ClockThứ Năm, 19/08/2021 13:15

Giữ “lửa” gia đình - kỳ 2: Cần sức đề kháng

TTH - Để gia đình thực sự là những “pháo đài”, “thành lũy” trước sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, trước thử thách và cám dỗ đời thường, bản thân mỗi gia đình cần phải tự tạo sức đề kháng cùng sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội.

Giữ “lửa” gia đình - Kỳ 1: Mong manh, dễ vỡ

Tuyên dương các gia đình trẻ tiêu biểu để nhân rộng điển hình trong xã hội (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Sức mạnh yêu thương

Trên cánh đồng rộng ở thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, vợ chồng chị Trần Thị Phương Dung đang thả diều cùng cậu con trai. Thế giới hạnh phúc của vợ chồng chị được gom lại trong nụ cười và giọng nói chưa tròn vành của cậu con trai. Hai vợ chồng đều làm cùng một công ty, thời gian này, công ty bị ảnh hưởng dịch nên một tuần chỉ làm 5 ngày. Đây là thời điểm vợ chồng chị dành nhiều thời gian cho con. Tình yêu, sự gắn kết gia đình của vợ chồng chị đã giúp cậu con trai 4 tuổi mắc chứng tự kỷ dần hòa đồng với cuộc sống.

Thương con, yêu vợ, anh Hải - chồng chị Dung mạnh mẽ làm chỗ dựa cho gia đình. Vợ chồng anh kiên trì điều trị cho con theo hướng dẫn bác sĩ. Làm cùng một công ty, vợ chồng đổi ca làm để lúc nào cũng có bố hoặc mẹ bên cạnh con. Vào ngày nghỉ, anh chị dành trọn thời gian vui chơi cùng con, dẫn dắt con bắt chuyện, nô đùa cùng bạn bè. “Từ ngày có con, chồng tôi hạn chế tối đa những cuộc vui chơi với bạn bè, luôn đỡ đần tôi chăm sóc con”, chị Dung tâm sự.

Trong ngôi nhà ngăn nắp sạch sẽ, vợ chồng anh Trịnh Hồng Khoái và chị Văn Thị Hằng Nga, phường An Cựu, TP. Huế dành vị trí trang trọng để treo bằng khen của cô con gái Trịnh Hồng Đoan Trang vừa được Bộ Giáo dục& Đào tạo trao tặng khi em đạt giải Ba môn văn cấp Quốc gia và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Không kém cạnh cô em, cô con gái đầu của vợ chồng anh Khoái cũng luôn học giỏi. Năm 2020, gia đình anh Khoái là 2 trong gần 300 gia đình được bầu chọn gia đình văn hóa tiêu biểu.

Chị Nga trải lòng, rằng hạnh phúc không tự nhiên mà đến nếu không biết vun trồng, chăm sóc. Chị kể, trước đây chồng chị có tính gia trưởng, ngại phụ giúp việc nhà cùng vợ. Nhưng mình không giải quyết nỗi ấm ức đó bằng những cuộc cãi cọ mà dùng biện pháp mưa dầm thấm lâu. Bản thân mình cũng luôn làm tròn trách nhiệm cả cơ quan, gia đình nội ngoại, lẫn việc nhà. Dạy con biết tự lập, để đỡ đần mẹ...

Chính nỗ lực của bản thân, khiến chồng chị thêm yêu vợ và các con chị cũng yêu thương ba, mẹ, luôn nỗ lực đền đáp. Là cán bộ phường, chồng là công nhân, kinh tế không khá giả, nhưng chị Nga chưa bao giờ để cuộc sống gia đình bị chi phối bởi tiền bạc. “Trong mọi hoàn cảnh mình đều phải biết cách chi tiêu hợp lý, chẳng hạn lúc khó khăn thì chỉ dành chi tiêu cho việc ăn uống hàng ngày và việc học của con”, chị Nga bộc bạch.  

Chia sẻ kinh nghiệm vun bồi tổ ấm gia đình, chị Nguyễn Thị Cam, thôn Lê Bình, xã Phú Xuân (Phú Vang), Chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu cho hay, trước đây, chị có cuộc sống hôn nhân thiếu hạnh phúc. Thay vì chọn giải pháp cuối cùng là ly hôn, chị chủ động tìm đến hội phụ nữ học hỏi kinh nghiệm. Qua các lớp tập huấn, chị biết được cách ứng xử khi vợ chồng xung đột theo phương châm “chồng giận thì vợ bớt lời”, tự kiềm chế bản thân để tránh tình trạng “giận quá mất khôn”… “Tôi rèn bản thân trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, hành động mọi lúc mọi nơi”, chị Cam cho biết. Và chính sự kiên trì, nhẫn nại bằng cả trái tim của người mẹ yêu thương các con, không muốn gia đình đổ vỡ của chị đã khiến chồng thay đổi. Cuộc sống gia đình chị nay đã êm ấm, hạnh phúc.

Xã hội chung tay

Hôm chúng tôi hẹn gặp, Luật sư Lê Văn Hạnh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Huế vừa xong việc hòa giải cho một cặp vợ chồng. Anh chồng làm nghề lái xe, vợ làm nghề buôn bán. Họ có một người con 7 tuổi. Lý do ly hôn là chị vợ nghi ngờ chồng ngoại tình. “Đối với những trường hợp như thế, chúng tôi sẽ nỗ lực hòa giải, có khi mất vài tháng cũng có  khi lâu hơn, nhưng nếu nhận thấy có tính khả thi chúng tôi luôn kiên trì hòa giải”, Phó Chánh án Lê Văn Hạnh nói.

Là đàn ông, lại có nhiều năm thụ lý án ly hôn, nhưng khi nhớ lại những vụ án ly hôn có yếu tố tranh giành nuôi con, giọng ông Lê Văn Hạnh vẫn chùng lại. Ông kể, hầu hết những đứa trẻ theo cha mẹ đến tòa đều là những đứa trẻ rất đáng thương, đứa nào cũng lo âu, sợ hãi.

“Chúng tôi phải rất kiên trì và dùng nhiều phương pháp tâm lý mới tâm sự được với các cháu. Hầu hết các cháu đều trả lời cháu muốn ở với cả bố lẫn mẹ như muốn cố gắng hàn gắn cuộc hôn nhân cho bố mẹ chúng”, ông Hạnh tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết, khi thụ lý án hôn nhân, hòa giải là biện pháp luôn được tòa ưu tiên hàng đầu. Tỷ lệ hòa giải hàng năm đạt hơn 60%.

Năm 2019, Thừa Thiên Huế là một trong 12 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Phường Phú Thuận, TP. Huế và xã Bình Thành thị xã Hương Trà là hai địa phương được chọn để thực hiện.

Bên cạnh tổ chức sinh hoạt cho người dân 2 địa phương về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, Sở Văn hóa và Thể thao vận động 600 hộ gia đình đăng ký thực hiện các tiêu chí ứng xử vợ chồng (chung thủy; nghĩa tình); tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu; yêu thương); tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo; lễ phép); tiêu chí ứng xử của anh, chị, em (hòa thuận; chia sẻ).

Sở Văn hóa và Thể thao cũng hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương thành lập các mô hình xây dựng gia đình phát triển bền vững, tạo điều kiện thu hút người dân tham gia sinh hoạt theo hình thức câu lạc bộ.

Ngoài nguồn ngân sách của hội, Hội LHPN tỉnh linh hoạt tranh thủ các dự án của tổ chức nước ngoài để có kinh phí trang bị thêm kỹ năng, kiến thức của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Kéo dài trong 2 năm, thông qua dự án “Thúc đẩy thực hiện các quyền của trẻ em người dân tộc dễ bị tổn thương huyện A Lưới” của Thụy Điển, Hội LHPN tỉnh giúp hàng trăm ông bố, bà mẹ A Lưới có phương pháp nuôi dạy con tốt, phòng chống bạo lực gia đình.

Theo ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, người Huế vốn có nếp sống gia đình đề cao thuần phong mỹ tục; kính trên nhường dưới, đi thưa về trình... Đây được xem là giá trị chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình xứ Huế. Tuy nhiên, trước tác động của đời sống hiện đại với những mặt trái, các giá trị đạo đức gia đình truyền thống có sự mai một.

Bên cạnh sự chung tay của toàn xã hội, theo chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Thanh Hùng, giữ hạnh phúc gia đình, nhất là gia đình trẻ hiện nay là điều không hề đơn giản. Điều quan trọng là mỗi người phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm. Họ cần tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn, học các kỹ năng cần thiết về làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha; biết cân bằng các mối quan hệ, yêu thương nhau. Các thành viên phải dành thời gian cho nhau, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của nhau, bởi vì những điều đó làm nên “ngọn lửa” yêu thương của một gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top