ClockThứ Bảy, 30/06/2018 11:54

Huế mùa đầu sen nở

TTH.VN - Sen, loài hoa của sự thuần khiết, thanh cao gắn liền với đạo Phật nhưng sen cũng là biểu tượng cho tính cách con người Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Chọn sen cho lễ hội lần đầu mang tính chu kỳ theo tháng là cách làm mạnh dạn nhưng cũng “dễ hiểu” của nhà tổ chức.

Sen đầu mùa 

Tôi lại được uống trà cùng thầy Không Nhiên dưới hiên tùng nhỏ nhắn của chùa Hải Đức (TP. Huế) vào một buổi sáng tháng 7. Trong không gian thiền vị được thưởng thức trà ướp sen hồ Tịnh Tâm quả là một trải nghiệm khó quên. Tép trà nhỏ lưu giữ cẩn thận trong bao hút chân không khi pha chế thoảng một mùi hương dịu nhẹ của sen. Nhấp từng ngụm trà vị ngọt thanh lưu lại ở cuống họng tạo cảm giác khoan khoái trong người. Vẫn với chủ đề sen, thầy tiếp nối câu chuyện về mùa sen ở Huế, ý tưởng tạo không gian hoa sen trên đường Lê Lợi và sông Hương vào Đại lễ Vesak năm 2008. Chính nghệ thuật sắp đặt ấy đã gây ấn tượng mạnh cho du khách trong và ngoài nước khi đến Huế trong mùa Vesak và cũng góp thêm sắc màu trong kỳ Festival Huế 2008. Từ ấn tượng ban đầu, nghệ thuật sắp đặt sen trên trục đường Lê Lợi và sông Hương đã trở thành điểm nhấn cho Huế mỗi mùa Phật đản về.

Không gian hoa sen trên đường Lê Lợi 

Mùa hè này, sen lại là loài hoa được chọn trong lễ hội hoa đầu tiên mà Huế tổ chức. Trà ướp hương sen xuất hiện tại các gian hàng ẩm thực sen mang tên gọi vị sen; những cánh sen đầy sắc màu được dụng công bởi bàn tay của các nghệ nhân thủ công truyền thống hiện diện trong không gian có tên là nét sen và chủ đề sắc sen là chương trình ca nhạc kết hợp trình diễn áo dài; màu sen với các triển lãm ảnh nghệ thuật về sen. Xuất phát từ mong muốn tôn vinh sự tinh túy của hoa sen và mang lại cái nhìn chân thiện mỹ, lễ hội sen được kỳ vọng là điểm nhấn nằm trong khuôn khổ các hoạt động của du lịch Huế năm 2018.

Thật ra lễ hội về một loài hoa không phải là cách làm mới ở Việt Nam. Chúng ta đã có hoa tam giác mạch với lễ hội được tổ chức vào tháng 11 tại Hà Giang; hoa ban có lễ hội tại Điện Biên vào tháng 3; hoa anh đào được tổ chức lễ hội tại Hà Nội vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 hay Festival hoa Đà Lạt định kỳ tổ chức vào các năm lẻ... Mặt khác, hoa sen suy cho cùng là loài hoa gắn với tính cách, con người, làng quê Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, “Tháp Mười đẹp nhất bông sen; Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Hoa sen trên sông Hương 

Nhưng sen vẫn là loài hoa đầu tiên được chọn để mở đầu rong kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện theo chu kỳ hàng tháng vì những "dư vị" riêng của nó trên đất Huế. Sen từ lâu là loài hoa gắn liền với Phật giáo, biểu tượng của sự thuần khiết và vươn lên do vậy với hàng trăm ngôi chùa hiện diện khắp mọi nơi, Huế cũng ôm ấp trong mình đóa hoa thuần khiết ấy.

Sen được chọn làm mô típ trang trí trên các công trình kiến trúc, tượng thờ, tranh vẽ Phật giáo nhưng sen cũng là chất liệu chính trong nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật Huế. Vua Minh Mạng khi cho đúc cửu đỉnh đã chọn hoa sen để khắc lên Nhân đỉnh. Gần gũi hơn, sen đi vào đời sống của người dân Huế qua những câu hò: “Sen xa hồ, sen khô hồ cạn; Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng” hay “Hồ Tịnh Tâm giàu sen bạch diệp; Đất Hương Cần ngọt quít, thơm cam”. Trong không gian bếp vốn đa dạng những món ăn của người Huế, sen hiện diện như một thành phần không thể thiếu từ món chay đến món mặn, từ món ăn “thiệt” đến ăn “chơi”.

Huế mùa đầu sen nở vì vậy chỉ đáng tiếc là không gian diễn ra lễ hội không mang “không khí sen” như dự kiến ban đầu. Ngành du lịch cho biết đã chọn những nơi có sen thật để tổ chức lễ hội trong đó có hồ Tịnh Tâm, nhưng do thời tiết, sen Tịnh Tâm không được nhiều như mọi năm nên đành chọn Bia Quốc Học và Công viên Lý Tự Trọng vì nằm ở trung tâm thành phố.

Trong thời điểm bão hòa của lễ hội, festival ở Việt Nam, cách làm của du lịch Huế là mạnh dạn và cũng đầy thử thách vì để “biến” ấn tượng đầu tiên thành điểm nhấn lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực, cách làm chuyên nghiệp. Chọn hoa sen để “nở” trong mùa đầu tiên cho một kế hoạch mang tính chu kỳ hy vọng sẽ là bước đi thành công cho du lịch Huế để Huế thực sự sống vững trên nguồn tài nguyên phong phú mà mình đang có.

Bài, ảnh: Thành Nhân

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tặng quà cho Nhân dân bản Sê Sáp

Ngày 7/12, tại Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái, Đồn Biên phòng Nhâm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới phối hợp cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, MTTQ xã Quảng Nhâm và Đồn Biên phòng Nhâm tổ chức Chương trình tặng quà cho Nhân dân bản Sê Sáp huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào.

Tặng quà cho Nhân dân bản Sê Sáp
Mỗi cổ vật là một câu chuyện

200 hiện vật, cổ vật, đồ gốm sứ không chỉ gắn liền với đời sống tâm linh Phật giáo, mà còn là những di sản văn hóa vô cùng có giá trị đang được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

Mỗi cổ vật là một câu chuyện
Tuần lễ Phật đản 2024 sẽ diễn ra ngày 15-22/5

Đó là thông tin đáng chú ý tại buổi làm việc của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh.

Tuần lễ Phật đản 2024 sẽ diễn ra ngày 15-22 5
Return to top