ClockThứ Bảy, 02/04/2016 14:48

Giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cần giải pháp căn cơ

TTH - Từ khi chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều được áp dụng, vấn đề hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, rất cần một giải pháp căn cơ.

Trở lại vạch xuất phát

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2020, địa bàn huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,04%; hộ cận nghèo là 412 hộ, chiếm 3,33%. So với chuẩn cũ đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của A Lưới tăng thêm gần 24% (từ 11,28% lên 35,04%). Phân tích tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cho thấy, trong tổng số 4.337 hộ nghèo của A Lưới, có 1.965 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (chiếm 45,31%) và 2.372 hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (chiếm 54,7%). Nhóm xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% có 17 xã, trong đó 12 xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40-50%...

Thực hiện công tác giảm nghèo, đầu năm 2016, UBND huyện A Lưới đã phê duyệt nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo. Mục tiêu các dự án là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, khuyến khích các hộ nghèo phát triển sản xuất... Huyện cũng chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để chuyển giao cho bà con, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế.

Cao su rớt giá ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của Nam Đông

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Hồ Văn Ngưm cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, những năm qua, huyện đã huy động tổng lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cho công tác giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đến đầu năm 2015 của A Lưới giảm còn 11,28%. Thế nhưng, theo chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo của A Lưới tăng lên 35,04%, xem như công tác giảm nghèo ở A Lưới quay lại vạch xuất phát”.

Số hộ nghèo tăng gấp 2 lần

Đang trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, Nam Đông càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sau khi Chính phủ áp dụng chuẩn nghèo mới này. Theo ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, nếu như trước đây áp dụng chuẩn nghèo cũ thì Nam Đông có 423 hộ nghèo, chiếm hơn 7% dân số, nhưng đầu năm 2016, khi áp dụng chuẩn nghèo mới con số ấy gấp hơn 2 lần, với hơn 900 hộ nghèo, chiếm 14,5% dân số.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, bà Lê Thị Thu Hương cho biết, địa phương đã xây dựng đề án với mục tiêu huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, điều kiện sống, thông tin, đi lại, bảo hiểm, hỗ trợ sinh kế… nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 100% hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng có đất ở ổn định được xây mới nhà ở; 100% hộ có nhu cầu được giải quyết vay vốn ưu đãi; giải quyết trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ tiền điện; trẻ em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập…

Đâu là giải pháp căn cơ?

Mới đây, UBND huyện A Lưới phối hợp với các ban, ngành liên quan của tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Giải pháp đưa ra là lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh kế - xã hội của địa phương; hỗ trợ người nghèo về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh và các dịch vụ xã hội cơ bản khác. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, gắn với việc liên kết vùng để phát huy thế mạnh của các địa phương. Vai trò của nhóm hộ gia đình giúp nhau thoát nghèo trong tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ… cũng được đề cập nhiều và xem đó là một trong những giải pháp hiệu quả, vừa thuận lợi trong vay vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tiến tới có sản phẩm chất lượng, đồng nhất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Qua tìm hiểu ở A Lưới cho thấy, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo xem ra là giải pháp mang tính căn cơ hơn, bởi thực tế đa số các hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập đều do thiếu đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất và thiếu việc làm. Ngoài các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, xã nghèo phát triển kết cấu hạ tầng, các chính sách chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, xây dựng nhà ở…, việc đào tạo nghề để người nghèo có công cụ tự vươn lên thoát nghèo có lẽ là giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện.

Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ở đâu và như thế nào cũng phải bàn. Nên tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn, để các cơ sở sản xuất, chế biến mở rộng kinh doanh và sử dụng lao động ngay tại địa phương. Việc đào tạo nghề cần nhắm đến đáp ứng nhu cầu, trong đó các chương trình đào tạo phải đảm bảo phù hợp với các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến… Việc này sẽ giúp thực hiện đúng mục tiêu của đào tạo nghề là tăng khả năng giải quyết việc làm cho người nghèo.

Bên cạnh đó, người nghèo cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và giáo dục nâng cao nhận thức, động viên ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo của chính hộ nghèo, xã nghèo, tạo động lực, khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng xã hội.

Sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến đặc điểm đất đai vùng miền núi không phù hợp cho phát triển nông nghiệp, nên về lâu dài các địa phương cần phát triển diện tích rừng kinh tế trên cơ sở cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, phát triển rừng kết hợp với du lịch. Qua đó, sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương, tạo điều kiện cho Nhân dân các xã nghèo mở hướng làm ăn mới để từng bước thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo huyện Nam Đông cũng cho rằng, nếu tăng chuẩn nghèo theo tiêu chí mới thì Chính phủ cũng nên thay đổi tiêu chí xây dựng nông thôn mới để giúp Nam Đông sớm trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 bao gồm các tiêu chí về thu nhập (từ 400 ngàn đồng/người/tháng lên 700 ngàn đồng/người/tháng) và tiêu chí về các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở, nước sạch và vệ sinh…

Bài, ảnh: Bá Trí – Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển bền vững. Huyện Nam Đông và A Lưới, nơi tập trung đông đồng bào DTTS của Thừa Thiên Huế, đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ các chương trình, chính sách hướng tới cải thiện sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thúc đẩy phong trào thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao (TDTT) ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển khá mạnh. Cùng với đó, các trò chơi dân gian cũng dần được khôi phục, thu hút ngày càng đông người dân, đặc biệt là lớp trẻ tham gia.

Thúc đẩy phong trào thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cần giải pháp căn cơ để du lịch thật sự thông minh

Từ năm 2018, Thừa Thiên Huế đã ban hành đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; trong đó, du lịch là lĩnh vực được chú trọng phát triển hàng đầu.

Cần giải pháp căn cơ để du lịch thật sự thông minh
Sáng 17/6, Quốc hội thảo luận về chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Sáng 17 6, Quốc hội thảo luận về chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top