ClockChủ Nhật, 06/11/2022 10:21

MUN - sân chơi học thuật đầy bổ ích

TTH - Là một nơi để các bạn trẻ thảo luận về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, MUN đang ngày càng phát triển và thu hút giới trẻ muốn học hỏi và trau dồi tri thức.

Sôi động cuộc thi RoboconTranh biện sân chơi trí tuệ của giới trẻ

Trao đổi để đưa ra phương án giải quyết vấn đề

Sân chơi hấp dẫn

Tôi còn nhớ trong quãng thời gian ngồi trên giảng đường đại học, lớp tôi có lần được thầy chia thành những nhóm nhỏ. Với đề bài tìm hiểu về tác động của các quốc gia ở khu vực sông Mekong đi qua, chúng tôi đã đóng vai thành nhiều quốc gia khác nhau, tranh luận để làm sao giành về lợi ích cho quốc gia của mình. Đó là một trải nghiệm rất lý thú khi tôi và các bạn học phải dành thời gian để tìm hiểu thật kỹ những gì đề bài yêu cầu và chuẩn bị luận điểm để thảo luận sao cho thật sắc bén. Sau này, tôi mới biết, thầy giáo đưa ra bài tập ấy dựa trên mô hình MUN.

MUN (hay Model UN) là từ viết tắt của Model United Nations - Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc. Tại đây, những người tham gia đóng vai đại biểu đại diện cho các quốc gia, cùng nhau thảo luận, quyết định về các vấn đề của thế giới trên lập trường quốc gia đó. Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, đến nay sau khoảng 8 năm, MUN đã thu hút nhiều bạn học sinh, sinh viên quan tâm đến các vấn đề toàn cầu như kinh tế, an ninh, y tế, môi trường, xã hội, công nghệ...

Với tầm bao quát kiến thức rộng lớn, rất nhiều chương trình MUN được các trường đại học và các trường THPT tổ chức trên cả nước, có thể kể đến IVMUN (International Vietnam Model United Nations, tổ chức tại Hà Nội) và DYMUN (Da Nang Youth Model United Nations, tổ chức tại Đà Nẵng… Tại Huế, CLB Quốc Học MUN của Trường THPT chuyên Quốc Học cũng được thành lập từ năm 2019 đã thu hút nhiều học sinh cấp 3 trên địa bàn tỉnh tham gia. CLB cũng thường xuyên tham dự những kỳ IVMUN, DYMUN trong những năm gần đây.

MUN mô phỏng lại một hội nghị của Liên Hợp Quốc

“Kiến thức được sử dụng trong MUN trải dài trên nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế, công nghệ, y tế, giáo dục... và có nhiều hội đồng để chúng em có thể lựa chọn khi tham gia các kỳ MUN. Ví dụ, Hội đồng WTO đòi hỏi kiến thức về kinh tế quốc tế, Hội đồng NATO yêu cầu kiến thức về an ninh - quốc phòng, Hội đồng OPEC lại cần có những hiểu biết về thị trường dầu mỏ, hay Hội đồng IPCC cần hiểu về những vấn đề môi trường. Đây cũng là một cơ hội rất tốt để chúng em trau dồi tri thức, hiểu biết và khám phá vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau”, Võ Thúy Hiền, thành viên của Quốc Học MUN chia sẻ. Ngoài tham gia những kỳ MUN được tổ chức hàng năm, CLB Quốc Học MUN cũng thường xuyên có những “hội nghị bàn tròn” quy mô nhỏ trong trường học để trau dồi kiến thức và kỹ năng cho thành viên.

Trau dồi kỹ năng mềm

Trong lần đầu tham dự kỳ DYMUN năm 2022 được tổ chức tại Đà Nẵng vào mùa hè vừa qua, Thúy Hiền bị choáng ngợp khi “thấy mọi người trong những bộ trang phục trang trọng, bàn luận sôi nổi về những vấn đề lớn lao bằng tiếng Anh”. Sở dĩ như vậy vì MUN là mô hình mô phỏng lại hội nghị của Liên Hợp Quốc nên những bạn tham gia đều sẽ ăn mặc rất chỉnh tề, lịch sự và trao đổi, thảo luận các vấn đề bằng tiếng Anh. “Sau khi làm quen với mọi người, em đã bớt ngợp hơn và có thể tự tin để đưa ra những luận điểm của mình”, Thúy Hiền cho biết.

“Để tham gia những kỳ MUN, chúng em sẽ chuẩn bị cho mình một lượng kiến thức nhất định về tình hình thế giới và quan hệ quốc tế, đặc biệt là khả năng tiếng Anh", Nguyễn Thanh Trường Tuấn, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng chia sẻ. Trường Tuấn cũng cho biết thêm, trong quá trình tham gia MUN, ban tổ chức sẽ cung cấp các tài liệu và hướng dẫn nghiên cứu về chủ đề để giúp các đại biểu có hiểu biết cơ bản về những vấn đề được thảo luận.

Bên cạnh kiến thức, những bạn tham dự MUN cần phải có sự tự tin và thông thạo luật để trình bày vấn đề trước đám đông, cũng như tranh luận để bảo vệ luận điểm của bản thân.

“Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc như chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, hiểu rõ luật, nhưng lại không tự tin nên chẳng thể nói được gì. Tuy nhiên, nếu như có tự tin, nhưng không chắc về kiến thức và luật thì sẽ gặp khá nhiều rắc rối trong phiên họp”, Trường Tuấn phân tích. Ngoài sự tự tin, các bạn còn cần sử dụng nhiều kỹ năng cùng một lúc, như giao tiếp, tranh luận, phản biện, đàm phán bằng tiếng Anh, kỹ năng nghiên cứu, làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo và tổ chức...

“Đối với những bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực ngoại giao và quan hệ quốc tế như em, MUN là một cơ hội để gặp gỡ những người có cùng đam mê và mối quan tâm. MUN còn mang đến cho em một cơ hội trở thành những nhà ngoại giao trong những bộ trang phục trang trọng, ứng xử và trò chuyện với nhau bằng phong cách ngoại giao, thể hiện quan điểm của mình với các vấn đề trên quan điểm của từng quốc gia, từ đó tạo nên một cái nhìn khách quan và đa chiều hơn về thế giới”, Thúy Hiền bộc bạch.

Trong thời đại toàn cầu hóa, những sân chơi như MUN là nơi kết nối đam mê, trau dồi tri thức, ngoại ngữ và kỹ năng mềm bổ ích cho giới trẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Đừng lạm dụng tiếng lóng

Cuối tuần, cô cháu gái khoe, lớp con tổ chức hoạt động trải nghiệm về chủ đề “Ngôn ngữ của tuổi teen”. Ý tưởng này khá hay và được rất nhiều phụ huynh đồng tình, khi thực trạng sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “tự chế” của học sinh ngày càng phổ biến.

Đừng lạm dụng tiếng lóng
Ăn khuya ở Huế

Khi đồng hồ điểm những giây phút chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới, ở nhiều góc phố của xứ Huế vẫn nhộn nhịp khách ăn khuya. Những vị khách ấy đa phần là người trẻ, sinh viên, người đi du lịch đã góp phần làm cho góc phố của Huế không còn ngủ sớm.

Ăn khuya ở Huế

TIN MỚI

Cập nhật sxmb mới nhất
Return to top