ClockThứ Hai, 28/03/2022 14:56

Miên man ốc chép

Mấy ngày cách ly do dịch bệnh, một món quà khá “đúng ý” của hai mẹ con được chị bạn đem đến móc ở cổng nhà với lời động viên “ngồi mà giết thời gian hí”. Món quà ấy chính là túi ốc chép (cũng có người gọi ốc chép là ốc gạo) cay xè đã xào sẵn.

Để tăng thêm “độ hứng khởi” cho món ăn, hai mẹ con lấy ốc xào sơ thêm chút lá chanh hái trong sân vườn, vài trái ớt chỉ thiên và chút nước mắm cá thơm lành của miền biển quê tôi, chút dầu ăn và xí xi bột ngọt. Sỡ dĩ phải thêm gia vị và xào lại bởi khẩu vị hai mẹ khá mặn mòi đúng chất dân miền biển.

Ốc qua chế biến rồi nên chúng tôi không chật vật mấy mà có ngay tô ốc thơm lừng đậm đà vị chanh, sả, chút cay cay của ớt và vị mặn mòi, beo béo của ốc chép. Nói chật vật bởi ốc chép chưa qua chế biến vừa phải ngâm, rửa nhiều lần mới có thể cho ra thành phẩm.

Nhớ có lần về nhà cô bạn học chung lớp ở Quảng Công (Quảng Điền) chơi, hai đứa còn được dịp hụp lặn “hốt” một đống ốc chép mang về. Nhìn những con ốc đủ sắc màu, hai đứa hào hứng như bắt được “vàng” rồi tập hợp mấy đứa cùng xóm, đứa xin ớt, đứa xin lá chanh, đứa kiếm sả về làm một nồi ốc to tướng.

Kể đến đây mới thấy, chế biến ốc chép cũng phải kỳ công lắm, không phải bắt ốc về là có thể chế biến ngay được. Ốc sẽ được rửa đi rửa lại nhiều lần, ngâm trong nước biển và thay nước liên tục để ốc nhả bớt cát. Sở dĩ, phải ngâm nước biển bởi nếu ngâm với nước ngọt, ốc sẽ chết ngay. Sau vài lần thay, rửa với nước biển thì ngâm sơ vài phút với nước ngọt để vị mặn trong ốc giảm bớt rồi mới cho các gia vị vào xào. Cách sơ chế này được ba của cô bạn chia sẻ sau khi nồi ốc siêu to của chúng tôi phải đổ bỏ vì khi ăn, thịt ốc toàn là cát.

Nhìn những con ốc đa sắc màu cả ký ức tuổi thơ lại “cuồn cuộn” trở về. Ngày còn nhỏ, ốc chép ở quê nhiều lắm. Cứ chiều chiều là mấy bà, mấy mệ ở biển Phong Hải, Quảng Ngạn lại gánh từng gánh vào làng bán. Mà kỳ lắm, mỗi khi đến mùa ốc chép là y như rằng gần đến vụ mùa. Vì thế cứ đầu mùa ốc, chúng tôi được ăn ốc “thả ga” và đến những ngày vào vụ gặt là bị “cấm vận” vì lo vỏ ốc chép lẫn vào lúa đang phơi.

Những con ốc bé tẹo, người không biết sẽ cho rằng “ốc bé tẹo có gì mà ăn”, thế nhưng, với những đứa con miền biển đó là món ăn không thể nào quên và khi đã ăn là “ăn say máu”. Đến cả những chiếc vỏ ốc nhỏ xinh với chúng tôi nó không hề lãng phí. Nó sẽ được ngâm, làm sạch, rồi đem phơi. Những vỏ ốc sạch sẽ được sử dụng làm rèm trang trí, chơi ô ăn quan hay đơn giản nhất là lựa những con ốc đẹp nhất cất giữ thật cẩn thận để dành chơi xếp hình, xếp chữ.

Ở gần nhà nên đôi khi thòm thèm những món “quê mùa” ấy, tôi vẫn có anh, chị gửi lên cho hay đôi khi cũng tự “săn" được. Còn với những đứa bạn cùng trang lứa phải xa quê lập nghiệp, ốc chép chỉ còn là món ngon trong ký ức. Chợt thấy, mình thật may mắn khi quê nhà chỉ "bên lưng"!

HOÀNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đậm đà nước vối quê ta

Đến chơi nhà bạn ở quê được mời uống chén nước gối (vối) nóng, lạ lùng thì ít mà bâng khuâng thì nhiều.

Đậm đà nước vối quê ta
Miên man tháng Sáu

Mấy hôm nay những bức ảnh chụp hoa phượng vỹ trong thành phố cũng làm chị xôn xao. Chị không dám thổ lộ lòng mình với nhóm bạn cà phê sáng...

Miên man tháng Sáu
Miên man bên cội thông già…

Phải vài trăm năm mới có được những cây thông thế ấy. Người xưa ươm trồng, gìn giữ, con cháu chúng mình bây giờ được hưởng. Nhưng vài trăm năm nữa thì sao, nếu bây giờ mình không làm gì cả…

Miên man bên cội thông già…
Miên man khoai ngào

Khoai ngào từng là món ăn khiến đám trẻ quê chúng tôi mê mẩn.

Miên man khoai ngào
20 năm đại hồng thủy 1999
Ký ức "dòng sông chết"

Trong dòng chảy ký ức miên man của đời người, có những điều không thể quên, như những gì tôi đã chứng kiến trong “đại hồng thủy” tháng 11/1999 ở Huế.

Ký ức dòng sông chết
Return to top