Gói hỗ trợ thứ 2 có tổng số tiền dự kiến lên tới 18.600 tỷ đồng
Những ngày qua, dư luận xã hội bày tỏ ủng hộ việc Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho các doanh nghiệp dưới 10 lao động, người lao động thực sự gặp khó khăn do Covid-19.
Dự thảo gói thứ hai này đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã gửi đề xuất sang Bộ Kế hoạch và Đầu cho ý kiến, tổng số tiền dự kiến lên đến 18.600 tỷ đồng. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên VOV, trong khi một số người bày tỏ đón nhận thì một số khác lại tỏ ra không băn khoăn khó tiếp cận. Bởi thực tế gói hỗ trợ thứ nhất với số tiền lên đến 62.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được khoảng 17.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Promec có trụ sở tại phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chuyên phân phối thiết bị y tế khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở thành phố Hà Nội. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Những thiết bị máy móc đã ký hợp đồng trước đó không thể giao hàng, do các bệnh viện muốn nhập các thiết bị y tế phục vụ công tác chữa trị bệnh dịch.
Còn những đơn hàng cũ cũng chưa thể thu được vốn về do các đơn vị đang gặp khó khăn, kéo dài thời gian thanh toán. Khi dịch bệnh Covid 19 kéo dài, đầu ra bị chậm trễ, chi phí nhân công, sản xuất và thuê mặt bằng tiếp tục đội lên khiến các doanh nhiệp nhỏ như Promec gặp vô vàn khó khăn.
Anh Nguyễn Công Sơn, Giám đốc công ty Cổ phần Promec không biết sẽ tiếp tục xoay xở thế nào nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài.
"Khó khăn trong việc thu hồi vốn, tiếp cận với các đơn vị khó hơn trước rất nhiều vì trong thời kỳ dịch, các đơn vị không có nhu cầu nhập sản phẩm nhiều. Các dự án lắp đặt máy trước đây dừng, đình trệ lại.
Tới đây mà được gói hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi rất vui mừng. Tôi chỉ mong là điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ này sẽ dễ dàng hơn trước. Vấn đề thủ tục cũng là điều chúng tôi rất quan tâm. Nhà nước đã hỗ trợ thì cũng nên tạo điều kiện để làm sao thủ tục được nhanh chóng, thời gian thực hiện gấp rút một chút chứ kéo dài thì cũng rất mệt mỏi" - anh Sơn chia sẻ.
Cũng có tâm lý mong đợi gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ, chị Phùng Thị Thanh Xuân, chủ hộ kinh doanh Gara ô tô Hà Thành, số 6 đường Đỗ Nhuận, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội mong mỏi, làm sao các điều kiện hỗ trợ phải sát với thực tiễn, nếu không sẽ khó tiếp cận như gói thứ nhất 62.000 tỷ đồng.
Theo chị Xuân: "Đầu tiên tôi rất biết ơn Đảng và Chính phủ đã đưa ra hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn rất khó khăn diễn ra đại dịch Covid-19 này. Tôi cũng hy vọng là Đảng và Chính phủ sớm phê duyệt chính sách này để chúng tôi nhanh chóng được hỗ trợ và mở rộng điều kiện tiếp cận để chúng tôi có thể nắm bắt được nhanh hơn và thuận lợi hơn".
Cùng chung quan điểm này, chị Nguyễn Thị Thủy, quản lý doanh nghiệp xây dựng nhỏ, trên phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: "Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, dưới 10 người làm việc về lĩnh vực xây dựng. Chúng tôi rất mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ vượt qua đại dịch covid này.
Nếu được chấp thuận gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh lần 2 này thì chúng tôi mong muốn Chính phủ tạo điều kiện được sớm tiếp cận gói vay một cách nhanh chóng, thuận tiện. Chúng tôi cũng rất biết ơn Chính phủ đã hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ vượt qua khó khăn này, tiếp tục lao động, cống hiến cùng với Nhà nước vượt qua đại dịch".
Đó là về đề xuất hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh dưới 10 lao động. Còn đối với người lao động khi bị mất việc làm, hoàn cảnh khó khăn phải chịu chi trả các khoản như tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đề xuất, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng và áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020.
Nhiều người lao động vui mừng, phấn khởi trước thông tin này như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hương Giang, ở Hòa Bình đang làm việc ở Hà Nội: "Tôi thấy thật sự tốt. Nếu người lao động hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi được hỗ trợ thì tốt quá, vì vừa phải nghỉ làm 3 tháng đầu năm xong mới đi làm được có hơn 2 tháng thì dịch lại quay trở lại. Công việc ít, tiền thuê nhà mỗi tháng vẫn đóng mất 1,2 triệu đồng/1 tháng. Cuộc sống thật sự vất vả. Giờ được hỗ trợ tiền thuê nhà cũng giảm được chi phí đáng kể trong gia đình."
Nhìn từ việc gói hỗ trợ đợt 1 đang triển khai gặp nhiều khó khăn do điều kiện khắt khe, khó đáp ứng, đa số người lao động dự kiến thuộc đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lần 2 đề nghị nên triển khai sớm, để hỗ trợ kịp thời, trúng và đúng người trong thời điểm khó khăn cần nhất.
Anh Nguyễn Quang Hưng, ở quận Ba Đình cho biết: "Tôi mong muốn nếu gói hỗ trợ đợt 2 được triển khai thì nên hỗ trợ sớm, thủ tục cũng đơn giản hơn để chúng tôi có thể nhận được dễ dàng và kịp thời chứ như đợt hỗ trợ vừa rồi nhiều người lao động thất nghiệp không nhận hỗ trợ được vì hồ sơ làm quá phức tạp.
Tôi cũng hy vọng là hỗ trợ sớm kịp thời trong lúc khó khăn này giảm bớt gánh nặng chi tiêu chứ đến khi mà dịch được khống chế thì tôi đã đi làm đều, có thu nhập sẽ không cần khoản hỗ trợ này nữa".
Ở góc nhìn của chuyên gia, theo ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 quay lại khiến cho các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn chưa khôi phục được lại càng thêm khó khăn.
Thực tế đó đang đòi hỏi cần thêm gói hỗ trợ thứ 2. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ mới thực sự mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ và kích thích được sản xuất kinh doanh thì cần phải đánh giá lại gói hỗ trợ 1 đang thực hiện. Những vướng mắc hiện tại khi triển khai như tiêu chí đối tượng thụ hưởng, thủ tục hồ sơ, quy trình xét duyệt… cho người lao động và các doanh nghiệp cần được sửa đổi.
Ông Vũ Quang Thọ phân tích: "Những người làm chính sách cảm thấy khó ở chỗ xác định tiêu chí. Thế nào là thuộc diện khó khăn, rất khó khăn, thuộc diện mà cần cứu trợ ngay. Tôi nghĩ rằng không có nới lỏng quá, nhưng cũng không có thắt chặt quá. Thắt chặt quá, nhiều đối tượng công nhân lao động sẽ không được tiếp cận nguồn cứu trợ này. Nhưng nếu nới lỏng quá thì chúng ta sợ rằng có hỗ trợ thêm gấp nhiều lần cũng không có khả năng đáp ứng được hết.
Những người nằm trong diện khó khăn, họ đang rất cần, rất mong muốn được tiếp cận nguồn cứu trợ của Chính phủ. Tôi cũng đề xuất thêm những người làm chính sách đúng là không nên đặt ra yêu cầu quá lớn. Ví dụ: Phải xác nhận chỗ này xác nhận chỗ kia, vì người ta khó khăn nhưng có lòng sĩ diện, chỗ này nên phải tế nhị một chút".
Đại diện cho quyền lợi của người lao động, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan Hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lưu ý, gói hỗ trợ thứ 2 nên có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn. Ví dụ, doanh nghiệp không cần chứng minh là không có doanh thu như gói hỗ trợ thứ nhất. Thay vào đó chỉ cần chứng minh đang gặp khó khăn, khả năng chi trả sắp tới khi được hỗ trợ cho vay.
Vẫn chưa làm rõ như Nghị quyết 42 trước, tức là xác định người lao động bị mất việc với người lao động bị tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động với nghỉ việc luân phiên, có cần phải yêu cầu các thủ tục gắn với doanh nghiệp không còn doanh thu hoặc doanh nghiệp có doanh thu giảm hay không, thì ở đây không nói rõ. Đề xuất như thế thì nó giống như Nghị định 42 nên trên thực tế vẫn bị vướng ở chỗ xác định người lao động bị mất việc và tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Một chính sách được tham mưu đề xuất trên thực tiễn, xuất phát từ khó khăn mà người lao động và doanh nghiệp đang gặp phải sẽ tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội. Tuy nhiên để gói hỗ trợ thực sự có hiệu quả đúng như mục đích và ý nghĩa mà Đảng và Nhà nước đưa ra, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đề xuất các tiêu chí, điều kiện phù hợp sát với thực tế để người lao động và doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ, giải quyết bài toán đang vướng mắc ở gói hỗ trợ đợt 1 như hiện nay.
Theo VOV.VN