|
Tại một buổi sinh hoạt, nói chuyện về bảo vệ quyền, sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái ở miền núi |
Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng 5 mô hình điểm bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng: mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng ở xã Phú Diên (Phú Vang); mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng ở xã Phong Sơn (Phong Điền); mô hình phòng ngừa trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng ở phường Phú Hậu (TP. Huế); mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng ở phường Hương Sơ (TP. Huế) và xã Hồng Thượng (A Lưới).
Từ các mô hình cũng đã thành lập câu lạc bộ quyền trẻ em, với sự tham gia sinh hoạt của khoảng 200 thành viên là cán bộ xã, thôn, phụ huynh có trẻ em và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt với nội dung đa dạng, sát thực tế, hoàn cảnh. Thông qua các hoạt động của mô hình, đặc biệt qua các buổi giao lưu sinh hoạt câu lạc bộ, các em được vui chơi, học hỏi nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ.
Hội đồng Đội tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các liên đội duy trì hoạt động của 446 câu lạc bộ, đội, nhóm trong trường học. Nhiều bạn nhỏ chia sẻ, thông qua các hoạt động, chương trình sinh hoạt đã đáp ứng nhu cầu được rèn luyện, trải nghiệm và thu thập kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, trang bị cho giới trẻ những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống xung quanh, biết sống yêu thương, giúp đỡ trong cộng đồng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã hướng dẫn phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã xây dựng mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ em". Phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã đã phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức về ngôi nhà an toàn và phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em đến mọi người dân. Thông qua đó, nhiều gia đình, cụm dân cư hiểu rõ hơn những kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, cách phòng ngừa ứng phó với bạo lực cũng như cách nhận biết các nguy cơ gây nguy hại cho trẻ và cách sơ, cấp cứu trước khi đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất... Các đơn vị còn tổ chức các nhóm cộng tác viên đã qua tập huấn, gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp các gia đình khó khăn và các gia đình không đạt các tiêu chí về "Ngôi nhà an toàn trẻ em" để tuyên truyền, tư vấn, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn để loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích, bạo hành ở trẻ em.
Đến nay, có 10 mô hình "Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em" tại các huyện và thị xã tiếp tục duy trì, thực hiện tốt. Các mô hình còn lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em... theo tinh thần Kế hoạch 351 của UBND tỉnh triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.