ClockChủ Nhật, 15/09/2024 11:39

“Mẹ đừng lo lắng!”

Nắng bên hiên nhàMái ấm vườn hoangChia sẻ và yêu thương

“Có lần, khi tôi bế mẹ từ giường ra nhà tắm, đặt mẹ lên tấm xốp mềm để chuẩn bị tắm rửa cho mẹ, thấy mẹ có vẻ rất hoang mang. Tôi xoa má, gãi đầu mẹ và thủ thỉ: Mẹ đừng lo lắng, có bọn con đây rồi. Mặt mẹ giãn ra và tươi tỉnh dần. Chúng tôi nấu lá chè xanh bỏ thêm chút muối tắm hàng tuần cho mẹ, lần nào xong cũng thấy khuôn mặt mẹ rất khoan khoái, mắt mở to, trong sáng. Bây giờ mẹ rất nhẹ, mình tôi có thể bế mẹ từ giường ra, lúc nâng lên, đặt xuống có em dâu hỗ trợ là mọi chuyện khá dễ dàng. Tôi mừng vì cánh tay mình vẫn có thể nhấc nổi mẹ. Tôi mừng vì trong nỗi bận bịu này, lòng tôi rất nhẹ nhõm, lúc nào cũng vui vẻ. Mỗi sáng và cuối chiều tôi được sờ nắm vào mẹ, điều mà khi mẹ còn ở Huế với chị gái, tôi chỉ có thể vượt cả quãng đường gần 200km mới thực hiện được. Chỉ cầu mong cả mấy chị em tôi có sức khoẻ để đồng hành với mẹ trong chặng đường mà số mệnh đang bắt mẹ tôi nhọc nhằn đi qua. Mẹ tôi - một bà cụ nằm liệt giường, yên lặng với nhận thức mơ hồ suốt 4 năm qua, chúng tôi chỉ có thể đoán biết mẹ lạnh hay nóng, vui hay buồn qua cái sờ tay, nắm chân, qua nét mặt và ánh mắt của mẹ… Chắc chắn là mẹ tôi rất cần sự trấn an, vỗ về. Mỗi lần mẹ nhăn nhó, chúng tôi lại dỗ dành, vuốt ve gương mặt và những cánh tay hao gầy vì tuổi già và bệnh tật, mẹ lại dịu cơn đau…”

 

Đó là những lời sẻ chia từ ruột gan của người con có tấm lòng hiếu thảo vô cùng quý giá. Em là em gái của cô bạn thời phổ thông của tôi. Nơi quê nhà, hai gia đình chúng tôi ở cạnh nhau. Tôi theo học đại học rồi ở lại nhận Huế làm quê hương thứ hai. Bạn cũng đến Huế làm công nhân tại khu công nghiệp, lấy chồng, sinh con và cũng “bén rễ” trên đất Huế. Khi bệnh tật và tuổi già khiến sức khỏe cùng tâm trí mẹ sa sút nghiêm trọng, bạn đưa mẹ vào Huế chữa trị. Thuốc tây không còn tác dụng gì, chồng bạn ủng hộ vợ, giữ mẹ lại chăm sóc. Bạn xin nghỉ hưu sớm để mỗi ngày cận kề lo bón từng thìa cháo, thìa hồ, nâng lên đỡ xuống tắm rửa, vệ sinh cho mẹ. Mấy năm liền như thế, tuyệt nhiên không một lời thở than, phàn nàn. Dù mẹ không còn nghe hiểu, nhưng lời nói của bạn bao giờ cũng dịu dàng, cử chỉ đầy nhẹ nhàng yêu thương. Bạn bảo, ngày xưa con thơ bé mỗi lúc ốm đau, mẹ là người thức thâu đêm để ôm ấp, vỗ về, xoa dịu. Suốt cả cuộc đời, cha mẹ gánh vác nhọc nhằn, dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Khi cha mẹ già yếu bệnh tật, thực hiện đạo làm con là chuyện bình thường. Bây giờ, quỹ thời gian của mẹ có lẽ không còn nhiều, chị em bạn thống nhất đưa mẹ trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Em của bạn tiếp tục làm người cận kề bên mẹ.

Trong cuộc sống hiện nay, giữa biết bao xô bồ, sống gấp, ích kỷ, bon chen, không ít đứa con thiếu trách nhiệm với cha già mẹ yếu, chẳng ngó ngàng gì khi cha mẹ ốm đau. Thậm chí, một số trường hợp bất chấp đạo lý “đưa” cha mẹ ra tòa để tranh chấp, giành giật tài sản, gây ra những hiện tượng tiêu cực xấu xí trong cộng đồng, xã hội, thì tình cảm, hành động của những người như chị em bạn là tấm gương về đạo hiếu, lan tỏa niềm tin cuộc sống này luôn có những điều tốt đẹp, những con người đạo đức.

Thùy Chi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top