ClockThứ Ba, 23/05/2023 13:00

Muôn kiểu nông dân chống nắng nóng

TTH - Không chỉ tích cực phòng, chống nắng nóng cho cây trồng, vật nuôi, nông dân đã nảy ra nhiều sáng kiến chống nắng nóng khác nhau để đảm bảo sức khỏe khi phải làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt.

Đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân khi nắng nóngĐề phòng khi tham gia giao thông, làm việc ngoài trời

leftcenterrightdel
Nông dân yên tâm làm việc nhờ có lán, trại chống nắng 

Cánh đồng “đèn pin”

Đó là cánh đồng được những người nông dân tại xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) gọi vui vào thời điểm nhiệt độ ngoài trời đạt xấp xỉ 40°C như hiện nay. Với đặc thù công việc đồng áng, để chăm sóc và thu hoạch rau màu hiệu quả, nhiều nông dân đã tranh thủ ra đồng vào ban đêm để tránh ánh nắng mặt trời khắc nghiệt.

Ông Trương Đ., nông dân tại thôn 4, xã Vinh Mỹ, chia sẻ: “Thông thường 5, 6 giờ sáng tôi mới ra đồng làm việc. Nhưng vào những ngày nắng nóng như thế này, tôi đổi lại thời gian tưới tắm và thu hoạch rau màu. Bây giờ buổi tối tôi nhổ đậu hoặc tưới cây tới 9, 10 giờ đêm. Sáng sớm 2, 3 giờ sáng lại tiếp tục ra đồng. Thời gian còn lại tôi làm những công việc trong bóng mát hoặc nghỉ ngơi”.

Không chỉ ông Đ., rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi giờ giấc lao động. Bởi thế, mới 3 giờ sáng, cánh đồng trên vùng cát trắng Vinh Mỹ đã lấp lóa ánh đèn pin. Không khí lao động nhộn nhịp chẳng khác nào ban ngày. Người chạy mô tơ tưới nước, người thu hoạch rau củ quả để mang ra chợ. Đầu tư hơn, ngoài đèn pin, nhiều hộ dân còn “câu” điện ra tận cánh đồng để thuận tiện thu hoạch đậu phộng xuyên đêm và dành thời gian ban ngày nắng nóng để nghỉ ngơi.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ, ngoài khuyến cáo người dân không nên làm việc vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền đến bà con nông dân có các biện pháp phù hợp để chăm sóc cây trồng, vật nuôi có hiệu quả trong mùa nắng nóng. Ông Hoàng cho biết: “Việc chuyển đổi giờ giấc canh tác của bà con nông dân là sự thích nghi, thích ứng kịp thời và phù hợp trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt hiện nay. Nhờ đó, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi và sức khỏe của người nông dân vẫn được đảm bảo”.

Lán trại ngay giữa đồng

Không chỉ thay đổi giờ giấc làm việc, nông dân tại các địa phương đã nảy ra nhiều sáng kiến khác nhau để tránh nắng nóng gay gắt. Một số hộ dân đã dựng lán trại ngay giữa cánh đồng, vừa tiết kiệm thời gian và hiệu quả làm việc, vừa tranh thủ nghỉ ngơi, ăn cơm ngay tại trại để đảm bảo sức khỏe.

Gia đình ông Lê Thạnh tại xã Lộc Điền (Phú Lộc) là một ví dụ điển hình. Mỗi ngày, 4 thành viên của gia đình ông đều có mặt tại lán trại ngay sát đường Quốc lộ 1A. Sở hữu hơn ba sào đất trồng các loại cây như dưa hấu, dưa gang, sau khi chăm chút cho cây, ông Thạnh và vợ, bà Huỳnh Thị Yến thường tranh thủ vào lán để nghỉ ngơi. Ông Thạnh cho biết, dù chiếc lán được dựng chưa lâu nhưng nơi đây đã trở thành chốn nghỉ ngơi, ăn cơm và để các dụng cụ lao động không thể thiếu vào mùa hè của gia đình.

Ông Thạnh kể: “Tôi có nhà cửa đàng hoàng nhưng vẫn thích ra trại vì ở đây thoáng, gió mát. Có cái trại này, gia đình tôi yên tâm làm việc hơn vì có chỗ trú chân, nghỉ ngơi mát mẻ dù ngoài trời rất nắng”.

Lau mồ hôi trên trán, bà Yến tiếp lời chồng: “Trước đây chưa có lán, vợ chồng tôi chỉ tranh thủ làm đến 8 giờ là đã choáng váng vì nắng. Bây giờ mình cứ thong thả làm, mệt thì nghỉ ngơi nên hiệu quả công việc cao hơn và sức khỏe cũng đảm bảo hơn. Dù là nông dân nhưng tôi cũng sợ nắng lắm, vì đã có tuổi rồi”.

Cùng với việc dựng lán trại, để tăng thời gian làm việc, nông dân còn mua các loại áo chống nắng, phụ kiện chống nắng như dù che gấp gọn, dù che nắng kích thước lớn. Ngoài ra, các loại nước giải nhiệt như nước chè, nước lá vối cũng được ưu tiên trong mùa hè này. Nhờ các giải pháp tạm thời cho đến thay đổi thói quen lao động, với nhiều sáng kiến khác nhau, việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi của người nông dân trong thời tiết nắng nóng vẫn không bị gián đoạn.

Bài, ảnh: Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Return to top