Tôi thiệt quá bất ngờ khi trong hành trang của bạn có 2 cái đòn bằng gỗ. Bạn nói: “Khúc gỗ ni hồi xưa mạ tau còn sống hay dùng để làm đủ thứ liên quan đến chuyện nội trợ cho cả nhà. Mạ đi xa rồi. Tau về nhà gặp lại khúc gỗ liền kêu người thợ mộc quen đâu thành hai cái đòn...”. Hai cái đòn bằng gỗ đó được bạn cất giữ cẩn thận trong va ly và vượt hành trình thật dài cùng bạn đến một ngôi nhà thật xa ở bên kia đại dương. Nơi đó, tôi cứ đinh ninh rằng tìm được cái đòn như ri thiệt là khó...
Ở làng quê thì đàn ông cầm cuốc, cầm cào theo mùa vụ; phụ nữ thì nhọc nhằn triêng gióng quanh năm... Nhìn cái đòn trong valy của bạn tôi sực nhớ rằng là đã một thời cái đòn thân thiết lạ với đời sống ở nông thôn xứ Huế. Nhà quê thì nhà mô cũng có những cái đòn, ít nhất là đủ cho tất cả các thành viên trong gia đình mỗi người một cái, nhà nhiều hơn thì cũng trên chục cái.
Đòn để ngồi ăn cơm giữa nền nhà, trước thềm nhà, trên sân đất những tối mùa hè... Đến bữa cơm, dọn mâm ra thì phải lấy đòn, mỗi người mỗi cái quây quần tròn vẹn cùng niềm vui của bữa ăn hàng ngày. Tôi vẫn nhớ ba tôi đâu 3 chiếc đòn gỗ đôi dài nên cứ thế nhà có 6 anh em ngồi 2 đứa một cái đòn thiệt vui.
Rồi đòn để những người phụ nữ trong nhà ngồi thổi lửa chụm rơm nấu nướng hàng ngày. Một cô bạn của tôi kể rằng, cái đòn gỗ hồi đó tui ngồi chụm lửa rơm nấu cơm đến bóng láng luôn. Mà hồi đó, trời lạnh có mấy anh trai làng lót đòn ngồi bên cạnh tán tỉnh nữa. Có khi lửa già quá cháy cơm luôn bị mạ la dữ lắm!
Mà chiếc đòn ấy nó cũng không thể nào thiếu trên đôi triêng gióng của những người phụ nữ nhà quê ra chợ. Chiếc đòn được kẹp thiệt chắc trên một quai giống theo người ra chợ. Bởi đi chợ bán mua thì phải chọn một góc mô đó, dọn hàng ra và ngồi trên đòn mà bán...
Những cái đòn cứ cũ dần, hư hao dần qua thời gian được thay thế bằng những cái đòn mới. Cũng có những chiếc đòn được đóng theo hình dáng đẹp mắt, cũng có những chiếc đòn theo kiểu dã chiến là một khúc gỗ, một gốc cây hay đôi khi chỉ là một tấm ván cũ.
Không chỉ ở nhà quê, trên các con phố, những gánh hàng rong ngày trước luôn phải mang theo những cái đòn gỗ để cho khách ghé ăn uống lót ngồi. Tôi vẫn ấn tượng nhất những tấm ảnh cũ chụp những gánh hàng rong ở Huế khi mà người bán là một phụ nữ đội nón mặc chiếc áo dài màu sẫm, còn những cô nữ sinh Đồng Khánh áo dài trắng. Họ ngồi khéo léo duyên dáng trên những chiếc đòn ở một góc phố. Hình ảnh rất Huế đó bây chừ ít khi gặp lại...
Tôi không nhớ tôi xa rời cái đòn gỗ từ lúc nào. Cho đến một ngày về nhà cũ thì không còn thấy bóng dáng những cái đòn gỗ nữa. Ăn cơm thì dọn trên bàn, nấu ăn bằng bếp gas và thay cho những chiếc đòn gỗ là những chiếc ghế nhựa. Làm nông bây chừ đã gieo sạ thẳng xuống ruộng, bỏ qua khâu nhổ mạ nên cảnh buổi chiều những người phụ nữ tay cầm cái đòn, tay cầm bó lạt nhổ má đã không còn. Mạ rồi bà nội đi xa mãi nên tôi cũng không để ý bây chừ những người phụ nữ ở quê tôi ra chợ có còn mang theo trên đôi triêng gióng cái đòn gỗ như ngày nào hay không; hoặc đã thay thế bằng chiếc đòn nhựa nhẹ gánh hơn, nhưng chắc rằng không thể ngồi êm và bền bằng đòn gỗ.
Bởi rứa, bây chừ bất chợt gặp 2 cái đòn gỗ trong hành trang của bạn mang theo người đi xa xứ, tôi chợt thấy ấm lòng như ngọn khói lam chiều còn vấn vương nơi chái bếp quê nhà...
PHI TÂN