|
Dù được vinh danh hay không thì món bún bò Huế cũng đã trở thành thương hiệu ẩm thực đi vào lòng thực khách |
Muốn được vinh danh phải làm hồ sơ
Bún bò Huế không chỉ là món ngon nổi tiếng của vùng đất Cố đô Huế từ hàng trăm năm nay, món ngon này còn theo chân người Huế đi khắp Việt Nam và thế giới. Với những du khách, mong ước đến Huế ngoài để thăm thú, vui chơi họ còn muốn ăn thử tô bún bò - món ngon mà người dân địa phương có thể ăn từ ngày này qua ngày khác nhưng không hề ngán.
Thế nhưng không phải món ngon nào cũng được ghi danh. Theo tìm hiểu để một món ngon được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải được địa phương nơi có món đó trình hồ sơ lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các tiêu chí phù hợp.
Nhiều người bán bún bò từ nhà hàng, những quán bún bình dân hay những gánh bún hàng rong… khi được hỏi về suy nghĩ công nhận di sản cho bún bò Huế đều tỏ ra thong thả, công nhận cũng tốt, nếu không cũng không sao. “Thật ra bún bò tự thân nó đã là di sản, đi vào lòng thực khách và nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn khắp cả đất nước Việt Nam và quốc tế. Cái quan trọng là làm sao người bán phải giữ được thương hiệu từ cách nấu bún sao cho giữ được hương vị chuẩn xác cho đến cung cách phục vụ”, chị Út - chủ một gánh bún dạo ở Huế chia sẻ.
Thực tế, cuối năm 2023, cùng với 5 món khác của vùng đất Cố đô, bún bò Huế được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tôn vinh và công nhận giá trị của các món ăn tiêu biểu nước nhà. Và dù danh xưng có là gì đi nữa thì đây là một trong những món ngon đặc sắc của Huế đi vào lòng thực khách.
Sẽ đưa vào kế hoạch xây dựng hồ sơ
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, việc vinh danh các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng miền có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Hải, thời gian qua ngành văn hóa đã tích cực cùng các ngành tham mưu xây dựng hồ sơ đề nghị vinh danh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với 3 di sản phi vật thể quốc gia đã được vinh danh (Ca Huế, Lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô, Dệt Zèng của người Tà Ôi), mới đây Di sản Tri thức may, mặc Áo dài Huế đã chính thức được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, hiện nay Sở đã báo cáo UBND tỉnh, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồ sơ Nghề làm bún làng Vân Cù (Hương Trà) và Lễ hội điện Huệ Nam. Đối với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến ẩm thực, trong đó có bún bò Huế đang được Sở Văn hóa và Thể thao đưa vào kế hoạch xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian sắp tới.
Ông Hải khẳng định, bún bò Huế là món ăn không chỉ người dân Huế yêu thích mà còn nức tiếng gần xa. Vào Nam ra Bắc, đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp thương hiệu bún bò Huế và đây cũng là món ăn được nhiều người trên cả nước cũng như quốc tế mong muốn thưởng thức, trải nghiệm bởi hương vị đậm đà, khó quên.
Với ưu thế về ẩm thực, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của đề án đã được đặt ra và đang được các ngành, các địa phương tích cực phối hợp triển khai.
“Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch cùng các cơ quan, chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực đang có nghiên cứu, đánh giá để lựa chọn, đề xuất một số món ăn tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa Huế để báo cáo UBND tỉnh xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trên nguyên tắc từng bước, tránh trùng lắp, tràn lan và có lộ trình phù hợp. Bởi vì ngoài các giá trị di sản về ẩm thực, Thừa Thiên Huế vẫn còn rất nhiều loại hình và giá trị di sản văn hóa cần được lập hồ sơ và đề nghị vinh danh”, ông Hải nhận định.