Chú hề mang niềm vui đến cho trẻ (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Ấy là tôi đang nhắc đến những chú hề. Họ thường xuất hiện tại các địa điểm công cộng, khu vui chơi trẻ em, trường học và cả những vùng sâu vùng xa, trung tâm dành cho trẻ khuyết tật, thiểu năng.
Thiên năm nay đã ngoài 30 tuổi, tốt nghiệp trường sư phạm với giấc mơ làm thầy giáo. Sau khi rời ghế giảng đường anh cũng bén duyên bục giảng. Nhưng sự nghiệp làm thầy của Thiên chỉ diễn ra vỏn vẹn 2 năm. Với chuyên ngành của mình, anh rẽ hướng với một công việc trên môi trường mạng.
Đó là trải lòng của Thiên khi tôi gặp anh tại một khu vui chơi dành cho trẻ em, trong bộ áo quần ngộ nghĩnh cùng tài kết bong bóng và điệu nhảy vui nhộn. Xung quanh anh, trẻ em xếp thành hàng dài thỏa sức cười vui, chờ nhận quà. Những ánh mắt rạng ngời trên gương mặt nhỏ nhắn và cả niềm hạnh phúc từ các bậc phụ huynh.
“Chú hề, nghề ấy đến với anh khi nào và cơ duyên ra sao” – tôi hỏi. Thiên trả lời bằng nụ cười y hệt như dành cho những đứa trẻ đang chờ anh phát quà. Và, chính niềm đam mê mang lại niềm vui cho trẻ thơ khiến Thiên trở thành chú hề lúc nào không hay. Bây giờ, hầu như nhịp sống trẻ thơ ở khắp thành phố đều có bóng dáng của Thiên. “Thu nhập từ công việc này không quá quan trọng, chủ yếu là mang lại niềm vui cho chính bản thân mình và các em thiếu nhi”, anh cười hiền.
Niềm vui trẻ thơ (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)
Quả thực, để trở thành chú hề như Thiên không phải giản đơn. Bạn phải trả lời khá nhiều câu hỏi “cộng đồng” trước khi dấn thân như, bạn có muốn chia sẻ niềm vui cho người khác? Bạn có yêu mến trẻ con và sẵn sàng diện những bộ đồ lạ lẫm? Có sẵn sàng trả lời hết những câu hỏi “hóc búa” đến từ hàng trăm đứa trẻ?... “Chắc chắn phải có kỹ năng đặc trưng như kết bong bóng, ảo thuật hay nhảy múa… và năng khiếu hoạt náo. Đặc biệt phải yêu nụ cười người khác”, Thiên tâm sự.
Dường như, dấu chân của những chú hề đủ dáng hình rong ruổi khắp các ngả đường khiến cuộc sống như tiếp thêm năng lượng. Ở đâu có chú hề, ở đó có tiếng cười. Song, đằng sau những tiếng cười ấy là cả một hành trình vì đam mê. Bởi muốn làm chú hề không ai cũng có thể.
Nguyễn Thanh Tương (TP. Huế) sống bằng hình dáng của một con người khác suốt 5 năm nay. Từ tiệc sinh nhật của một em nhỏ, buổi trung thu tại một ngôi trường, lời mời gọi của quán cà phê hay đợt thiện nguyện ở vùng sâu… Chỉ cần alo, anh tất có mặt với hộp đồ nghề cùng loa, micro. Tương hòa vào các cuộc vui trẻ thơ. “Mình chủ yếu phục vụ các em nhỏ, những ngày đầu tập tành làm chú hề rất khó khăn. Trong cuộc vui có hàng chục em, em nào cũng muốn được quà trước khiến việc ổn định mất nhiều thời gian, có nhiều em hiếu động, hỏi rất khó buộc chú hề phải trả lời. Chú hề cần khéo léo, vừa có kỹ năng dẫn chương trình vừa như giáo viên mầm non vừa phải kiên nhẫn trong trạng thái vui vẻ mới đáp ứng được nhu cầu các em nhỏ”, Tương bộc bạch.
Ngần ấy năm sống trong “vỏ bọc” đa sắc màu mang đến cho Tương hàng trăm kỷ niệm. Anh nhớ nhất là những lần phục vụ miễn phí cho các bệnh nhân nhi ung thư, trẻ vùng cao và các trung tâm giáo dục đặc biệt. Ở nơi đó, nụ cười dường như hiếm thấy. Truyền nụ cười cho trẻ bình thường không khó, nhưng “lây nhiễm” niềm vui cho trẻ đặc biệt không dễ chút nào. “Những lúc nhận lời góp vui tại những địa điểm đặc biệt mình thường tìm hiểu kỹ càng, đặc biệt là tâm lý của những đứa trẻ ở đó. Dẫu khó khăn nhưng khi giúp những gương mặt ấy rạng ngời hơn thường lòng em đã cảm thấy vui. Với nghề này, thu nhập không quan trọng bằng nhìn thấy niềm vui từ người khác”, Tương nói.
Không chỉ chú hề, những ai khi nhìn thấy các em bé tạm quên đau đớn thể xác để nở nụ cười rạng rỡ cũng cảm thấy vui lây. Các bậc phụ huynh cũng cảm thấy hạnh phúc khi con mình được truyền năng lượng tích cực. Tất cả đến từ cái sự "khùng" rất có duyên của những người mang trên mình hình thù ngộ nghĩnh. “Với trẻ em cần sự tương tác, chú hề là đối tượng tương tác tích cực cho các bạn thiếu nhi. Tôi thường dẫn con mình đến những địa điểm có chú hề để vui chơi. Từ những hành động của chú hề, con được học khá nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp xã hội”, chị Trần Thị Thu An (TP. Huế) cho biết.
Trong nhịp sống thường nhật, có rất nhiều thứ khiến người ta lo toan và cũng không ít người vô tình quên đi niềm vui con trẻ. Song, chính niềm vui ấy khởi đầu cho hành trình đi vào đời của những măng non, trong ký ức chắc hẳn sẽ có chú hề mang sắc màu vui nhộn.
Bài, ảnh: Lê Thọ