ClockChủ Nhật, 15/09/2024 12:48

Gom góp yêu thương, gửi về quê hương

TTH.VN - Dù ở xa nhưng trái tim kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, nhất là khi đồng bào mình đang chịu nhiều mất mát đau thương vì bão lũ. Mỗi người một tay, họ đã nỗ lực quyên góp kinh phí, huy động thuốc men cùng nhu yếu phẩm hướng về miền Bắc thân yêu…

Sấy cá gửi tặng người dân vùng lũ phía BắcĐiện lực Thừa Thiên Huế hỗ trợ Điện lực Quảng Ninh khắc phục sự cố lưới điện do bão số 3Người Huế chung tay hỗ trợ đồng bào miền Bắc

 Những chuyến hàng đến miền Bắc được Hội “Mẹ Việt tại Australia” triển khai từ sớm thông qua các tình nguyện viên. Ảnh: NVCC 

Tấm lòng những bà mẹ Việt

Mấy hôm nay, facebook của chị Hồ Khánh Ngọc Bích, một người Huế đang sống và làm việc tại Úc đăng thông tin mới liên tục về số tiền quyên góp cũng như hoạt động trợ giúp người dân miền Bắc bị ảnh hưởng bão Yagi. Thiên tai ở Việt Nam diễn ra đúng dịp kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng nên chị Bích cùng ông xã bàn bạc, dùng số tiền tổ chức buổi tiệc thân mật của gia đình chia sẻ cùng đồng bào.

Trước đó, chị Bích cùng chị Nguyễn Bảo Châu - Chủ tịch Hội “Mẹ Việt tại Australia” (HMVTA) phát động kêu gọi ủng hộ người dân bị thiệt hại do mưa bão tại Việt Nam. Với trang fanpage hội hơn 26 ngàn thành viên, lời kêu gọi đã lan tỏa mạnh mẽ, gửi tình cảm của các bà mẹ Việt Nam về quê nhà. Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, hơn 50 ngàn đô la Úc được quyên tặng. Số tiền được gửi khẩn cấp trong ngày 11/9 phục vụ hoạt động cứu hộ người dân bị ảnh hưởng mưa lũ. Nhằm tăng nguồn huy động cho quỹ hỗ trợ miền Bắc thân yêu, nhóm quản trị trang thống nhất cho các doanh nghiệp quảng cáo quảng bá thương hiệu.

“Dự định quyên góp lên được 30 ngàn đô la Úc là sẽ ngưng nhưng thấy thêm nhiều tỉnh thành khác bị ngập, sạt lở… mục tiêu lại tăng lên. Lúc này đồng bào đang rất cần sẻ chia hỗ trợ, nên hai chị em mình động viên nhau gắng sức. Nhiều người chuyển khoản ẩn danh không cần công khai, có doanh nghiệp ủng hộ mấy ngàn đô la Úc”, chị Ngọc Bích kể.

Mỗi người đều có công việc kinh doanh riêng, có con nhỏ nhưng cả hai người mẹ nói trên dành nhiều thời gian trao đổi bàn bạc, có khi tới 2-3 giờ sáng nhằm chọn phương án kêu gọi, phương thức hoạt động hiệu quả. Ngay cả phân kỳ công việc cũng được vạch ra cụ thể với ba giai đoạn: Cứu hộ cứu nạn; duy trì sức khỏe, ổn định gia đình; tái sản xuất sau thiên tai. Giai đoạn 2, HMVTA chuẩn bị 5 ngàn phần thuốc men, chị Châu sắp có chuyến công tác tại Việt Nam sẽ ghé thăm các điểm sạt lở nặng để tặng quà/tiền cho người dân.

 Từng túi thuốc được huy động từ tấm lòng của các bà mẹ, có chú thích tên, liều lượng, cách sử dụng ở mặt sau

“Nhiều bà mẹ ở Úc muốn được tự tay làm điều gì đó cho đồng bào của mình. Từ dịch COVID-19 đến nay, nhóm mới kêu gọi quyên góp trở lại”, trên tài khoản cá nhân chị Nguyễn Bảo Châu trải lòng với cộng đồng. Chị Bảo Châu chấp nhận gác lại công việc kinh doanh 3 ngày để cập nhật tình hình, thông tin quyên góp, trao quà và nhu yếu phẩm cho các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ quỹ…

“Khi miền Bắc vật lộn với mưa bão, gồng mình chống chọi thiên tai thì bên này những người con xa Tổ quốc cũng không ngủ được vì thương và lo lắng”, những dòng sẻ chia ấy làm ấm lòng các bà mẹ sống xa quê hương. Còn nhớ năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thông qua chị Ngọc Bích, quỹ đã gửi hơn 60 triệu đồng, tương đương với 3.000 đô la Úc lúc bấy giờ thông qua tình nguyện viên gửi đến UBND phường Hương Văn, TX. Hương Trà phục vụ mua xăng, nhớt, nhu yếu phẩm cho người dân khi qua Trạm dừng chân được lập trên địa bàn. Nhờ số kinh phí này, Trạm dừng chân kéo dài hoạt động, giúp đỡ nhiều người dân trên hành trình chạy xe máy về quê nhà tránh dịch.

Không chỉ nhóm “Mẹ Việt tại Australia”, An An food tại Úc tổ chức bán bánh trung thu và dùng 100% tiền bán được dùng ủng hộ người dân miền Bắc. Có gia đình còn bán món ăn Việt Nam vào cuối tuần gây quỹ. Mỗi người dù xa tổ quốc nhưng trái tim luôn hướng về đất mẹ, đều muốn chia sớt gánh nặng, sẻ chia niềm đau cùng với đồng bào mình.

Dù xa đến đâu, vẫn chung một nhà

Tại thành phố Fukuyama, Nhật Bản, chị Anh Thư, một chủ nhà hàng ẩm thực nói rằng tuy ở xa đất nước nhưng chị cùng đồng hương luôn cập nhật tình hình mưa bão số 3 vừa qua. Những hình ảnh tang thương khiến chị liên tưởng đến trận đại hồng thủy năm 1999 tại Huế. “Lúc đó nhà mình cũng ngập hết, đồ đạc trôi theo dòng nước, nhìn bà con lúc này mình thương quá. Nơi mình ở, các bạn Việt Nam chủ yếu ở vùng ngoài đó. Dù bên này mới bị ảnh hưởng của bão và động đất, song nghe người dân mình bị thiệt hại nặng nề, mọi người chia sẻ động viên nhau và chuyển khoản hỗ trợ trực tiếp về tài khoản của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam”, chị thông tin.

Tương tự, chị Trang Shinji làm việc tại Tokyo cũng cho hay, ngay khi nắm bắt thông tin, mọi người lập tức chuyển khoản về Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Saitama, nghiệp đoàn Joho ở Tokyo tổ chức phát động sẻ chia khó khăn với đồng bào bị thiên tai…

 Nha khoa Nụ cười Việt chuyển hàng quyên góp, trong đó có sự ủng hộ của người Huế tại Mỹ chia sẻ với người dân vùng lũ

Của ít, lòng nhiều; ai có gì góp nấy và qua các kênh để có thể giúp đỡ bà con vùng lũ là tinh thần chung của nhiều người Việt. Dù xa đến đâu, chúng ta vẫn chung một nhà. Một chủ tiệm kinh doanh giày dép mỹ phẩm tại TP. Huế (xin được giấu tên) suốt những ngày qua tiếp nhận nhiều nhu yếu phẩm và áo quần từ lời kêu gọi trên facebook cá nhân. Chị nói: “Nhờ sự chia sẻ của người quen, người Huế tại Lào cũng đã gửi áo quần mới, thực phẩm về tận nhà mình. Ban đầu dự kiến một xe hàng mà chừ lên tới hai xe. Ngày 15/9, chuyến thứ nhất đã lên đường rồi. Được nhiều người động viên ủng hộ, mình có thêm động lực trên hành trình thiện nguyện”.

Cũng với tấm lòng “bầu ơi thương lấy bí cùng”, Nha khoa Nụ Cười Việt trở thành người kết nối, tiếp nhận ân tình của nhiều bà con, trong đó có các Việt kiều Mỹ. Sau hai ngày phát động, ngày 12/9, đã quyên góp được một xe hàng trị giá 60 triệu đồng gồm nước uống, sữa, bỉm, thuốc bôi ngoài da, kem đánh răng gửi ra ủng hộ đồng bào miền Bắc. Anh Nguyễn Chí Bảo Doanh, đại diện Nụ Cười Việt cho biết, ngoài sự đóng góp của cán bộ, nhân viên đơn vị còn có sự chung tay của mạnh thường quân, đặc biệt là chị Thảo Nguyễn (o Bảy), đại diện tiệm tạp hóa Bảy Bolsa và Chợ Đông Ba - Nam Cali tại Mỹ.

Những ngày này, hoạt động cộng đồng cố kết san sẻ với người dân vùng thiên tai được triển khai khắp mọi nơi. Tinh thần ấy lan tỏa, vượt ra ngoài biên giới quốc gia. "Càng thêm khó khăn, càng gần bên nhau. Nhẹ đi nỗi đau, chia vơi muộn sầu”… đâu đâu cũng sát cánh kề vai mong đồng bào miền Bắc vượt qua đau thương, đứng dậy sau mưa bão. 

LINH GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Đến được chung kết, đã là người chiến thắng

Với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế có 7 học sinh vào chung kết năm. Trong đó, Hồ Ngọc Hân là Quán quân năm thứ 9 và Nguyễn Nguyễn Thái Bảo là Á quân năm thứ 5. Cả hai anh đều đang công tác ở Huế. Trước trận đấu chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm nay, Ngọc Hân và Thái Bảo đều mong Võ Quang Phú Đức tự tin, thoải mái và có những trải nghiệm đáng nhớ ở cuộc thi.

Đến được chung kết, đã là người chiến thắng
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh

TIN MỚI

Return to top