ClockThứ Tư, 24/07/2019 14:00

Xứng đáng người lính Cụ Hồ

TTH - Bước ra từ chiến tranh, thân thể không còn lành lặn nhưng những người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn khát khao cống hiến phần sức lực còn lại cho xã hội.

Lặng lẽ dấu chân cựu chiến binh – bài 3: Khi người dân đồng thuậnHọ là người lính Cụ Hồ

Thương binh Phan Thanh Đông (phải) hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cho xã viên

Chăm lo cho xã viên

Trời nắng như đổ lửa nhưng ông Phan Thanh Đông (Quảng Thành, Quảng Điền) vẫn ra đồng thăm vườn rau, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con xã viên của Hợp tác xã (HTX) Phú Thanh. Hiện nay, vùng rau an toàn của HTX Phú Thanh gồm 14 ha, trồng các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh.

Với cương vị Giám đốc HTX Phú Thanh, ông Đông tổ chức nhiều khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để bà con xã viên trồng rau theo hướng an toàn, rau hữu cơ. Ông Đông cho hay: “Trồng rau sạch không chỉ an toàn với người sử dụng, mà trước hết là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Vùng rau này cho năng suất cao, giá ổn định với thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha mỗi năm”.

Từ năm 2017 đến nay, ông Phan Thanh Đông tổ chức nhiều mô hình kinh tế sinh lợi cho bà con. Không chỉ làm “bà đỡ” cho xã viên trong các khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp, HTX còn triển khai mô hình nuôi gà, nuôi heo đệm lót sinh học; cung cấp vật tư nông nghiệp và tổ chức thu mua lúa để tránh việc bà con bị tư thương ép giá. HTX đang triển khai trồng 1 ha rau hữu cơ và chuẩn bị xây dựng nhà sơ chế rau để cung cấp cho các siêu thị.

Năm 1985, khi 24 tuổi, ông Phan Thanh Đông tham gia chiến trường Campuchia mặt trận 479. Ba năm sau, trên đường vận chuyển gạo lên biên giới, ông và đồng đội trúng mìn của địch. Hai đồng đội hy sinh, còn ông Đông bị chấn thương nặng, hỏng một mắt trái. Trở về sau chiến tranh, thương tật trên 81% nhưng thương binh Phan Thanh Đông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, làm công tác đoàn, mặt trận. Từ năm 1991 đến nay, ông là Trưởng ban kiểm soát HTX, Phó Giám đốc rồi Giám đốc HTX Phú Thanh.

Nhớ lại những ngày mới xuất ngũ, lập gia đình, kinh tế khó khăn trăm bề, ông Đông tâm sự: “Trải qua chiến tranh khốc liệt, nơi cái chết và sự sống chỉ là làn ranh mỏng manh, tôi càng trân quý hơn cuộc sống hòa bình nên cố gắng cống hiến sức lực, lao động sản xuất để mang lại đời sống tốt hơn cho bà con xã viên, cũng là mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình”. Những cố gắng không mệt mỏi của thương binh Phan Thanh Đông đã được đền đáp với mái ấm hạnh phúc, hai cô con gái đều đã trưởng thành, có công việc ổn định, cậu út đang học phổ thông. Ông Đông còn là một thương binh tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện với 28 lần hiến máu.

“Tàn nhưng không phế”

Quê ở làng Vũ Đại, tỉnh Hà Nam, ông Trần Duy Lý (đường Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP. Huế) cùng gia đình theo bố vào Huế công tác. Sau khi học phổ thông ở Trường Quốc Học Huế, Trần Duy Lý xung phong đi bộ đội năm 1983 rồi sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Khi chỉ mới bước qua tuổi 20, trong một lần đánh nhau với giặc ở trong rừng, Trần Duy Lý bị thương rất nặng, đồng đội đã đưa anh đến nhà xác vì ngỡ đã hy sinh. Vậy nhưng, phép nhiệm màu đến khi sáng hôm sau anh tỉnh lại và được chuyển về nước điều trị. Quá trình tham gia chiến đấu, Trần Duy Lý được Quân khu 7 tặng huy hiệu vì nghĩa vụ quốc tế.

Chiến tranh đã cướp mất của ông Trần Duy Lý một chân, qua mấy năm điều trị, an dưỡng theo chế độ thương binh nặng, ông trở về Huế sinh sống. Là đảng viên xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, ông Lý dù cơ thể không lành lặn vẫn tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương. Mười mấy năm liền, ông tham gia ban bảo vệ dân phố, ban quản lý chợ Phước Vĩnh, Phó Bí thư chi bộ và không nề hà việc đi tuần tra đêm để góp phần gìn giữ an ninh trật tự cho địa phương. 

Với người bình thường, việc lập nghiệp, lo cho kinh tế gia đình vốn đã khó khăn thì với người thương binh đến 81% như ông Lý còn vất vả bội phần. Lập gia đình, ông xoay xở làm nhiều việc để kiếm sống, từ thợ mộc đến đúc chậu, trồng và chăm sóc cây cảnh… Cuộc đời của người thương binh ấy cũng lắm gian truân khi người vợ bỏ đi để lại hai đứa con nhỏ.

Sau bao năm cố gắng, bây giờ, thương binh Trần Duy Lý đã ổn định cuộc sống. Thu nhập từ công việc trồng, kinh doanh cây cảnh và đồ gỗ đủ cho gia đình ông trang trải.

Ông Lý chia sẻ: “Dù là thương binh nặng nhưng tôi luôn tâm niệm phải cố gắng làm việc, vừa cống hiến sức lực cho cộng đồng vừa phát triển kinh tế gia đình. Chưa thể gọi là giàu nhưng tôi cố gắng không để Nhà nước trợ cấp khó khăn. Hay tin sẽ được tham dự cuộc gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, tôi vui lắm và cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn nhớ đến chúng tôi, những người lính Cụ Hồ năm xưa”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Cựu chiến binh trên mặt trận mới

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội Doanh nhân – Chủ trang trại (DN – CTT) CCB tỉnh là điểm tựa, đồng hành cùng ước mơ vượt khó, thoát nghèo của nhiều cựu chiến binh (CCB).

Cựu chiến binh trên mặt trận mới
Return to top