ClockThứ Ba, 30/04/2024 06:23

“Kỳ tích” Ma Nê

TTH - Tháng Tư về với người dân thôn Ma Nê - một địa danh được nhiều người biết đến ở xã Phong Chương (Phong Điền), hai bên tuyến đường là màu xanh ngát của những cánh ruộng lúa “thẳng cánh cò bay”, báo hiệu một mùa vụ nữa bội thu.

Ma Nê hồi sinh sau lũ

Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trên tuyến đường vào thôn Ma Nê 

Nhớ một thời

Đã hẹn trước, Bí thư Chi bộ thôn Ma Nê – Trần Văn Bác đón chúng tôi bằng những cái bắt tay trong niềm phấn khởi: “Các anh thấy chưa, ô tô nay đã vào được tận thôn bằng những tuyến đường bê tông băng qua những cánh ruộng lúa. Điều mà trước đây, nằm mơ Ma Nê cũng không dám”.

Hơn ai hết, ông Bác đã gắn bó với mảnh đất Ma Nê này suốt cả cuộc đời và không ai hiểu vùng đất này bằng ông. “Ma Nê là vùng đất trũng, bùn lầy được gọi là “Nê”. Ở giữa có cồn đất nổi, được gọi là cồn Mè, tiếng Hán gọi là “Ma”. Ma Nê có nghĩa tên gọi là như vậy”, ông Trần Văn Bác mở đầu câu chuyện.

Cứ vào dịp tháng Ba, tháng Tư về, người dân Ma Nê lại nhớ nhiều về những ngày đấu tranh cách mạng. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc được người dân treo trang trọng trong mỗi gia đình, trước cổng nhà, dọc các tuyến đường trong thôn để gợi nhớ và nhắc nhở con cháu phải luôn khắc ghi những công lao to lớn của các thế hệ cha ông để có ngày độc lập như hiện nay.

“Từ năm 1969 – 1972, Phong Chương là một trong những xã bị địch khủng bố ác liệt nhất ở địa bàn Phong Điền. Tuy nhiên, Chi bộ Đảng ở Phong Chương vẫn kiên định lập trường cách mạng, với quyết tâm sắt đá “một tấc không đi, một ly không rời”. Địch đưa dân về lập ấp chiến lược, dựng nhà ở sát nhau, có hàng rào thép gai bao quanh.

Chúng tổ chức mạng lưới điệp viên thăm dò bằng cách, về vườn cũ, thăm đồng, lấy củi ở các hầm nhằm mục đích phát hiện dấu vết của cán bộ cách mạng báo cho địch để được nhận thưởng. Với nhiều thủ đoạn như vậy, nhưng Nhân dân Phong Chương, người dân Ma Nê vẫn một lòng đi theo Đảng, tin vào Đảng. Người dân Ma Nê cung cấp tình hình địch, làm ám hiệu, đưa thư từ ngoài vào, trong ra; mua và vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa đưa ra cho cán bộ ngoài ấp”, ông Trần Văn Bác tiếp câu chuyện.

Trưởng thôn Ma Nê - Trần Văn Trường (bên phải) trò chuyện với ông Trần Văn Đề là người chứng kiến bao biến cố thăng trầm, sự đổi thay của vùng đất này 

Ma Nê trước ngày giải phóng, dân cư thưa thớt, nhưng không một ai đi theo địch. Nhà nào cũng một lòng theo Đảng, đi theo cách mạng. Nhà nào cũng có hầm trú ẩn và nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Năm nay 98 tuổi, ông Trần Văn Đề là người cao tuổi nhất thôn Ma Nê và là người chứng kiến bao biến cố thăng trầm, sự đổi thay của vùng đất này. Tuổi cao, sức yếu, nhưng trong tâm trí ông Đề không bao giờ quên những ngày quê hương Phong Chương, người dân Ma Nê vùng lên đấu tranh cách mạng.

“Tui tham gia đào hầm bí mật ở bụi tre trong vườn nhà mình. Địch bắt tui đến 3 dạo, nhưng hắn không khai thác được thông tin gì, nên thả tui về. Gia đình tui hiện là gia đình có công với cách mạng, có 2 liệt sĩ là Trần Văn Liều và Trần Văn Căng. Liều và Căng là 2 người em ruột của tui đã bị địch bắn chết năm 1966, 1969. Hiện, liệt sĩ Căng vẫn chưa tìm ra xác”, ông Trần Văn Đề xúc động.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhân dân Phong Chương có hơn 640 liệt sĩ, 81 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (1 mẹ còn sống). Người dân Ma Nê luôn ghi nhớ và tự hào khi đóng góp một phần không nhỏ cho những chiến công của quê hương. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng này có 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đã mất), 22 liệt sĩ.

 Trẻ em thôn Ma Nê đến trường học trên những con đường bê tông sạch đẹp

“Kỳ tích” làm thay đổi nhiều thứ

Nói về những “kỳ tích” hiện nay mà Ma Nê đã đạt được, Bí thư Chi bộ thôn Ma Nê – Trần Văn Bác và Trưởng thôn Ma Nê – Trần Văn Trường đều khẳng định, chính sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng đã tạo nên những “kỳ tích” ở Ma Nê.

Năm 2001, ông Bác vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và là đảng viên duy nhất của thôn lúc đó. Ông được người dân trong thôn tín nhiệm bầu là Thôn trưởng kiêm Đội trưởng đội sản xuất thôn Ma Nê. Tất cả các lĩnh vực đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trong thôn đều do ông Bác quán xuyến, đưa Ma Nê ngày càng phát triển. Công tác phát triển đảng viên rất được ông quan tâm. Năm 2011 đến nay, ông Bác được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Ma Nê.

“Nếu như năm 2010, Ma Nê có 3 đảng viên và chính thức thành lập chi bộ thì nay, đã có 8 đảng viên. Đây chính là những “hạt nhân” đoàn kết, đi đầu trong các lĩnh vực tại địa phương. Trước năm 1975 và sau ngày quê hương, đất nước được thống nhất, nói đến Ma Nê là cả tỉnh, cả huyện ai cũng biết đến sự khó khăn, gian khổ, nghèo đói, thiếu thốn mà người dân nơi đây gánh chịu. Nằm giữa vùng đất trũng, xung quanh là sông nước, nên Ma Nê không có đường giao thông. Muốn đến Ma Nê chỉ có phương tiện duy nhất là đò”, Bí thư Chi bộ thôn Ma Nê - Trần Văn Bác nhớ lại.

Cơn lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn sạch nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của người dân trong thôn. Sau cơn lũ đó, nhờ sự tích cực của ông Trần Văn Bác, sự hỗ trợ của xã, huyện, tỉnh, các tổ chức xã hội, 34 hộ dân Ma Nê được hỗ trợ 34 căn nhà và 1 ngôi trường 2 tầng vừa để con em trong thôn được đi học, vừa là nơi tránh lũ cho người dân.

Đến Ma Nê ngày nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rất rõ rệt của vùng quê này. Nhà nước đầu tư và nhiều tổ chức đã quyên góp, giúp đỡ người dân trong thôn ổn định cuộc sống. Điện, nước về thôn Ma Nê. Đê Tây sông Ô Lâu và nhiều máy tiêu úng cũng được đầu tư xây dựng, nhờ đó, Ma Nê đã làm được lúa 2 vụ.

Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông, thuận tiện cho người dân đi lại. Ô tô đã về tận với người dân, phá thế độc đạo. Ma Nê không còn độc canh cây lúa nữa mà người dân còn làm nghề đan lưới, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hơn 10 năm làm trưởng thôn Ma Nê, lại là người gắn bó với vùng đất này từ nhỏ đến lớn, ông Trần Văn Trường thấy rất rõ sự đổi thay và thuộc như lòng bàn tay tên từng người, cuộc sống từng hộ gia đình.

“Ma Nê hiện có 66 hộ, với 241 nhân khẩu. Từ 20 hộ nghèo năm 1999, nay giảm xuống còn duy nhất 2 hộ nghèo vì tuổi cao, thường xuyên đau ốm, bệnh tật là bà Hồ Thị Luyến và Đoàn Thị Chấu. Nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá giả nhờ chăm lo cày cấy, ruộng vườn, biết buôn bán làm ăn. Ông Trần Văn Bác, bà Lê Thị Hường là những gương điển hình trong làm ăn kinh tế”, Trưởng thôn Ma Nê - Trần Văn Trường tâm sự.     

Chia tay Ma Nê, Bí thư Chi bộ thôn Ma Nê - Trần Văn Bác trải lòng: “Ma Nê giờ đã đổi thay nhiều. Khó khăn, khổ cực đã vơi đi nhiều. Người dân Ma Nê luôn dặn lòng phải luôn đoàn kết để phát huy truyền thống cách mạng, vươn lên về mọi mặt. Điều mà người dân Ma Nê mong ước, làm sao mở rộng thêm 2 bên các tuyến đường bê tông về với thôn để phù hợp với tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc đi lại của người dân. Đây là mong ước của không chỉ cá nhân tôi mà của cả người dân thôn Ma Nê”.

Đem trăn trở này trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Phong Chương – Lê Viết Phước và nhận được câu trả lời: Phong Chương mới được công nhận xã nông thôn mới và đang hướng đến mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Những khó khăn, tồn tại; trong đó, có nguyện vọng của người dân Ma Nê cũng sẽ được giải quyết bằng chính ý chí, nghị lực và sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội.

Ma Nê xa mà gần khi không còn những khoảng cách.

Phong Anh - Hải Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trái tim của người phụ nữ 65 tuổi giúp hồi sinh cuộc đời một bệnh nhân

Tạng hiến từ một phụ nữ 65 tuổi, tương đối nhẹ cân ở Hải Dương; giảm thiểu thời gian thiếu máu lạnh khi vận chuyển tim xuyên Việt; phải gỡ dính toàn bộ tim và các mạch máu lớn trước ghép… Những thách thức này đã được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế nỗ lực vượt qua, mang lại sự sống cho một bệnh nhân suy tim cận kề cửa tử.

Trái tim của người phụ nữ 65 tuổi giúp hồi sinh cuộc đời một bệnh nhân
Ma Nê hồi sinh sau lũ

Mỗi mùa lũ lụt đi qua, thôn Ma Nê - vùng thấp trũng nhất thuộc xã Phong Chương (Phong Điền) đều chịu thiệt hại nặng nề; đặc biệt trong cơn Đại hồng thủy năm 1999, Ma nê gần như "trắng tay"...

Ma Nê hồi sinh sau lũ

TIN MỚI

Return to top