ClockThứ Năm, 23/02/2023 09:09

Giai điệu mùa xuân

TTH - Ra giêng, mặt trời bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, thổi bừng vào không gian giai điệu mới...

Lập nghiệp ở quê

Hết tết, đất trời cho nhiều cơn nắng ngọt. Sáng sớm, không gian khắp nơi phủ một màn sương xám mờ đục. Nếu lướt tay qua kẽ lá, cái lạnh của sự ẩm ướt như còn thấm khẽ vào da.

Những lúc ấy, tôi thường ngồi im trong góc quán nhỏ, ngắm những giọt cà phê chậm rãi rơi tí tách, đợi cho sương loãng ra mới dong xe lang thang theo dấu vết mặt trời.

Mùa xuân, thích nhất là đến dạo chơi nơi bến sông, biền đất, đồng bãi. Cánh đồng đây đó ngát lên hương thơm và màu xanh. Không phải là thứ hương ủ ê của những đợt mưa dài, cỏ úa, càng không phải mùi ngái nồng của bùn sình vào mùa tháng Chạp làm đất. Mùi bây giờ là thứ mùi hương trong trẻo, tinh khôi của triệu triệu sự sống đang nảy lộc thay áo mới trên những cành non.

Từ đằng Đông, mặt trời dần phai đi màu ửng đỏ, những tia nắng xiên chéo trùm lên cỏ cây một tấm chăn nắng mới mật vàng. Những biền hoa, sóng lúa còn đọng sương đua nhau khoe vũ điệu óng ánh phấp phới dưới gió trời.

Giêng hai, những vạt lúa đã qua tuổi sơ sinh nhưng chưa đến độ làm đòng cứ xôn xao, quấn quýt vào nhau duềnh lên thành từng đợt sóng. Tôi dựng xe vào gốc cây to, thả chân trần đi bộ ra bờ ruộng rồi cúi xuống đưa tay lướt nhẹ một vòng qua đầu sóng lúa. Những chiếc lá non tơ sóng sánh để lại trên tay cảm giác ram ráp nhưng rất đỗi dịu dàng. Từ xa, trong đám cỏ hoang bị ai đó bỏ quên qua mùa, vài chú sẻ nâu bắt đầu râm ran gọi bầy rồi bay đến đông hơn từ phía núi.

Cánh đồng mà tôi ghé qua lần này nằm ở khu vực phường Hương Hồ, cách chùa Thiên Mụ khoảng 4 km về phía tây. Một bên đồng xanh là đường cái quan, còn xa xa phía bên kia bước đi mặt trời là nhấp nhô đồi núi. Bức tranh mùa xuân nhờ thế càng uyển chuyển, lớp lang, hòa quyện, điệp trùng.

Một vài người bạn của tôi khi nghe giới thiệu đến cái tên Hương Hồ, họ băn khoăn liệu có phải đấy là một vùng đất trũng sâu, cuối năm sẽ bàng bạc một màu nước trắng? Nhưng khi có dịp cùng tôi quanh co theo những con đường ngược mạn Kim Long đi dần lên phía núi, ai nấy đều vỡ lẽ nhiều nhất nơi này vẫn là màu xanh.

Cánh đồng quê tôi không gần núi, làng xóm nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng không gần núi như những nơi chốn ở Hương Hồ. Thế nhưng hình hài, sắc độ của cỏ cây, cảnh vật nơi đây lại khít trùng với khoảng ký ức đã được đóng khung qua năm năm tháng tháng. Buổi sáng là dập dờn lúa xanh, chít chiu chim hót. Chiều về lấm tấm trên đồng là những chấm đen, chấm vàng cùng lộc cộc tiếng mõ. Đàn trâu bò nhà ai đó đang gặm cỏ nhẩn nha. Mặt trời xuống càng thấp, chúng càng di chuyển nhiều hơn về hướng gần nhà.

Từ cánh đồng có thể thấy mặt trời, thấy hướng chim bay. Từ cánh đồng cũng có thể nhìn thấy la đà khói bếp. Cách một con đường là lớp lớp xóm thôn. Ở đó có những mái nhà thâm nâu theo thời gian hoặc những khối hình sáng tươi vừa được sơn phết, sửa sang trong dịp Tết. Tôi chợt nhận ra, cánh đồng, làng mạc nơi này nơi kia thì có thể khác nhau, nhưng bên trong những ngôi nhà thì tình thân nơi nào cũng giống. Cuối ngày là tiếng cơm sôi!

  Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân. Những ngày thảnh thơi, ta cùng nhau rong chơi qua nhiều miền đất vắng. Có những nơi bình lặng, tĩnh mặc như mãi mãi rớt lại ngoài rìa thời gian. Là bến sông xưa, là bờ cỏ dại, là bức tường đá qua xuân vẫn xanh màu rêu. Là bình yên cánh đồng, là sự dịu dàng của một xóm thôn vùng ngoại ô im vắng. Tuy nhiên, đôi khi, chỉ trong sự chậm rãi ấy ta mới đủ tĩnh tại để nhận ra bước đi của sương mai, của những âm thanh, mùi hương và nắng ấm. Tất cả đang gây dựng cho một cuộc chuyển mình.

Một mùa xuân mới lại về trên quê hương.

Diệu Thông

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tà áo bay trên quê hương yêu thương

Áo dài cổ phục, áo dài truyền thống, áo dài nữ, áo dài nam, áo dài cách tân, áo dài người lớn, áo dài trẻ em… Áo dài với rất nhiều mảng hình sống động… thật là một bức tranh nhiều màu, nhiều niềm vui, nhiều ý tưởng sáng tạo bất ngờ dành cho áo dài Huế. Bỗng nhận ra, từ cái cổ xưa, cái truyền thống, có những sáng tạo góp phần làm tôn vinh vẻ đẹp của di sản - di sản áo dài, và cũng là một thành công của Tuần lễ Áo dài Huế.

Tà áo bay trên quê hương yêu thương
Phát huy truyền thống, góp sức trẻ xây dựng quê hương

Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với niềm tin, trí tuệ, sức trẻ và nhiệt huyết luôn nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng vì sự nghiệp cách mạng, tích cực đóng góp sức trẻ trong xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phát huy truyền thống, góp sức trẻ xây dựng quê hương
Rau đồng

Mưa đầu mùa nhẹ nhàng như cô thôn nữ vừa mới lớn, hương thơm đồng nội thật tinh khôi, những hạt sương long lanh như pha lê treo trên đầu ngọn cỏ, sóng lúa xanh mượt nhấp nhô theo làn gió, xa xa... những rặng tre già cong gọng vó bên dãy nhà tranh, có lọn khói bếp với vũ điệu êm đềm trên mái lá. Ôi quê hương tôi, mộc mạc yên bình như cuộc sống của những con người nơi đây.

Rau đồng
Những mùa rơm cũ

Cung đường ngoại thành lượn vòng hiu hiu gió, nắng chói làm dậy thơm mùi hương đồng đất, đánh thức cả trời ký ức. Mùi rơm thơm. Thứ mùi mang lại sự bình an, ngọt ngào niềm vui thóc lúa khô nỏ đầy bồ. Những cọng rơm phơi ven đường giăng mắc vào gầm xe theo về phố thị, giăng mắc vào tôi bao dấu yêu xưa cũ.

Những mùa rơm cũ
Lộng lẫy đồng vàng

Ngày tháng Sáu, trời đã giữa hè. Nắng đến cạn sông cạn suối. Nghe con gái than thở qua điện thoại, mẹ thủng thẳng bảo, “nếu ở phố ngột ngạt quá thì về quê ít bữa. Ở quê cũng nắng dữ chứ, nhưng là cái nắng rực rỡ của mùa vàng. Nắng mà vui!”.

Lộng lẫy đồng vàng
Return to top