ClockChủ Nhật, 26/12/2021 13:49

Khi phụ nữ tự chủ và “hội nhập”

TTH - Một khi chủ động về kinh tế, có công việc, thu nhập ổn định và được tham gia vào các vị trí trong lĩnh vực chính trị, xã hội thì quyền bình đẳng của phụ nữ sẽ được phát huy, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực.

“Bảo vệ di sản văn hóa từ góc nhìn bình đẳng giới”Việt Nam nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ

Phụ nữ được quyền bình đẳng khi họ được san sẻ chia việc và tham gia các hoạt động xã hội

Bình đẳng trong nhiều lĩnh vực

Thực ra, định kiến về giới, bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, so với trước kia, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định và nâng cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nếu như trước kia, phụ nữ tham gia làm kinh tế, lập doanh nghiệp còn ít thì đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 28% doanh nghiệp do nữ làm chủ. Lao động nữ chiếm tỷ lệ gần tương đương nam giới; lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật chiếm trên 50-70% trong tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề. Phụ nữ vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100% vào năm 2020.

Nhờ có công việc ổn định, có vốn để sản xuất, kinh doanh, có tay nghề, nên nhiều chị em phụ nữ không chỉ đưa gia đình thoát nghèo, có thu nhập ổn định phát triển kinh tế gia đình, mà còn giúp họ tự tin, tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi, thư giãn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân nhiều hơn.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng trong gia đình, vào việc đóng góp thu nhập và quyết định sử dụng các nguồn thu của gia đình. Tỷ lệ phụ nữ thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí trong thời gian rỗi ngày càng cao.

Cùng với đó, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới đã có sự chuyển biến tích cực; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ nữ nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số được quan tâm hơn.

Rõ nhất tại kết quả Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tăng. Trong đó, cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ (BCHĐB) cấp xã chiếm 22,4%, tăng 5% so với nhiệm kỳ trước; cán bộ nữ tham gia BCHĐB cấp huyện chiếm 18,9%, tăng 5,6 % so với nhiệm kỳ trước; cán bộ nữ tham gia BCHĐB cấp tỉnh chiếm 14%, giảm 1,1% so với nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, qua kết quả bầu cử, tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp xã tăng 0,42%, cấp huyện tăng 3,29%, cấp tỉnh tăng 0,52%. Đây được đánh giá là kỳ bầu cử thành công vì sau nhiều nhiệm kỳ, Thừa Thiên Huế lại có nữ đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, nữ tham gia HĐND đều tăng về số lượng lẫn chất lượng ở cả 3 cấp.

Giảm gánh nặng và cùng chia sẻ

Phụ nữ đang từng bước chứng tỏ vai trò trụ cột của mình trong nền kinh tế, tuy nhiên, có những lúc và trong một số hoàn cảnh, người phụ nữ vẫn còn chịu thiệt thòi, khó khăn nhất định. Nhất là trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều đơn vị bố trí nhân viên làm giãn ca để phòng dịch và phần vì ít việc, cộng thêm các trường mầm non tạm thời đóng cửa, nên chuyện trông nom con cái cũng gây áp lực đối với nhiều bà mẹ.

Chị Trần Nguyên Tùng, nhân viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP. Huế suốt mấy tháng nay tạm thất nghiệp ở nhà. Do đang mang bầu nên chị không thể tranh thủ chạy việc làm thêm kiếm tiền để có đồng vô đồng ra. Mọi chi tiêu bây giờ đều phụ thuộc vào mình chồng nên chị Tùng cảm thấy rất bức bách, khó chịu, muốn “vung tay” sắm thêm món gì cho bản thân, cho chồng, con sắp sinh chị cũng phải dè dặt, tính toán. Đồng cảnh ngộ với chị Tùng, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, nhân viên bán vé xe đường dài ở Bến xe phía Nam TP. Huế cũng đang rất áp lực khi giảm việc làm, giảm thu nhập, trong khi các khoản chi tiêu “cứng” hàng tháng của gia đình không thay đổi. Riêng chuyện tính toán chắt bóp, tiết kiệm làm sao để đủ trang trải với đồng lương ít lại cũng khiến chị đau đầu, chứ chưa kể bận rộn việc chăm con nghỉ học.

Cũng theo báo cáo gần đây của ngành LĐTB&XH, thời gian làm công việc nội trợ bình quân 1 người/ngày của phụ nữ là 2,59 lần so với nam giới. Tỷ lệ này còn cao so với chỉ tiêu đề ra của tỉnh là giảm xuống còn 1,5 lần và cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác.

Tất nhiên so về tổng thể, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) trên địa bàn tỉnh đang từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả. Cùng với phát triển kinh tế, công tác phát triển văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, quy hoạch cán bộ lãnh đạo nữ, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ nữ... được triển khai đồng bộ. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và VSTBCPN. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã điều phối cùng với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các hoạt động bình đẳng giới, duy trì và xây dựng mới các mô hình về bình đẳng giới.

Để tăng cường bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Đến nay, toàn tỉnh có 38 mô hình PCBLGĐ chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Hoạt động của câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (CLB) được tổ chức thường xuyên, lồng ghép vào sinh hoạt thôn, tổ dân phố với 122 CLB. Có 296 nhóm PCBLGĐ sẵn sàng phản ứng nhanh, kịp thời can thiệp các vụ bạo lực và 636 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được duy trì.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phần thưởng” dành cho nữ Chủ tịch Mặt trận

Trong dịp Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Phú Vang, chị Phạm Thị Thúy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Vinh Xuân là một trong bảy cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận, nhiệm kỳ 2019-2024, được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.

“Phần thưởng” dành cho nữ Chủ tịch Mặt trận
Quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi dành cho phụ nữ

Những đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cho hội viên phụ nữ (HVPN), trả gốc, lãi đúng hạn... đó là điều đáng mừng khi các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi cho phụ nữ.

Quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi dành cho phụ nữ
Đồng hành vượt khó

Là người đứng đầu phong trào phụ nữ địa phương, họ luôn trăn trở xây dựng những mô hình hay, phong trào thiết thực để tập hợp hội viên, cùng nhau chung tay chia sẻ giúp đỡ hội viên (HV) khó khăn vươn lên.

Đồng hành vượt khó
Giúp phụ nữ thoát nghèo từ nguồn vốn vay

Gần 20 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Đặng Thị Xuân, Chi hội Phụ nữ thôn Phường 4 xã Vinh Hà (Phú Vang) tận tụy với công việc, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp nhiều hộ vay vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Giúp phụ nữ thoát nghèo từ nguồn vốn vay

TIN MỚI

Return to top