ClockThứ Năm, 19/01/2023 17:17

Làng quê đón tết

TTH.VN - Những ngày giáp tết, về với các làng quê, cảm nhận được không khí tết rộn ràng. Người nông dân tất bật với nhiều công việc để “đâu vào đó” trước giờ phút giao thừa thiêng liêng. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, song nơi mỗi làng quê Việt vẫn giữ nét sinh hoạt lưu giữ những giá trị truyền thống nhân văn của dân tộc mỗi khi tết đến, xuân về.

Dòng người chen chúc đi chợ tếtNhiếp ảnh gia đắt khách dịp TếtĐể mọi nhà có tết đầm ấmNhiều dịch vụ hấp dẫn phục vụ khách trong dịp Tết Nguyên đánĐi chợ Tết quê cuối năm

Một góc chợ quê ngày tết 

Ông Trần Hiệp ở xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) tranh thủ lúc trời tạnh ráo quét vôi lại cái cổng trước nhà cho sạch sẽ và trắng sáng để đón tết.

Ông Hiệp nói: “Cả năm bận rộn, dịp cuối năm, gia đình tôi cố gắng thu xếp công việc để quét vôi, quét sơn lại cho tường và cổng nhà nhìn nó mới mẻ, khang trang hơn để chuẩn bị đón Tết Quý Mão với mong ước vui tươi, ấm áp”.

Khắp các đường thôn, ngõ xóm, nhà nhà tập trung dọn dẹp vệ sinh đường sá. Người thì quét rác, người thì cắt tỉa cây cối dọc lối đi… Tình làng nghĩa xóm càng thắt chặt hơn.

Về nông thôn hiện nay, ban đêm, không còn tối om, nhất là dịp tết, dọc đường làng, các ngõ xóm điện sáng trưng. Điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa, đời sống vật chất lẫn tinh thần được cải thiện và nâng cao.

Ở làng quê, vào ngày 29, 30 tết, khoảng 4 đến 5 gia đình chung nhau mổ một con lợn để ăn tết. Vài nhà chung nhau nấu nồi bánh chưng xanh. Tiếng nước sôi, mùi thơm bánh tét theo gió xuân lan tỏa khắp xóm làng.

Chị Nhi ở xã Phú Hồ (huyện Phú Vang) kể: “Năm nào cũng vậy, khoảng 28 tết, 5 chị em trong xóm tập trung nhà tôi để gói bánh tét, bánh chưng. Sáng 29 tết nấu, đến sáng 30 tết, bánh chín để kịp cúng ngày cuối năm”.

Ngoài bánh chưng, các làng quê còn bắt tay làm các loại bánh có từ lâu đời trở thành đặc sản ở địa phương. Người dân làng Vĩnh An, xã Phong Bình (huyện Phong Điền) rộn rã vào mùa sản xuất bánh khô. Nguyên liệu chủ yếu là cốm nếp rang, lạc, gừng, cà rốt, đường… Tất cả trộn đều, rồi cho vào khuôn đóng nén, sau đó tháo nêm khuôn, lấy bánh ra. Đây là loại bánh có từ lâu đời ở làng quê bình yên này bên dòng Ô Lâu hiền hòa.

Chị Hà ở Vĩnh An cho biết, hiện cả thôn có khoảng 10 hộ tham gia sản xuất loại bánh khô này vào dịp tết.

Những ngày giáp tết, cũng là lúc các làng quê vào vụ gieo trồng lúa và hoa màu.

Chị Trần Thị Huyền ở xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) cho hay: “Gia đình chị làm 7 sào ruộng, bắt đầu gieo lúa từ ngày 20 đến 26 tháng chạp. Năm nay, mùa gieo gặp những ngày mưa lạnh nên rất vất vả. Cũng vì trời mưa lạnh nên người nông dân chưa trồng được khoai, sắn, ớt… và một số cây hoa màu khác; phải chờ ra tết, khi trời nắng ráo mới làm đất và trồng trọt được”.

Sum vầy gói bánh chưng, bánh tét ngày tết 

Thích nhất ở làng quê vào những ngày cuối năm là không khí sôi nổi, nhộn nhịp khác với thường ngày. Biết bao người con xa quê, đi khắp nơi làm ăn, sinh sống vội vã trở về quê ăn tết cùng gia đình. Tay xách, vai mang, gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi thăm đủ thứ chuyện; khuôn mặt bừng lên niềm vui đoàn tụ, sum họp.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lý ở Phú Lộc làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, tết năm trước, do dịch phức tạp nên không về quê được, năm nay tranh thủ về ăn tết cùng gia đình.

Anh Lý tâm sự: “Không nơi nào bằng quê hương mình. Tết được về quê, ăn tết với gia đình là hạnh phúc nhất. Nơi đất khách quê người, đêm 30 buồn và nhớ nhà da diết”. Những gia đình có con cái đi làm ăn xa, sau rằm tháng chạp là bắt đầu ngóng con về. Các bạn trẻ trở về, nhà nhà không khí vui vẻ, đường làng nhộn nhịp hẳn lên.

Những ngày giáp tết, chợ quê đông đúc. Cuộc sống phát triển, hàng hóa về tận các vùng sâu, vùng xa. Chợ quê ngày tết phong phú, rực rỡ các mặt hàng. Đông nhất là ngày 28, 29 tết. Khi công việc đồng áng đã ổn, bà con mới về chợ mua sắm tết.

Tập luyện cho độ đua đầu năm trên sông Ô Lâu

Một điều đáng ghi nhận là hầu hết các làng xã hiện nay đặc biệt chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, an toàn trước trong và sau tết ở địa phương. Loa truyền thanh các thôn, các xã luôn truyên truyền, nhắc nhở để Nhân dân thực hiện nghiêm túc những quy định, quy ước xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, cùng nhau có một cái tết an toàn, bình yên.

Những trò chơi dân gian, các chương trình văn nghệ trong thôn, xã… được tổ chức khắp nơi, tạo nên không khí vui tươi mang tính cộng đồng có ý nghĩa nhân văn.

Ông Nguyễn Ngọc Xê, trưởng thôn Trạch Phổ (Phong Hòa, Phong Điền) thông tin: “Thôn Trạch Phổ hiện có 450 hộ gia đình với 1890 nhân khẩu. Bà con chủ yếu sống bằng nghề nông. Bà con trong thôn sống hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau. Chúng tôi luôn chú trọng công tác tuyên truyền, động viên bà con trong thôn xây dựng môi trường văn hóa, chú trọng công tác an ninh trật tự vào dịp tết nguyên đán. Thôn đang chuẩn bị tham gia vào hội đua thuyền trên sông Ô Lâu do xã tổ chức vào ngày mồng 7 tết”.

Xã hội phát triển, cuộc sống đổi thay. Không khí, tính chất đón tết ở các làng quê hôm nay ít nhiều đã thay đổi; song về các làng quê ngày giáp tết vẫn là sự trở về để được sống trong không gian sinh hoạt có tính truyền thống lưu giữ những giá trị văn hóa mang ý nghĩa cao đẹp.

                                                                            Bài, ảnh: QUỐC HỮU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm

Sáng 5/12, ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, huyện Phong Điền xác nhận, vào chiều tối 4/12, tại nhà ông Nguyễn Chánh Thương ở Đội 2, Bồ Điền, Phong An xảy ra vụ cháy ở gác lửng 2 tầng.

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm

TIN MỚI

Return to top