ClockThứ Ba, 04/01/2022 06:30

Mở cửa nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch

TTH - Phong Điền là điểm dừng chân của các tài xế xe tải, xe khách đường dài, nên sau khi các cửa hàng, quán ăn dọc Quốc lộ 1A hoạt động trở lại, yêu cầu về phòng, chống dịch phải được đề cao, tránh chủ quan và lơ là.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh bàn giao trang thiết bị y tế hỗ trợ phòng chống dịchĐừng gây thêm hậu quả cho chính mình và xã hộiĐiều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà

Các cơ quan chức năng huyện Phong Điền hướng dẫn các hàng quán về các biện pháp phòng, chống dịch khi hoạt động trở lại

Lên phương án hoạt động trở lại

Vừa dọn dẹp, sửa chữa lại hàng quán để chuẩn bị mở cửa trở lại, chị Đào Thị Thủy, chủ quán cơm Trung Thủy, thôn Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền chia sẻ, trước đây, khách hàng chính của quán là các xe tải, xe khách và hành khách đường dài. Dịch bệnh diễn biến phức tạp gần hai năm qua, quán cơm nhà chị mở rồi lại đóng không dưới 5 lần. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào quán cơm, nên khi có thông báo được phép mở trở lại, gia đình chị lên phương án sửa quán và lắp đặt thêm một số hạng mục, phân bổ lại vị trí trong quán hợp lý hơn để đảm bảo an toàn khi đón khách.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ quán cơm Hà Trợ cũng tất bật chuẩn bị để mở cửa phục vụ khách trở lại. Theo chị Hà, dẫu vẫn biết nguy cơ về dịch bệnh khi phục vụ khách là rất lớn, song hiện tại đã chuyển sang trạng thái kinh doanh thích ứng, quan trọng là tâm lý và thực hiện theo đúng các hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan chức năng. Cả gia đình đều đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin nên phần nào yên tâm hơn khi mở cửa đón khách.

Ông Thái Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền cho biết, qua nắm số lượng hàng quán dọc tuyến Quốc lộ 1A ở địa bàn thị trấn, chỉ có khoảng 15% cơ sở đã mở cửa, còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị. Những ngày qua, UBND thị trấn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 các quán đã mở và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo đúng các hướng dẫn. Đồng thời, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, chủ động nắm bắt tình hình để hướng dẫn, thông tin đến các hàng quán các diễn biến và các điều chỉnh nếu có. Dịch vụ là lĩnh vực kinh tế quan trọng của thị trấn, nên việc các hàng quán kinh doanh trở lại cũng báo hiệu sự phục hồi của kinh tế địa phương.

Ông Thái Văn Lệ, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền đánh giá, Phong Điền là địa bàn có tuyến Quốc lộ 1A đi qua hơn 20km, với khoảng 200 hàng quán lớn nhỏ (nhà hàng, quán ăn, trạm dừng, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm). Phong Điền là điểm dừng quan trọng của hành khách trên hành trình di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A nên việc mở cửa cũng đi đôi với những thách thức trong phòng, chống dịch bệnh. Vì trên thực tế, việc kiểm soát lịch trình, cũng như các yếu tố dịch tễ đối với các tài xế xe đường dài luôn gặp khó khăn.

Kinh doanh phải an toàn

Qua trao đổi với một số cơ sở kinh doanh trên tuyến Quốc lộ 1A ở huyện Phong Điền, thực tế cho thấy 2 vấn đề lớn là vẫn còn tâm lý chủ quan và việc triển khai thiếu đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đó là bên cạnh một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn đã thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19, như quét mã QR-Code, chủ nhà hàng, nhân viên tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin, bổ sung thêm dung dịch sát khuẩn, xà phòng… Tuy nhiên, nhiều hàng quán lại khá lúng túng khi lặp đặt máy quét mã QR-Code, chưa trang bị máy đo thân nhiệt, bố trí chỗ ngồi chưa hợp lý…

Đó cũng là lý do mà những ngày vừa qua, đoàn liên ngành của huyện Phong Điền đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà hàng, quán ăn ở các xã Phong An, Phong Thu và thị trấn Phong Điền (là những địa phương có tuyến Quốc lộ 1A đi qua). Đây cũng là giải pháp chủ động thích ứng, thực hiện mục tiêu kép vừa kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; giảm thiểu nguy cơ làm lây lan dịch bệnh vào cộng đồng.

Ông Thái Văn Lệ thông tin, đối với các cơ sở kinh doanh dọc Quốc lộ 1A, huyện yêu cầu phải có cam kết với chính quyền địa phương về phòng, chống dịch trong hoạt động mới được phép kinh doanh. Các cơ sở chỉ hoạt động không quá 50% công suất trong cùng một thời điểm; phải quét mã QR-Code cho nhân viên, khách hàng đầy đủ. Phải tiến hành xét nghiệm tầm soát định kỳ 2 tuần/lần tối thiểu cho 10-20% người lao động và các điều kiện phòng, chống dịch; thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền nhấn mạnh, trong trạng thái bình thường mới, việc thích ứng mở cửa trở lại là điều được khẳng định. Tuy nhiên, với yếu tố là khách đường dài, di chuyển qua nhiều địa bàn nên yêu cầu phải đặt ra là vừa phục vụ, vừa tăng cường giải pháp phòng, chống dịch. Công tác kiểm tra, đánh giá sẽ được triển khai liên tục, thường xuyên, tránh sự chủ quan, lơ là của các cơ sở và các cơ quan chức năng. Trong công tác kiểm tra cũng phải có chế tài xử lý nghiêm các đơn vị lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan
Không chủ quan với bệnh liên cầu lợn

Ngày 11/10, báo cáo bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh ghi nhận thêm ca bệnh liên cầu lợn (LCL) tại phường Hương Xuân, TX. Hương Trà. Điều này thêm một lần nữa lên tiếng cảnh báo người dân tuyệt đối không chủ quan với bệnh này, vì nó có tỷ lệ gây tử vong rất cao.

Không chủ quan với bệnh liên cầu lợn
“Mở cửa” cho năng lượng tái tạo phát triển

Ngày 3/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (NLTT) với khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định 80). Nghị định này sẽ tháo gỡ điểm “nghẽn” lớn trong việc đầu tư, sử dụng điện mặt trời (ĐMT), điện gió, điện sinh khối…; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất để sử dụng, bán NLTT. Ngoài ra, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Mở cửa” cho năng lượng tái tạo phát triển
Return to top