Cái mẹt tre nhỏ của mệ mùa nào thức nấy. Mùa xuân thì có ít hoa bưởi, mớ rau má nhổ ruộng. Mùa hè thì có ít quả chanh, vài trái ổi. Mùa thu, gánh hàng nhỏ có vài quả thị, ít quả hồng và những trái khế chua nho nhỏ, đặt trên tấm lá vả.
Buổi sáng ngang qua, tôi ghé chân bên mẹt hàng của mệ, đôi khi chỉ để nhắc nhớ quê nhà…
Ở quê, nhà nào cũng có cây khế sau hè. Các bậc cao niên bảo, trồng cây khế sau hè là để căn bếp được an yên. Lớn lên, tôi cũng thấy nhà mình có cây khế, mọc cách chái bếp một khoảng, vừa đủ để cái cửa bếp bằng tranh khi chống lên không vướng vào tán lá.
Khế thường ra hoa vào cuối hạ. Những chùm hoa tím biếc, kết lại từ vô vàn những cái bông bé tý. Bé đến độ, thật khó để nhìn rõ những cánh hoa li ti tím phớt mơ hồ, để khi kết chùm, tại ánh lên màu tím biếc.
Ngày bé, tôi thường nằm trên chõng tre, đong đưa, ngắm nhìn những chùm hoa khế lấp ló trong tán lá. Những chiếc lá hình ô van hiền hòa đan vào nhau, dịu mát.
Chẳng biết từ đâu, một sáng thức dậy, đã thấy những trái khế nhỏ xíu nhú ra, lác đác giữa chùm hoa. Rồi những cái bông li ti cuối cùng cũng rụng, rải lên khoảng hè lớp thảm hoa mơ màng. Chẳng mấy chốc, cành cây lủng lẳng quả. Cũng là khi trời vào thu. Cũng là khi sông nước vào mùa cá vượt lũ. Có lẽ đó là sự ý vị của đất trời, khi mùa khế đúng vào mùa cá ngạnh, cá cấn lên bờ.
Mâm cơm trong tiết trời giữa thu nồng ấm bát canh khế nấu với cá ngạnh. Những con cá ngạnh sông béo múp, vàng ươm trứng, được ướp nhiều tiêu, già hành, thêm ít ruốc biển. Đâu vào đó, chỉ cần lui vài bước ra hè, với tay vặt dăm ba trái khế, đem vào rửa sạch, cắt mỏng, vò qua, vắt nhẹ. Đợi cho nồi nước trên bếp sôi đều là thả cá, rồi thả khế và cho thêm ít ngò tây. Thế là dậy lên vị chua thanh của khế, cay nồng của tiêu, thơm nhẹ của ngò.
Sang thu, trời chớm lạnh, cây khế thường cho lứa quả trái vụ, chỉ lác đác. Những qủa khế chua nhỏ bé như chút ân tình của đất. Là khi cây trái trong vườn trơ cành, trụi lá. Cây khế như gầy hơn. Những chiếc lá ngả vàng và dần rụng. Trên cành cây khẳng khiu, những quả khế lủng lẳng làm ấm lên căn bếp.
Là khi mẹ soạn mớ cá nục khô phơi kỹ từ dạo hè. Những con cá nục to bằng hai ngón tay, được ngâm qua nước ấm, xé thành miếng nhỏ, dài. Nồi canh lúc giáp hạt chỉ có tí mỡ lợn, tí ruốc, vài con cá khô và nhiều khế. Có lẽ trái khế hiền lành, dễ tính nên cá không cần nhiều và dẫu đã phơi khô, bát canh khế ngày lạnh vẫn ngon, ngọt.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cái mùi thơm từ những miếng cá nục biển nhai kỹ dai dai, ngòn ngọt, thoảng vị nồng của biển. Có lẽ, đó là món ăn xa xỉ của nhà nông trong cái lạnh cuối đông. Tôi cũng đã hiểu, vì sao người dân quê thường trồng một cây khế chua gần chái bếp. Bởi những lúc ngặt nghèo cơm áo, cây khế là bầu bạn.
Bài, ảnh: Tiểu Muội