ClockThứ Ba, 15/09/2020 13:15

“Lửa” chưa bao giờ tắt

TTH - Họ lên đường từ tuổi trẻ, từng tung hoành giữa lòng địch với lời thề “biến đau thương thành hành động”, không để nước mất. Hòa bình lập lại, dù mang đầy thương tật, họ vẫn mướt mồ hôi tỏa sáng giữa đời thường...

Lập nghiệp trên vùng đất khóXứng đáng người lính Cụ Hồ

Thương binh Đặng Ngọc Quýt còn được người dân xã Giang Hải biết đến như một nghệ nhân sinh vật cảnh

“Quýt giao liên” ở Giang Hải

Con đường mới xuyên qua những vạt keo, rặng tre cao ngút, dẫn lối chúng tôi về thôn Giang Chế (Giang Hải, Phú Lộc) tìm gặp chứng nhân sống trong thời lửa đạn ở vùng quê cách mạng bên phá Cầu Hai. Ông là Đặng Ngọc Quýt, người được mệnh danh “Quýt giao liên”, nay đã vào tuổi xưa nay hiếm. Thời gian, tuổi tác khiến dáng ông chầm chậm, da đồi mồi và đôi tai cũng lãng đi không còn tinh anh như những ngày cắt rừng băng suối giữa kìm kẹp của quân thù. Kỳ lạ khi nghe gợi đến những ngày khói lửa ở Vinh Giang, Phú Lộc, ông không bỏ một chi tiết nhỏ.

Thời niên thiếu, ông Quýt bắt đầu từ một đội viên tự vệ ở làng. Năm 1964, lúc ấy ông chưa đến 20 tuổi, đã tham gia liên lạc tạo bệ đỡ cho lực lượng vũ trang huyện, tỉnh để “đồng khởi” làm tê liệt chính quyền và quân đội tay sai địa phương. Ông tham gia đánh đồn Mỹ Lợi tiêu diệt sinh lực địch, tịch thu vũ khí, tiếp tục phát động quần chúng nỗi dậy đấu tranh ác liệt, phá ấp, phá kìm, bảo vệ thành quả cách mạng trên dải đất Khu 3, Phú Lộc. Thế rồi ông bị bắt đưa lên giam cầm tại lao Thừa Phủ.

Được thả sau đó khoảng 2 tháng, ông tham gia trận đánh ở Cầu Hai và bị địch bắn, đạn cắm sâu vào cánh tay có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cùng lúc thập tử nhất sinh, ông càng đau xé lòng khi nhận hung tin người cha bị địch tập kích, giết chết không thấy xác tại núi Rẫm, xã Lộc Bình (Phú Lộc). Vượt qua nỗi đau mất cha, thương tật, ông thoát ly ra Bắc học văn hóa để có cơ hội tiếp tục cống hiến cho cách mạng.

“Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, ông vào lại quê hương làm công tác dân vận ở huyện Phú Lộc. Thời điểm này, ông là một trong những người tham mưu lãnh đạo huyện ra chỉ thị yêu cầu lực lượng vũ trang địa phương, du kích các thôn, xã, người dân ủng hộ phối hợp với tiểu đoàn 2, trung đoàn 4 mở các đợt tấn công đánh giặc mà “quên ăn” nhằm giải phóng Khu 3...

Sau ngày đất nước giải phóng, ông Quýt có thời gian công tác tại Thành đoàn Huế, rồi chuyển về huyện Phú Lộc và sau đó tham gia công tác dân quân y, các hội đoàn ở xã Vinh Giang (nay là xã Giang Hải, Phú Lộc). Hơn 20 năm nay, dù vết thương tật luôn đau buốt mỗi khi thời tiết thay đổi, nhưng ông vẫn chí thú với ruộng vườn và tích cực tham gia công tác xã hội với phương châm “không cam phận nghèo”.

Những năm gần đây, dù tuổi cao, nhưng ông Quýt cùng vợ chăn nuôi bò đàn, trồng rau màu, sắn dây... thu nhập mỗi năm không dưới100 triệu đồng. Ông cười thỏa mãn: “Trước đây và bây giờ vẫn vậy, máu lửa làm dân vận, tuyên truyền viên trong tôi vẫn không tắt”. Nói rồi, ông chỉ tay ra đầu xóm, nơi có tuyến đường sắp được đổ bê tông rộng 4,5m, dài gần 200m là kết quả mà ông vận động, đả thông tư tưởng để gần 50 hộ dân vui vẻ hiến đất, hiến vườn để thông thương với bên ngoài...

Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Đó là nhận xét của đồng đội và bà con lối xóm nói về  ông Nguyễn Đắc Tương, ở thôn Đông Lâm, xã Phong An (Phong Điền). Giác ngộ cách mạng khi mới 15, 16 tuổi, ông đã theo du kích địa phương tham gia đào hầm, đắp mô chặn xe để cản phá các bước tiến công của địch. Năm 1964, xã Phong An là địa bàn chiến tranh ác liệt, cán bộ trinh sát cấp trên về nằm vùng, nắm bắt tin tức tại địa phương mà không ai khác chính ông tình nguyện làm “cầu nối”. Nhiều cựu chiến binh Phong An ví ông Tương thời đó như “Kim đồng” thứ 2.

Cuối năm 1968, ông cũng bị địch bắt đưa vào tạm giam ở lao Thừa Phủ. Nơi đây, địch khai thác dò tìm thông tin ở Phong An nhưng ông nhất quyết không “hé môi”. Không khai thác được thông tin, hai tuần sau chúng thả ông về “giam lỏng” ở quê nhà. Thế nhưng trong thời gian tạm “lánh nạn”, ông vẫn kết nối, tiếp tế hàng hóa như đài radio, pin, đèn... phục vụ cán bộ hoạt động tại địa phương.

Ngày hòa bình lập lại, ông Tương tham gia đội du kích địa phương kết hợp với bộ đội vũ trang huyện Quảng Điền canh giữ tù binh ở Km23 (nay là thôn Đông An, Phong An). Năm 1976, trong lần tham gia chiến dịch tháo gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở địa phương, ông không may gặp phải một quả bom phát nổ cướp đi cánh tay trái, mắt phải bị mù hẳn và chằn chịt vết thương trên người.

Từ một người khỏe mạnh, cậu thanh niên A trưởng đội gỡ bom mìn trở thành thương tật chỉ sau tiếng nổ xé lòng. Dù nỗi đau thương tật đến 81% vẫn dai dẳng hành hạ thể xác và làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình, nhưng bản thân ông lại không lùi bước.

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Tương tham gia vào HTX NN Đông Lâm, Phong An. Để làm gương sản xuất kinh tế, chỉ bằng sức 2 vợ chồng, ông Tương gieo trồng đến gần 2ha ruộng mỗi vụ, chăn nuôi bò, lợn, gà, mở rộng canh tác thêm tiêu, sắn và cây hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”, có tiền lo cho con ăn học. Quả ngọt sau những năm tháng vợ chồng đòng cam cộng khổ là giờ đây các con ông Tương đều ăn học thành tài, công việc ổn định. Nối gót truyền thống gia đình cách mạng, 3 người con trai của ông đã theo ngành công an, trinh sát để tiếp tục bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Ngoài chăm lo làm kinh tế, nuôi dạy con ăn học tử tế, ông còn tham gia vào Hội Khuyết tật xã Phong An và dành thời gian thăm hỏi chia sẻ những trường hợp trong thôn, xã ốm đau, hoạn nạn... Ông đã trở thành “cầu nối” giữa chính quyền với người dân thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến công, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.

Gần đây, hưởng ứng công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Phong An, ông đứng ra vận động bà con vệ sinh đường thôn ngõ xóm, xây dựng các tiêu chí làng văn hóa... Dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng ông tình nguyện hiến 300m2 đất và một số diện tích cây lâm nghiệp, hoa màu để mở đường liên thôn, liên xóm. Chính việc làm của ông Tương trở thành “hoa tiêu” mở ra phong trào hiến đất, hiến vườn để cùng nhau hưởng lợi từ chủ trương chung, mở ra những tuyến đường quang ánh để phát triển đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương...

Năm 2019, ông Nguyễn Đắc Tương vinh dự là 1 trong 5 thương binh của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà: Thành lập Hội Cựu chiến binh liên cơ quan

Ngày 5/12, Hội Cựu chiến binh (CCB) TX. Hương Trà tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam, đồng thời, công bố thành lập Hội CCB Liên cơ quan Thị ủy & Mặt trận đoàn thể.

Hương Trà Thành lập Hội Cựu chiến binh liên cơ quan
Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Cựu chiến binh trên mặt trận mới

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội Doanh nhân – Chủ trang trại (DN – CTT) CCB tỉnh là điểm tựa, đồng hành cùng ước mơ vượt khó, thoát nghèo của nhiều cựu chiến binh (CCB).

Cựu chiến binh trên mặt trận mới
Return to top