Mới đó mà đã qua nửa tháng Sáu. Chị ngạc nhiên tự hỏi sao thời gian trôi nhanh quá vậy, icon mặt cười toe “chào tháng Năm” mà chị nhận được từ cô bạn chí cốt vẫn còn tươi rói trong điện thoại mà.
Mấy hôm nay những bức ảnh chụp hoa phượng vỹ trong thành phố cũng làm chị xôn xao. Chị không dám thổ lộ lòng mình với nhóm bạn cà phê sáng, bởi sợ bị cười “xa rời tuổi thơ quá lâu rồi mà sao không chịu lớn”, mà chị thì cứ thích hồi tưởng chuyện ngày xưa. Bữa uống trà bên Antea, chị chọn ngồi bên cửa sổ nhìn ra vườn. Chị kết góc ngồi này vì thấy mình như đang quay trở về cái thời thanh xuân, thường hay ngồi bên cửa sổ nhìn ra vườn chuối sau nhà, ngắm những ngọn lá chuối xanh và những tàu lá chuối khô rũ xuống ôm lấy thân cây, nghe khu vườn trò chuyện. Hồi ấy vườn sau nhà chị như thế giới thần tiên, trên nền đất mát rượi nhờ bóng những bụi chuối xanh um lá, chị và con Huệ, con Lựu, thằng Đào, Hùng, Ánh chơi không biết chán những trò trẻ con từ ô làng đến năm mười, làm diều, chơi buôn bán... chị như nghe vọng lại những tiếng cười trong trẻo, những giận hờn, cãi lẫy của Huệ và Lựu hay tiếng la hét của bọn con gái vì mấy đứa con trai phá đám trò chơi...
Bây giờ Đào, Lựu, Huệ đã lên chức ông, bà nội nhưng gặp nhau vẫn cứ xưng tên như ngày nào. Chị nhìn xuống đôi bàn tay của mình, những ngón tay thon dài ngày nào bây giờ da bắt đầu nhăn nheo, nổi gân xanh, những móng tay hồng hồng ngày xưa bây giờ đã giòn và dễ gãy. Cuộc đời trôi qua nhanh thật không ngờ, mới đó mà đã nửa đời người. Chị cũng đã đôi lần ngẩn ngơ vì tóc bạc trên đầu, tự hỏi sao bạc nhanh vậy, vài lần rồi cũng quen và chấp nhận đã đến lúc thời gian lên tiếng bạc rồi. Bạn bè giới thiệu nhiều loại thuốc nhuộm tóc, chị chỉ cười, cho qua, nhưng khi bạn đòi tặng loại thuốc nhuộm tốt, hàng xách tay, vừa gội đầu vừa nhuộm tóc, khỏe và đẹp, bí quá chị mới nói rõ “Thôi, nhuộm làm chi, mình đã vui mừng khi tóc còn xanh thì chừ cũng vui với tóc bạc”. Bạn nhìn chị như nhìn một con ngốc bướng bỉnh không biết chạy theo thời thượng.
Mùa này, Huế thường có mưa giông cuối ngày nên trong cốp xe chị luôn để sẵn chiếc áo mưa. Tiếng sấm chớp đì đùng làm chị thấy sợ, uy lực của thiên nhiên thật là vô cùng lớn lao. Nhìn những poster về ngày môi trường thế giới trong sự phụ họa của tiếng sấm chớp làm chị nhớ đến bức ảnh người dân Ấn Độ đang đứng trên mặt đất nứt nẻ, khô cằn, có người còn trèo xuống giếng sâu lấy nước. Mưa - Hà Nội ngập, Sài Gòn ngập, Huế vẫn thông thoáng đường - đó là một câu chuyện khác - nhưng nếu so giữa mưa gió và khô hạn thì xem ra có nước dễ sống hơn.
Mưa ào ạt trút nước trong tiếng sấm đì đùng. Mặt đường chịu nóng cả ngày bốc hơi ngùn ngụt, kiểu này mà còn mạ là luôn nghe nhắc nhở “đợi hết hơi đất rồi đi nghe con kẻo sau này đau khớp”. Tự nhiên thấy cái khớp gối đau đau, nhức nhức đã bao nhiêu lần rồi chị bỏ qua lời dặn của mạ với cái chặc lưỡi “kệ, chắc không sao, một lần chơ mấy mà đau khớp được” mà không nhớ đã bao nhiêu cái một lần ấy nữa, nào là đón con, nào là đi chợ, nào là đi đó, đi đây,vội vàng đến nỗi không chờ được năm, mười phút để cơn mưa làm mát mặt đất và dừng bốc hơi.
Tháng Sáu về chị có một ngày vui, đó là ngày sinh nhật của chị. Thật ra, thời chị học phổ thông, chẳng có đứa bạn nào tổ chức sinh nhật. Cái thời thiếu thốn, cha mạ lo chạy gạo từng bữa của thập niên 80 thì còn tâm trí mô mà nghĩ đến chuyện sinh nhật cho con. Lứa bạn bè không có sinh nhật như chị lớn lên với từng niềm vui nhỏ bé bình dị như “phát hiện” trái ổi chín trong vườn, là nồi chè mạ nấu ăn đêm, là cái bánh của người bà con ghé thăm nhà cho đứa bé út. Vì quen không có sinh nhật nên chị không quen với việc tổ chức sinh nhật cho mình mà chỉ lo bày biện cho con.
Hồi ấy có một bài hát mà chị và bạn bè đều thích “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt, trời không mưa anh cũng lạy trời mưa...”(Ngô Thụy Miên) vì quá hợp với tuổi thiếu nữ mơ mộng. Bây giờ thì chị biết, tháng Sáu là một trong ba tháng nóng nhất của mùa hè xứ Huế. Tháng Sáu trời mênh mông nắng, nắng từ 6 giờ sáng đến tận 6 giờ chiều. Không biết tự khi nào chị không còn mơ “mưa tháng Sáu” nữa, mà đã biết “lạy trời mưa” tháng Sáu khi đi ngang qua ruộng hạn ở A Lưới, khi nhìn những con suối khô cạn trơ lòng sỏi đá và ánh mắt bất lực của già làng. Thấm cái nắng chói chang nên chị biết cảm tạ dòng nước mát của quê hương, cảm phục người xưa đã đào những con sông bao quanh thành phố, quanh kinh thành cho Huế luôn xanh mát. Tại bồn rửa tay của một ngôi chùa, chị đọc bảng chữ viết tay “Chỉ vặn một nửa vòi nước, có nhiều người đang thiếu nước”, chỉ thế thôi cũng giúp chị hiểu có hàng ngàn cách tu thân, giúp đời, dễ làm như là tiết kiệm nước bằng cách vặn nhỏ vòi.
XUÂN AN