại rồi, cũng dành thời gian giúp con trai, con gái chăm cháu nữa”, chị tâm sự.

Chị kể người Huế mình vào Nha Trang cũng đông. Ở Nha Trang có hẳn một thôn nhỏ ở ven biển gần như toàn là người Huế, dân địa phương còn gọi là “Xứ Huế ở Đại Lãnh”. Với gia đình chị, hồi ấy cực quá ba chị đưa cả nhà vào đây. Nha Trang đất hiền mà người cũng hiền nên dễ làm ăn. Ngày ấy, cách đây cũng sáu mươi năm hơn rồi, Nha Trang rộng rãi lắm, bây giờ đông đúc. Nhưng mà “Cuộc sống có chỗ cho tất cả mọi người em à. Chừ thì đâu cũng là quê hương, nhưng nơi chôn nhau cắt rốn luôn là một cõi nhớ linh thiêng”. Rồi chị hỏi thăm Huế mùa này đã nóng chưa, quê chị ở Vinh Hiền - miền đất nhiều cát trắng và hoa xương rồng. Có lẽ cái nóng là ấn tượng sâu sắc nhất để lại trong lòng chị lúc còn là cô gái bé nhỏ.

Chị cũng bảo cách đây mấy năm có về thăm quê nhân dịp chạp mộ tổ tiên, ông bà. Thấy quê hương phát triển, những người con xa quê như chị và ba mạ chị rất vui. Ba mạ chị biết rằng, khó có nhiều dịp về thăm quê vì tuổi cao sức yếu nên lần ấy con cháu chở ông bà đi thăm bà con khắp nơi. Ba mạ chị luôn nói “mừng cho bà con mình” mỗi khi thấy nhà xây, đường đi thuận lợi, xóm làng sạch sẽ, quang đãng. Chị cũng bảo chưa làm gì được cho quê hương. Vẫn mong muốn làm cái gì đó cho Huế và cái mà chị và ba mạ chị làm được trong khả năng của mình là cầu nguyện cho Huế bình an qua mỗi mùa mưa bão, mong bà con Huế mình ở đâu cũng luôn mạnh khỏe, làm ăn khấm khá...

Vào Nha Trang, gia đình chị mang theo nghề làm bánh Huế để mưu sinh. Các loại bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc nhà chị làm được bà con trong xóm đón nhận và khen ngon. Tôm, nguyên liệu làm nên vị ngon của ba loại bánh Huế, ở Nha Trang rất dồi dào, nên quán bánh Huế của nhà chị trở nên nổi tiếng. Từ việc giáo bột, rim tôm thịt làm bánh, gói lá cho đến chuyện pha nước mắm... tất cả đều là công thức của Huế. Mạ chị chỉ gia thêm chút đường ở nhân bánh khi rim thịt cho phù hợp với khẩu vị hơi chuộng ngọt của người Nha Trang. Chén nước mắm ăn bánh cũng nhiều ớt. Nhờ chăm chỉ làm ăn, bán buôn cũng ổn định mà ba mạ chị nuôi được năm người con, xây nhà kiên cố và còn mua được đất để dành cho con khi lập gia đình. Bây giờ nghề làm bánh Huế được chị và các con chị tiếp nối. “Việc bán buôn cũng qua ngày vì bây giờ có nhiều món ăn ngon, mới của nhiều vùng miền được bán ở đây. Nha Trang, thành phố du lịch mà, mình gắng giữ món bánh Huế đứng vững ở Nha Trang cho có chị có em với ẩm thực nhiều miền là vui rồi em ạ”, giọng chị kể thật nhẹ nhàng.

Trước ngày chia tay Nha Trang, tôi cùng bạn ngồi ở quán ốc ven sông. Phía bên này sông, nhà xây kề nhau đã trở thành một nét của phố, nhìn sang bên kia, vẫn còn những căn nhà mái tôn cũ, hỏi thì được biết đó là xóm Bóng (có nét gì đó giống phía mặt sau bờ sông của Bao Vinh, hay cồn Hến của Huế). Tôi không biết ở xóm Cồn này có ai người Huế hay không. Dù có hay không thì cũng cầu mong cho bà con mình làm ăn vững chãi, đất khách quê người, cuộc mưu sinh cũng không dễ dàng gì. Đó là điều mà tôi nghĩ khi chia tay chị trên bãi biển Nha Trang, cũng như nhiều lần gặp đồng hương Huế ở Đà Lạt, Sài Gòn.

Một thoáng gặp chị trên biển Nha Trang cho tôi hiểu thêm về mối dây liên hệ thầm lặng của hai từ “đồng hương”. Tôi biết, những người con xa quê, vì cuộc sống mà rời nơi chôn nhau cắt rốn nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ về quê cha đất mẹ, vẫn thầm cầu mong cho bà con mình, Huế mình ngày một đi lên. Cũng như tôi và bao người Huế khác, khi gặp đồng hương trên đất khách, cũng một lời nguyện cầu “chân cứng đá mềm”, “ăn yên ở yên” trên quê hương thứ hai mà bà con đã chọn.

XUÂN AN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top