ClockThứ Hai, 26/07/2021 14:28

Hành trang quý giá

TTH - Lòng tri ân đối với những người đã ngã xuống, hy sinh cuộc đời cho quê hương đất nước, là hành trang quý giá của thế hệ sau, những người ở lại...

Đồng đội dâng hương tưởng niệm 13 liệt sĩ tại Tiểu khu 67

1.“Về với mẹ”, là cách nói đầy yêu thương mỗi lúc ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án, cùng cán bộ Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh, ra thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền), thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chanh, người mẹ hơn 90 tuổi, do TAND tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Chuyến thăm hôm ấy bắt đầu sau cuộc họp kết thúc lúc chiều muộn. Nhẹ hơn khi bước trên thềm nhà, nhưng mẹ Chanh vẫn nghe tiếng chân của đứa con trở về, âm thanh thân thuộc mà bao năm mẹ ngóng đợi. Trong đôi mắt già nua của người mẹ có chồng và con trai đã hy sinh máu xương cho đất nước, là nỗi xúc động nghẹn lời.

Mẹ Chanh nhớ, trận bão lũ lớn năm 2020, xóm nhỏ bị ngập, mọi người phải di chuyển đến nơi cao, chắc chắn. Khi mưa bão vừa dứt, những đứa con - cán bộ tòa án đưa mẹ về nhà. Đường từ đầu xóm vào nhà nước chưa rút hết, các anh thận trọng cõng mẹ trên lưng. “Sau trận lụt, các anh cũng là người đứng ra sửa chữa lại, để bây giờ ngôi nhà của mẹ được khang trang và ấm cúng như thế này” - bà Võ Thị Bồng 70 tuổi, con gái còn lại của mẹ Chanh xúc động.

Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Bường thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị  Chanh 

Nắm chặt bàn tay gầy guộc, ông Nguyễn Văn Bường lặng lẽ ngồi thật lâu, để mẹ Chanh tựa nương vào bờ vai đứa con trai. Vị Chánh án TAND tỉnh trải lòng rằng, người cha thân yêu của ông cũng là liệt sĩ, đi mãi không về khi ông còn là bào thai trong bụng mẹ. Bà nội của ông cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Vậy nên, ông hiểu hy sinh, mất mát của thân nhân liệt sĩ là không đong đếm. Chánh án TAND tỉnh, Nguyễn Văn Bường nói: “Tôi từng được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã ở quê nhà nhận nuôi dưỡng. Đó chính là sự tri ân của xã hội khi ông nội và cha tôi hy sinh cuộc đời mình cho đất nước. Nên tôi càng thấm thía sâu sắc và tiếp tục tiếp nối sự tri ân này”.

Cán bộ TAND tỉnh khó quên hình ảnh vị Chánh án bật khóc, khi phát biểu về chủ trương tổ chức các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa. Tình cảm biết ơn tự đáy lòng đó đã khiến cán bộ TAND hai cấp hưởng ứng bằng cả tấm lòng, đóng góp tiền, vận động nhà hảo tâm, đồng thời trực tiếp bỏ công sức sửa lại nhà cho mẹ Chanh, lợp lại mái, lát nền gạch hoa, sơn tường tinh tươm. Ngoài 1 triệu đồng mỗi tháng và những món quà tặng mẹ vào dịp lễ, tết, TAND tỉnh thành lập “tổ chăm sóc thường xuyên” đối với mẹ Chanh. TAND huyện Phong Điền là “đầu mối”, có nhiệm vụ thường xuyên đến thăm hỏi, nắm tình hình sức khỏe của mẹ, để thông tin đến lãnh đạo TAND tỉnh, đồng thời cơ động kịp thời hỗ trợ gia đình, khi mẹ Chanh ốm đau.

Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (trái) cùng đồng đội đến thăm mẹ Nguyễn Thị Hường

2. Lần này đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường (96 tuổi, phường Xuân Phú, TP. Huế), thấy mẹ vẫn còn nằm trên giường, chưa ngồi dậy được, nhưng sức khỏe và tinh thần khá hơn, ánh mắt vui, sống động hẳn lên, Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Thiếu tá Trần Thị Nam Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ, Thượng úy Nguyễn Văn Dực, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, nhẹ lòng hơn. “10 ngày trước, mẹ yếu lắm, chúng tôi rất lo. Giờ thì đỡ lo nhiều rồi” - Thiếu tá Trần Thị Nam Phương nói, như thể đang nói về người mẹ ruột thịt của mình.

Chồng mẹ Hường hy sinh, người con trai duy nhất cũng ngã xuống khi chưa có vợ, con, nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Trương (cháu gọi mẹ Hường bằng cô ruột) ở cùng mẹ. Chồng chị Trương đã mất, nay một mình chị Trương - cháu dâu - gắn bó với cuộc đời chông chênh của mẹ Hường. Chị Trương xúc động đến bật khóc, khi bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm, tình cảm của lực lượng BĐBP tỉnh từ trước đến nay dành cho mẹ Hường. Người phụ nữ ấy nói rằng, không hẳn bởi những món tiền, món quà, mà chính bởi tình cảm ấm áp của các anh, khiến những mất mát của mẹ thực sự được bù đắp. Bao năm qua, mẹ Hường đã xem các anh như con cái, người thân và màu áo BĐBP đã trở thành thân thuộc đối với gia đình.

Thượng tá Phạm Tùng Lâm lại trầm giọng: “Là người lính, chúng tôi phải cảm ơn chị rất nhiều, vì chị đã cận kề yêu thương chăm sóc, “giữ lại” mẹ, người đã hy sinh chồng, con cho Tổ quốc. Để chúng tôi còn được tới lui đền ơn đáp nghĩa, đồng thời nhắc nhở, bồi dưỡng truyền thống cách mạng, nối tiếp bước chân thế hệ cha, anh, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ cuộc sống bình yên”.

Thiếu tướng Lê Tất Thắng, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cùng đoàn công tác lên thăm, tặng quà động viên đồng đội tìm kiếm nạn nhân tại thủy điện Rào Trăng 3

3. Chiều 22/7, một cuộc hành quân trang nghiêm từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đến Tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), nơi 13 liệt sĩ đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp do thiên tai, sạt lở, để dâng hương tưởng niệm.

Trên đất đá, bùn lầy đã khô lại, đây đó là những cụm chân hương còn mới, do người dân làm rừng và lực lượng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh vẫn đang thực hiện nghiệm vụ tìm kiếm nạn nhân tại Rào Trăng 3, thắp lên để những người ngã xuống được ấm lòng.

Đến nơi 13 liệt sĩ mãi mãi nằm lại, bước chân ai nấy đi thật khẽ. Trước bức ảnh chung của 13 gương mặt rạng rỡ sức sống, với bao khát khao, hoài bão, nhưng giờ đây lặng im đến buốt nhói, ai nấy kính cẩn cúi đầu. Có những người đã từng chung cuộc hành quân ngày 13/10/2020 không quên ấy, đến thủy điện Rào Trăng 3, đi về phía Nhân dân, còn sống để trở về, lặng lẽ trào nước mắt. Nhưng các anh vẫn phải mạnh mẽ để làm bờ vai vững chắc cho những người mẹ, người bố mất con, gánh vác bớt những khó khăn, chông chênh của những thân nhân các liệt sĩ - đồng đội mình. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã trân trọng dành nhiều sự hỗ trợ, chia sẻ về vật chất, tinh thần đến gia đình, thân nhân các liệt sĩ.

“Các anh là ngọn đuốc của lòng quả cảm, để chúng tôi tiếp tục thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tiếp tục vững bước đi về phía Nhân dân, hoàn thành tâm nguyện, hoài bão của các anh còn dang dở” là lời hứa của người ở lại, là cách người lính tri ân đối với đồng đội đã hy sinh.

Vậy nên, có những người lính nhiều tuần, nhiều tháng trời dãi gió dầm sương, vất vả gian nan, thiếu thốn đủ bề, nhưng vẫn “bám trụ” cùng cuộc tìm kiếm tại thủy điện Rào Trăng 3, để thực hiện nhiệm vụ, tâm nguyện còn dang dở của 13 liệt sĩ. Sau buổi lễ dâng hương tưởng niệm tại Tiểu khu 67, Thiếu tướng Lê Tất Thắng, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có mặt tại thủy điện Rào Trăng 3 động viên cán bộ chiến sĩ, để rồi sau đó tiếp tục hành quân ra Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị) dâng hương thể hiện lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ. Bởi trong tình cảm của các anh, lòng tri ân chính là hành trang quý giá, để các anh thêm mạnh mẽ, can trường.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khoảng lặng quý giá!

Tôi đang viết bài trên laptop thì bỗng mọi thứ xung quanh tối đen như mực. “Cúp điện rồi!”. Cả xóm tôi ồ lên kinh ngạc. Tôi bật đèn pin trên chiếc điện thoại, mò mẫm đi xuống cầu thang, cả gia đình tôi cùng tụ họp giữa phòng khách trong ánh nến mờ mờ và những câu chuyện đầy thân mật. Tôi mở bộ sưu tập bài hát được lưu sẵn trên máy, “gia tài” chỉ khoảng mươi bài, nhưng âm nhạc hôm nay đi vào lòng người đến lạ!

Khoảng lặng quý giá
Vốn tín dụng chính sách ưu đãi: Cơ hội thay đổi cuộc đời

Ở thôn An Truyền (xã Phú An, Phú Vang), từ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, có nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tưởng chừng phải bỏ học giữa chừng, được “chắp cánh” bằng vốn vay chính sách, tiếp tục học hành. Những gia đình này còn đồng thời được vay vốn phát triển kinh tế, thay đổi cuộc đời.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi Cơ hội thay đổi cuộc đời
Return to top