ClockChủ Nhật, 27/11/2022 10:56

Giọt nắng mùa đông

TTH - Mùa đông đã về ở xứ nhiều mưa, mà nắng vẫn còn lao xao đổ màu vàng ươm ngoài phố. Mạ tôi bảo, hiếm có mùa đông nào mà trời nắng đẹp và không khí chỉ lướt nhẹ vị lạnh se se. Nên phố ngoài kia cứ mãi rộn ràng, bởi mưa rét chưa tràn về níu giữ bước chân ai bó gối trước hiên nhà.

Một buổi chiều đi dọc bờ sông Hương, thấy đôi bờ sông mênh mang như vàng ươm lên màu của nắng. Nắng mùa đông rất khẽ, không gay gắt mà nhẹ như tơ vàng chỉ đủ làm ấm làn da ai ngồi phơi bên bờ xanh đầy cỏ. Trong tiếng gió sông lao xao, cỏ như cũng ươm lên màu của mùa vừa chạm đến, tựa như những bâng khuâng khi bóng sương vừa khe khẽ len vào mặt sông giữa mùa thao thức. Nơi dãy ghế đặt bên triền sông, bao nhiêu người đã ngồi im hóng nắng. Nắng chiều nhàn nhạt như giăng sợi buồn mênh mang màu khói sương mờ ảo. Trời không buồn khi đàn chim kéo về ríu rít chao liệng trên không. Có tiếng chim rúc rích trên cây bàng vẫn còn đang mùa xanh lá. Những bàn chân bé xíu nhảy nhót đạp lên từng giọt nắng xiên qua tán lá đánh thức lũ sâu còn đang nép mình say giấc ngủ.

Người đàn ông ngồi đọc sách bên bờ sông khi nắng loang loang tràn đến bên người. Đôi giày thể thao nhuốm bụi đường xa nói với người đối diện bước chân già nua ấy đã rong ruổi khắp các ngả đường lúc chiều đến. Thi thoảng, tôi cũng hay ghé đến “Không gian khám phá văn hóa Huế” bên bờ sông Hương. Mái nhà rường cổ kính, những chiếc ghế gỗ lúp xúp có màu nâu trầm lặng lẽ, những cuốn sách nhuốm màu thời gian. Tôi thường thấy những cụ già ngồi thảnh thơi đọc sách khi nắng cuối ngày lững lờ buông trên dòng sông trước mặt. Chẳng biết họ tìm thấy gì từ những trang sách đã ố màu mà gương mặt giãn ra, lúc cười chúm chím, lúc lại trầm tư. Người đọc cứ nhẩn nha với từng con chữ, vừa ngắm dòng sông lơ đãng trôi mênh mang giữa trời chiều. Bóng ai lướt qua giữa chiều vàng màu nắng, để rơi tiếng cười trong vắt như giọt nắng rớt trên thềm đá đã phủ màu rêu non. Và chiều lặng đi, êm êm chảy trôi trong vô định.

Tôi nhớ khoảng sân nhỏ nhà mình giữa những ngày đông có nắng, bà tôi hay bắc ghế ngồi trên sân khi nắng đã vươn thật cao trên mái đầu. Màu nắng mùa đông nhàn nhạt tựa như sợi tóc nhuốm màu khói sương của bà. Đám chích bông dường như rất thích nắng, chúng cứ ríu ra ríu rít mãi trên cây khế bên hè. Những quả khế cuối mùa còn ít ỏi đọng lại trên cây, và những nụ hoa tim tím đã bắt đầu he hé báo hiệu một mùa quả mới. Nơi căn bếp mùa đông của bà, củi lửa tí tách hay tỏa lên mùi thơm dìu dịu của mứt khế. Những quả khế được ép bớt nước, rồi sên với đường trên lửa củi liu riu. Vị chua chua nhè nhẹ, vị ngọt thanh thanh, miếng khế dai dai giòn giòn sần sật, hạt khế bùi bùi lạ lẫm. Những mẻ khế vàng ươm thường được bà hong dưới cái nắng hiếm hoi của mùa đông. Màu nắng vàng như mật ướp cho lát mứt trong vắt, tựa như tháng ngày giá rét đều hằn in lên vị ngọt thanh giữa một sớm mai bên tách trà ngát thơm mùi hoa mộc nơi hiên nhà.

Trên quảng trường Ngọ Môn, tôi hay gặp đám chích bông tha thẩn dạo trên nền gạch cũ trong những buổi chiều mùa đông tạnh ráo. Có khi chợt nghĩ, đám chích bông nơi cây khế bên vườn quê có khi nào đã về đậu nơi này. Tiếng chim líu ríu ấy, sao mà nghe thân quen quá đỗi. Và ở phố hay quê, lũ chích bông đều ồn ào không tả hết. Tôi hay ngồi trên sân, ngắm nhìn nắng tràn trên những ô gạch tàu đã cũ. Những viên gạch như sậm lên dưới ánh chiều tà rưng rức không hiểu sao lại khiến lòng người miên man trong nỗi buồn, tựa như khi nhìn về phía lầu son gác tía chìm trong nắng chiều hoang hoải. Lũ chim đạp trên mái ngói rêu phong, bước chân chim thong dong thả trên nền gạch cũ, rúc ra rúc rích tìm mồi. Cái âm thanh rộn rã ấy chẳng thể khuấy động cái không gian u tịch lúc chiều buông. Tôi nhìn lũ chim non, tự hỏi chúng lấy từ đâu nguồn năng lượng dồi dào mà cứ hát mãi thế. Lòng người đôi khi cũng như lũ chim trời, chỉ cần tâm mình tự do, thì lòng mình cũng sẽ tung bay giữa bầu trời rộng lớn.

Chiều nay ngồi trên phố, ngắm giọt nắng mùa đông len qua ngàn mắt lá, chợt thấy tim mình thật ấm, và lòng bỗng vỗ cánh tung bay giữa bầu trời đỏ rực mùa đông.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Sương trong lòng phố cổ

Mùa sương rồi cũng phiêu du lạc đến xứ sở này như một nàng thơ ghé thăm vào mỗi buổi bình minh mờ mắt với gam màu xam xám. Huế bỗng dưng trở nên lạ lẫm trong một cảm giác mới mẻ, choáng ngợp vì sương.

Sương trong lòng phố cổ
Phố ngày nắng đông

Suốt mấy tuần phố chìm trong màu xám của lớp mây dày và mưa rét như không biết bao giờ mới ngưng. Gió từ phía sông và hơi nước làm buốt cả mắt mũi. Chiều tối qua thấy mặt nóng bừng như phải gió, thầm nghĩ biết đâu ngày mai sẽ tạnh!

Phố ngày nắng đông
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chương trình Tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện năm 2024

Ngày 18/1, tại Công viên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình Tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện 2024 cấp Trung ương; phát động thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Hội LHTN Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chương trình Tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện năm 2024
“Ấm tình mùa đông” cho người dân biên giới

Ngày 23/12, tại xã biên giới A Roàng (A Lưới), Đoàn thanh niên; Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp với Trường tiểu học Phường Đúc tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 8 năm 2023.

“Ấm tình mùa đông” cho người dân biên giới
Return to top