|
Các đại biểu trồng cây hoa giấy ở gác chắn đường sắt phía bắc cầu Dã Viên, TP. Huế hưởng ứng phong trào đường tàu, đường hoa |
“Tôi hy vọng rằng, đường hoa này sẽ không chỉ làm đẹp đường sắt, đô thị Huế mà xa hơn còn kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan tươi đẹp ở mọi lúc, mọi nơi”, anh Nguyễn Duy Hoàng, một người sống dọc theo đường tàu chạy qua TP. Huế trải lòng khi hay tin ngành đường sắt phát động phong trào đường tàu, đường hoa tại TP. Huế vào một ngày cuối tháng 10.
Hôm chương trình được Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên phát động phong trào, không chỉ có chính quyền địa phương, doanh nghiệp mà có rất nhiều người dân sống hai bên đường tàu đến dự và tặng những cây hoa cho đơn vị triển khai. Với nhiều người dân, phong trào này không chỉ có làm đẹp cho tuyến đường sắt mà còn tô điểm chính không gian sống, đặc biệt với những nhà dân ở dọc theo tuyến đường sắt chạy qua. Việc góp cây hoa với họ như một phần góp sức, trách nhiệm để tạo thêm không gian xanh, làm đẹp cho tuyến đường cũng như môi trường sạch đẹp.
Theo Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên, đơn vị hiện đang quản lý, bảo trì với hơn 176km chiều dài thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh đi qua địa phận 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong đó có nhiều đoạn chạy qua các đô thị trung tâm, tập trung đông dân cư như TP. Đông Hà, TP. Huế… Nhiều năm qua, đơn vị đã cho xây bồn, trồng hoa ở các khuôn viên nhà gác chắc dọc theo tuyến với đa dạng các loại hoa. Hàng tháng đã cho làm vệ sinh cảnh quan, chăm sóc cây hoa được trồng với mục tiêu tạo dựng hình ảnh chính quy, văn hóa, an toàn.
Việc phát động phong trào “đường tàu, đường hoa” dịp này là một trong những hoạt động hưởng ứng do ngành Đường sắt Việt Nam tổ chức. Trước đó, phong trào này đã được triển khai tại 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua với ước muốn biến đường sắt trở thành đường hoa dài nhất Việt Nam.
Tại TP. Huế, bước đầu Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên đã cho trồng hàng ngàn cây hoa đủ loại như tử vy, huỳnh liên, dâm bụt, bạch ngọc anh, hoa giấy ngũ sắc… dọc theo tuyến đường sắt chạy qua trung tâm TP. Huế, đoạn từ cầu An Hòa đến cầu Dã Viên với chiều dài gần 3km.
Ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên tin rằng sẽ góp phần tốt đẹp trong lan tỏa trồng cây, góp phần xây dựng đô thị Huế không chỉ phát triển toàn diện mà còn phát huy được truyền thống của thành phố nổi tiếng xanh, sạch, sáng. “Phong trào này cũng đồng thời góp phần hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam theo kế hoạch của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề ra”, ông Hải hy vọng.
Trong khi đó, theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phong trào “đường tàu, đường hoa” sẽ được triển khai trong khoảng 3 năm dọc theo tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành theo mô hình xã hội hóa. Tùy mỗi cung đường sẽ có loài hoa phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương.
Ông Mạnh cho rằng, nhiều tuyến đường sắt của Việt Nam từng được bình chọn là cung đường sắt đẹp, thơ mộng thế giới. Cùng với đó là nhiều công trình nhà ga với kiến trúc độc đáo có giá trị văn hóa, lịch sử. Và Ga Huế là một trong số đó. Do vậy, sắp tới ngành Đường sắt Việt Nam sẽ có tính toán cải tạo lại nơi này trở thành điểm nhấn, một không gian văn hóa phục vụ không chỉ người đi tàu mà còn cho du khách tham quan. “Chúng tôi hy vọng lâu dài sẽ hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương và đến với Việt Nam”, ông Mạnh chia sẻ.