ClockThứ Tư, 26/10/2016 05:46

Gian nan những chuyến tuần tra…

TTH - Vượt lên những vách đá dựng đứng trơn trượt, phía dưới là vực sâu, vượt qua những cánh rừng rậm hiểm trở, “sống chung” với vắt, muỗi…, đó là những gian nan trong các chuyến tuần tra biên giới của bộ đội biên phòng (BĐBP) trên địa bàn huyện A Lưới để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sự bình yên cho đất nước, cuộc sống của Nhân dân.

Đường tuần tra dốc cheo leo

Gian nan

Một chiến sĩ BĐBP Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân sau chuyến tuần tra về mệt quá lăn ra ngủ vùi, nửa đêm chợt tỉnh giấc vì máu từ đầu chảy xuống ướt gối. Đồng đội kiểm tra thì mới biết “hung thủ” là con vắt “bự chảng” vẫn đeo cắn...

Điều có vẻ “gây sợ hãi” cho nhiều người, lại là chuyện thường ngày đối với BĐBP A Lưới trong các chuyến tuần tra. Các anh đã quá quen với cảnh nơi rừng rậm, một bước chân động cành lá là bọn vắt búng như mưa, bám đeo vào người. Hoặc từ đâu đó chú rắn độc có thể xông ra. Nhưng, những điều này chưa phải là thử thách cam go nhất. Để đến một mốc quốc giới, không thể tính bằng bao nhiêu km đường chim bay mà phải tính bằng bao nhiêu ngày luồn, cắt rừng, vượt những con dốc, những vách đá dựng đứng trơn trượt, phía dưới là vực sâu, vượt qua những con suối... “Người đi trước dùng rựa phát gai góc, đào các “bậc cấp” để người sau có điểm bám cho mũi bàn chân, níu dây leo mà bươn lên từng bước. Có lúc cây đan vào nhau tạo hình như ống nước, nếu phát thì phát cả ngày cũng không xong nên chúng tôi chui vào bụi, khom người mà đi, hết lên đồi, lại xuống thung lũng. Nhưng khó khăn, nguy hiểm nhất là lúc đu dây qua những vách đá, phía dưới là vực sâu. Không vững vàng, can trường thì không thể nào hoàn thành nhiệm vụ” - anh Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân chia sẻ. Một Đội phó Đội vận động quần chúng đồn Nhâm tâm sự, rất nhiều lần anh bị chuột rút, đau đớn đến tái nhợt người sau nhiều giờ liền mang ba lô tư trang nặng trĩu trên lưng, mũi chân bám vào các “bậc cấp” mới tạo, bám dây rừng, rễ cây để leo hoặc bò lên dốc đứng.

Vượt dốc đã khó, lúc xuống càng cực hơn, phải dồn sức xuống chân, liên tục tìm cách trụ lại. Sau chuyến tuần tra, chiến sĩ nào cũng cứng chân, đau nhức ít nhất cả tuần. “Dáng người hơi gầy, “nhẹ cân” nên mỗi lần bám vào vách đá, đi qua thân cây do dân lấy măng “vắt” ngang giữa hai vách đá hoặc trường hợp không có đường đi phải buộc dây đu xuống vách đá, lúc nào tôi cũng là người đầu tiên “đi thử”. Trong các tình huống khá nguy hiểm đó, nói không sợ là không đúng, nhưng tôi đâu đơn độc một mình. Đồng đội đang bên cạnh và luôn luôn trong tình thế sẵn sàng hỗ trợ. Cũng có nhiều đoạn phải đi bằng đường suối, chúng tôi để cả quần áo, ba lô mà bơi. Những chuyến vượt suối như thế phải rất cẩn trọng, biết phán đoán để tránh nguy hiểm khi mưa lớn, lũ đầu nguồn đổ xuống. Quan trọng là mỗi người phải biết chiến thắng bản thân, tự bảo vệ mình và hợp sức cùng đồng đội vượt qua gian nan, nguy hiểm” - anh Vũ Nguyên Giáp, Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt khẳng định.

Vững chãi

 Trong những chuyến tuần tra đến mốc quốc giới, các anh phải nhiều đêm mắc võng ngủ rừng do chuyến đi dài ngày, hoặc cũng có thể do mưa lớn suối dâng lũ dữ. Đêm rừng vốn đã dài, đêm rừng mưa càng dài hơn. Vậy nhưng, không hề có “đáp án” buồn cho thắc mắc “các anh có buồn không”? Tuấn ví von, rừng là “hồn” của mảnh đất A Lưới, của núi sông. Tiếng lá, tiếng suối, tiếng rừng mang đến cho các anh cảm giác thân thương, gần gũi, như thể đang lắng nghe tiếng thở núi sông.

Chiến sĩ Giáp vui vẻ bảo, lúc giữa rừng đêm là lúc được tha hồ nghĩ và nhớ về gia đình, vợ con nơi miền quê xa. Con của Giáp mới ba tuổi. “Ba ít về nhà quá nên mỗi lần về cu cậu lạ, không chịu theo. Mấy đứa cháu gọi tôi là cậu, nó cũng gọi như vậy. Đến lúc gần hết phép, con mới quen hơi, mới bắt đầu gọi ba thì tôi đã phải trở về đơn vị. Mỗi lần nhớ đến ánh mắt, gương mặt ngây thơ của con, thương lắm. Nhưng ánh mắt, gương mặt đó và tình cảm hậu phương, là động lực để những người lính biên phòng như tôi “chân cứng đá mềm”, vững chãi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điều Giáp bộc bạch cũng là suy nghĩ của những đồng đội anh. Bởi dù rừng rậm, vực sâu, vách đá dựng đứng, nhưng bước chân các anh vẫn in dấu, khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bình yên cho đất nước, cuộc sống của Nhân dân.

Anh A Viết Hùng (người dân thôn Ka Lèng, xã Nhâm, huyện A Lưới) chia sẻ, mỗi lần vào rừng sâu “săn” măng, nấm…, gặp BĐBP đi tuần tra mừng lắm, vì hiểu rằng sự an toàn và tài sản của người dân luôn được các anh bảo vệ. Vậy nên, phát hiện người lạ có hành vi khả nghi vào địa phận hoặc có hành vi vi phạm như xâm canh xâm cư, chặt phá rừng trái phép…, thì BĐBP chính là địa chỉ đáng tin cậy nhất để người dân “cấp báo”. Xin được lấy chia sẻ của anh A Viết Hùng làm cái kết cho bài viết với thông điệp, niềm tin dành cho các anh vững chãi trong lòng người dân.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG: Gian nan chấn chỉnh, quản lý

Tình trạng mất trật tự ở lối dẫn vào bến thuyền, vấn nạn “cò” vé, xung đột giữa đơn vị bán vé du lịch với bán vé phục vụ ca Huế… ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế nói chung và hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương nói riêng. Dù đã có quy chế quản lý cũng như những biện pháp xử lý, nhưng hiện tượng vi phạm đó vẫn tồn tại.

CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG Gian nan chấn chỉnh, quản lý
Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến

Ngày 27/3, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác tuần tra phòng, chống tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển ven bờ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến
Gian nan bảo tồn văn hóa thời Nguyễn

Di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung vô cùng đồ sộ, là những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, nghệ thuật, khoa học, kinh tế… Những năm qua việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ấy được đánh giá cao nhưng vẫn còn một số bất cập, khó khăn lẫn hạn chế.

Gian nan bảo tồn văn hóa thời Nguyễn
Return to top