ClockThứ Hai, 06/09/2021 19:48

Hàng gánh

TTH.VN - Thời hiện đại, xe chạy dọc ngang, shipper chạy đầy đường… vậy mà còn quang gánh. Không thay đổi như hàng chục năm về trước. Và thậm chí là hơn. Hay là mệ già không theo kịp với thời đại! Hay là mệ muốn níu giữ một điều gì đó của một thời đã qua…

Đậu hũ gánh

Cũng lâu lắm rồi mới thấy một gánh đậu hũ gánh ngang.

Thời hiện đại, xe chạy dọc ngang, shipper chạy đầy đường… vậy mà còn quang gánh. Không thay đổi như hàng chục năm về trước. Và thậm chí là hơn. Hay là mệ già không theo kịp với thời đại! Hay là mệ muốn níu giữ một điều gì đó của một thời đã qua… Khó mà biết được. Nhưng cái thấy rành rành ấy là cuộc mưu sinh - dẳng dai, nhẫn nại, bền bỉ. Hỏi mà chi, chắc là mệ đã theo nghề này lâu lắm rồi. Không bán được, hẳn mệ đã không làm không bán. Người trẻ không ăn thì mệ bán cho những người lớn tuổi ngồi hóng gió nơi đầu xóm. Ít người ăn thì mệ làm lưng hũ. Nhưng mà cũng đủ gánh gồng.

Thật lòng nhìn thấy mủi lòng. Chắc là lời lãi bao nhiêu, chỉ để qua ngày đoạn tháng. Biết đâu được trên đôi quang gánh ấy mệ đã nuôi bao nhiêu người con khôn lớn. Giờ mệ làm cho mệ để không phải nề hà đến con cháu thì sao? Tôi cứ nghĩ mông lung về những điều như vậy trong chiều hôm nay.

Một trẹt hàng bánh cuốn tôm chua Huế gần cầu Kho Rèn. (Ảnh tư liệu). Ảnh: A.T

Trước đây mẹ tôi đã từng quang gánh. Từ khi tôi hiểu thì dường như mẹ tôi gồng gánh cả đời. Với một đôi vai gầy, vậy mà gánh mắm theo suốt cả một quãng đời dài của mẹ. Dường như ít bỏ sót một chợ phiên nào. Chợ gần thì còn ngon thêm chút giấc, chợ xa phải dậy sớm để đi cho kịp chợ. Những chợ xa hơn có khi phải đi ngày hôm trước, tá túc qua đêm một nhà quen biết nào đó gần chợ. Không phải một mình mẹ tôi mà nhiều người như vậy. Thành ra đêm trước chợ phiên là một “cuộc họp” gồm nhiều câu chuyện - chuyện nhà chuyện cửa, chuyện con chuyện cái, chuyện láng giềng, chuyện con heo con gà… rặt những chuyện chung quanh đời sống, rất giản dị, chẳng cao sang.

Thì một nách mẹ cũng nuôi được bốn đứa con khôn lớn. Đã có khi nào một lời phàn nàn khó nhọc…

Ở đâu không biết nhưng ở Huế hàng gánh nhiều lắm. Càng dịch bệnh càng thấy nhiều hàng gánh. Đủ loại, đủ kiểu. Suy cho cùng, hàng “nách”, hàng xách cũng là một dạng hàng gánh đó thôi!? Chỉ ngồi chừng hơn tiếng đồng hồ nơi quán xá mà đã thấy vài chị “nách” trẹt hàng đến mời. Buổi sáng thường là mời bánh mỳ kẹp bánh lọc, kẹp nem chả, bánh bò. Buổi trưa thường thấy những gánh trái cây.

Nhân đây kể chuyện bán trái cây của một người chị con cậu ruột của tôi. Nhà chị ở thôn Hậu Sơn. Chỉ nghe tên thôn đã thấy là một làng sát núi. Ở một vùng xa xôi hẻo lánh như vậy nhưng cách đây mười mấy năm, đứa con đầu của chị thi năm đầu tiên đã đậu Bách khoa Sài Gòn. Con đậu đại học vừa mừng vừa lo. Tiền đâu để nuôi con mấy năm trời nơi đô hội. Chị làm đủ thứ nơi nhà nông nhưng vẫn không đủ cho con ăn học. Bước qua năm 2 chị phải bỏ quê theo chị em mách bảo vô Sài Gòn bán trái cây. Chồng ở nhà nuôi hai con nhỏ. Chị bảo: “Thấy thế chứ chịu khó thì Sài Gòn dễ làm ăn. Người Sài Gòn tiêu xài nhiều, đủ hạng, đủ giới nên buôn bán cái gì cũng dễ”. Cũng nhờ gánh trái cây miệt mài sớm tối mà chị nuôi được con ăn học. Giờ con chị cũng đã có nhà có cửa, định cư luôn ở Sài Gòn. Thời điểm này dịch dã, nhìn trên màn hình thấy đường phố Sài Gòn vắng tanh. Không biết những gánh trái cây như của chị tôi trước đây giờ như thế nào!?

Hàng gánh buổi chiều ở Huế thì phong phú hơn, gồm đủ loại bánh Huế - bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ướt, bánh chưng, nem chả tré, mực khô, bò bía… Mấy chục nghìn, mười lăm, thậm chí mười ngàn, các chị cũng bán. Có những người ngồi “nhậu” mồi đầy bàn nhưng thấy các chị mưu sinh vất và cũng mua ủng hộ vài mươi ngàn. Tôi biết đó là hành động san sẻ chứ không phải là cốt để ăn no. Ở đời như thế cũng là nghĩa tình.

Buôn bán nhỏ chúng ta thường gọi là tiểu thương. Kiểu bán của các chị không biết gọi gì cho phải nên tôi mới tạm gọi là HÀNG GÁNH. Hàng gánh ít vốn nên nhiều người làm. Cho nên hàng gánh không thiếu tính cạnh tranh. Cạnh tranh riết một hồi đã tạo ra một mặt bàng giá rất thấp, lời lãi không nhiều. Chủ yếu là để kiếm thêm “đồng mắm đồng muối” cho gia đình. Nghề chính của các chị là gì tôi không hề biết. Cái biết được là một dáng vẻ tảo tần, nhẫn nại. Cũng như gánh đậu hũ của mệ già như kể trên thôi - chắc là bán được. Nếu không bán được các chị đã không làm. Nếu bán được ít, các chị làm lưng trẹt. Cũng là để qua ngày đoạn tháng. Người nghèo ở đô thị thường đập trực diện vào cảm xúc của chúng ta một sự tảo tần.

                                                          Nguyên Lê

                                                         

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD):
Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới vào năm 2024

Theo kết quả bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới được Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) công bố ngày hôm nay (18/6), Singapore vừa giành lại vị trí dẫn đầu là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới vào năm 2024, tăng từ vị trí thứ 4 cách đây một năm.

Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới vào năm 2024
Giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024

Sáng 8/5, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế (PII) 2024. Tham gia hội thảo có các ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KHCN; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Cục Phát triển Công nghệ và ĐMST (Bộ KH&CN), các sở, ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương.

Giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024
Cạnh tranh bằng chất lượng & bao bì, mẫu mã

Xây dựng quy trình sản xuất chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã và đang được nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm áp dụng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Cạnh tranh bằng chất lượng  bao bì, mẫu mã
Return to top