ClockThứ Tư, 21/09/2022 19:27

Món ớt mói

Nhớ bữa hội lớp của bạn bè tôi, ăn trưa tại nhà hàng, mấy bạn ở miền Nam về ai cũng vừa ăn vừa tấm tắc: “ngon quá, ngon quá”. Riêng thằng Huy thì nói mấy món ăn cứ nhạt nhạt làm răng, ăn không ngon. Tôi biết ý bạn và nói ngay: “Thiếu chén nước mắm ớt biển quê hè!”. Thằng Huy gật đầu và nói thêm: “Có thêm dĩa ớt mói nữa thì càng ngon hơn nữa!”.

Có 3 thứ gia vị được coi là chủ lực của các món ăn xứ Huế đó là ruốc, nước mắm và ớt. Ba loại gia vị này không chỉ được nêm nếm hòa tan vào các món ăn từ kho xào, nấu canh mà còn đứng một vị trí riêng độc lập trong mâm cơm của người Huế là chén ruốc đặc, chén nước mắm và vài trái ớt xanh. Tất nhiên, nước mắm hay ruốc mà không có ớt dằm vô hoặc thêm ớt bột vô thì chưa thể đủ vị được.

Mà ớt thì có đến ba món ớt, dù đều cay cả nhưng lại có hương riêng là ớt tươi, ớt bột và ớt muối. Quê tôi không kêu là ớt muối mà kêu là ớt mói. Mà có những món ăn phải kêu theo tiếng địa phương như rứa mới thấu được hương vị đặc trưng riêng có, món ớt mói là một món như thế.

Ớt xanh hái xuống, lựa chọn những trái đẹp rửa sạch đem phơi nắng cho vừa heo héo là cho vô thẩu, nêm cho thiệt chặt rồi đổ nước muối hòa tan vô thẩu. Đậy thiệt kín chừng mười ngày nửa tháng là gắp ra ăn được. Nếu như ớt tươi hay ớt bột chỉ cho vị cay và hương thơm thì ớt mói có đủ vị cay, chua, mặn và hương thơm thì nồng nàn hơn.

Ớt mói có thể kho với cá thịt nhưng ngon nhất vẫn là ăn riêng kèm với các món khác. Đưa trái ớt mói vô miệng, cắn cái bụp giòn tan sẽ cảm nhận ngay được vị mặn, tiếp đó là vị chua và sau cùng là vị cay, cay từ miệng, lên mũi, lên mắt, lên chân tóc, cay đến dựng đứng tóc nhưng vẫn tiếp tục ăn hết trái ớt rồi cắn sang trái khác và vẫn cứ muốn thêm trái nữa... Với những người ăn được cay, có khi mỗi bữa ăn phải tốn đến năm bảy trái ớt mói như chơi...

Loài ớt mô cũng mói được hết từ ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt cao sản... Với tôi thì loại ớt sừng trâu vẫn trồng ở quê nhà để ăn tươi hoặc giã thành ớt bột cất trữ ăn quanh năm vẫn là giống ớt mói ăn  ngon nhất, thấm đậm nhất. Có lẽ là từ hương thơm đặc trưng và vị cay vừa phải của giống ớt này. Ở Huế, một số quán bún bò, giò heo, bánh canh hay cơm bụi thường có dĩa ớt mói trên bàn để khách thích ăn cay có thể thoải mái lựa chọn. Mà đôi khi quán ăn đó lại hút được khách không chỉ vì món ăn ngon mà còn có thêm dĩa ớt mói nữa.

Với một người Tam Giang gốc ớt như tôi cứ thấy dĩa ớt mói trên mâm cơm là đã cảm thấy vị ngon rồi. Lại nhớ có lần về quê, mụ Gái nhà bên cho nhà tôi một thẩu ớt mói. Cái thẩu ớt nhìn cũng thật bắt mắt, dưới là mấy lớp ớt xanh đỏ, trên ràng rịt mấy thanh cật tre khô rồi còn đằn lên một cục đá cuội to nữa... Cẩn thận như vậy để bảo quản ớt mói được lâu ngày và trái ớt được nén lại mà giòn tan khi ăn...

Hôm qua tôi viết về món canh môn sen trên facebook, thằng Huy bình luận nhắc với tôi rằng ăn canh môn sen như bạn nói là ngon rồi nhưng phải ăn kèm thêm với mấy trái ớt mói, húp một miếng canh cắn nửa trái ớt mới là thậm ngon. Thằng bạn ni ăn uống thiệt là thấm tháp!

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một chiều xứ Huế

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh.

Một chiều xứ Huế
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế
Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế

Không chỉ góp phần làm rạng danh và đưa thương hiệu thể thao vang xa, đội ngũ những VĐV là thành viên đội tuyển quốc gia còn là nguồn lực để phát triển lâu dài và bền vững thể thao xứ Huế.

Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế

TIN MỚI

Công ty yến sào Khánh Hòa Gà nướng cơm lam Long An Kho tủ cơm 12 khay inox giá rẻ Lò vi sóng Miele đức chính hãng
Return to top