“Chinh phục” ghềnh đá
Từ giọt nước sinh ra trên dãy Trường Sơn, sông Hương trải qua bao thác ghềnh từ thượng nguồn để có con nước êm ả khi chảy vắt ngang qua thành phố. Nếu ở hạ nguồn dòng nước lặng lờ bao nhiêu thì ở vùng sông núi nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch, dòng sông trở nên dữ dằn mỗi mùa nước lớn.
Ông Nguyễn Văn Phụ với mấy chục năm trong nghề lái thuyền trên sông Hương
Vốn con nhà ngư nghiệp, mười tuổi đầu - nói như lời ông Nguyễn Văn Phụ, khi thân người chưa cao quá khỏi mạn thuyền, đã theo bố mẹ ra với dòng sông Hương, mưu sinh đánh cá về thấu ngã ba Sình. Năm 1991, ông “thoát ly” sông nước, theo học nghề cơ khí tại Quảng Trị. Cứ ngỡ trở về quê hương, được lên bờ có nghề thợ máy thuyền kiếm kế sinh nhai. Rồi duyên phận đưa ông trở lại dòng sông khi hàng chục cư dân vạn đò đánh cá cần tay nghề sửa máy móc của ông.
Năm 1995, ông cùng 17 thuyền viên - vốn là cư dân vạn đò, thành lập Tổ thuyền du lịch sơ khai trên sông Hương do ông đảm nhiệm chức tổ trưởng. 17 con thuyền đánh cá được cải hoán thành thuyền du lịch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn đường thủy theo quy định thời đó. Các thuyền viên cũng được đào tạo cấp chứng chỉ đường thủy. Từ đây, nghiệp sông nước lại một lần nữa “vận” vào ông.
Ngồi trên bến thuyền du lịch Tòa Khâm (TP. Huế) đợi khách, ông Phụ đưa chúng tôi về miền ký ức mà ở đó, ông cùng những bạn thuyền đã chinh phục những ghềnh đá trên thượng nguồn sông Hương, làm thông suốt “thủy đạo” cho những thuyền du lịch sau này. Ông kể: “Hồi đó sinh kế khó khăn, gia nhập đội thuyền du lịch đầu tiên nhưng anh em trong đội vẫn thường xuyên lái thuyền lên vùng thượng nguồn Hữu Trạch, Tả Trạch để mua thanh trà về xuôi bán. Có khi đội thuyền của ông cũng được thuê chở nông sản cho những thương lái miền xuôi vùng Phú Thượng, Phú Dương từ trên “miền thượng” về.
Bao năm lái thuyền, sông Hương đã trở thành “căn nhà” thứ hai của ông- mà mỗi lúc qua mỗi đoạn sông, ông nhớ từng con nước, thác ghềnh như lấy đồ vật từ trong tủ của gia đình! Ông Phụ chia sẻ: “Lái thuyền trên sông nếu gió thổi hướng Bắc thì phải đưa thuyền theo hướng Bắc của dòng sông và ngược lại. Nương theo chiều gió, theo con nước sẽ khó lật thuyền. Khi đi ở thượng nguồn, dân lái thuyền sợ nhất là thuyền lật, chân vịt gãy. Do vậy, nếu đưa thuyền chạy dọc núi thì phải men theo bờ núi, không được chạy ra vùng cây cối “là là” nằm bên kia sông, bởi khu vực đó nhiều đá, thuyền dễ lật, mắc cạn”.
Lái thuyền trên khu vực sông Hương, sợ nhất đoạn qua khu vực Thác Ông, miếu Ông Chín Thượng Ngàn. Đây từng là “điểm đen” tai nạn đường thủy những năm 90 thế kỷ trước. Ông Phụ nhớ lại, có lần thuyền ông chở 10 người đi cúng trên thượng nguồn bị mắc cạn suýt bị lật ở khu vực này. Cũng chính nơi này, không ít lần chiếc thuyền của ông bị gãy chân vịt do va vào ghềnh đá.
Vốn giỏi nghề lặn, ông cùng một số anh em trong đội thuyền đã lặn xuống đáy sông, khảo sát những ghềnh đá và “vẽ” sơ đồ thủy đạo những khu vực này “chuyền tay” cho anh em trong nghề và những thương thuyền thường xuyên buôn bán trên sông biết mà tránh. Những chỗ nào không tránh được thì bắt tay “cải tạo” lại bằng cách đục đá, nới rộng thủy đạo cho tàu thuyền qua.
“Tai mắt” đường thủy
Dù sắp đến tuổi “thất thập”, đôi mắt ông Phụ vẫn còn tinh tường lắm! Vẫn thông thuộc lòng sông Hương như chính bàn tay của mình. Hiện tại gia đình ông đang sở hữu 3 thuyền rồng đơn thuộc HTX Vận tải đường sông Huế.
Vợ ông Phụ cũng là “hướng dẫn viên” trên cung đường thủy
Biệt tài “lặn ma”
Ngoài “tai mắt” đường thủy, ông Nguyễn Văn Phụ còn có biệt tài “lặn ma” (lặn tìm thi thể người xấu số chết trên sông). Có khi ông làm công việc này hoàn toàn thiện nguyện, đưa những thi thể người chết về với gia đình. Ông Phụ đã cứu hàng chục người không may sa chân xuống dòng sông, giành lại sự sống cho những nạn nhân trước miệng “hà bá”!
|
Nghiệp sông nước tiếp tục đưa ông trở thành “tai mắt” đường sông khi liên tục giúp Đoạn Quản lý đường thủy nội địa tỉnh (nay là Công ty CP Đường thủy nội địa tỉnh) phát hiện và xử lý những chướng ngại vật trên đường sông. Đó là những “kỳ tích” mà cũng là ký ức đẹp trong ông.
Đầu năm 2018, trong một lần lái thuyền chở du khách trên sông Hương, ông đã phát hiện một hệ thống ống dẫn dầu bằng kim loại “trồi” lên một phần trên mặt nước từ sau trận lũ tại khu vực gần cầu Tuần (xã Hương Thọ, TX. Hương Trà). Xác định đây là ống dẫn dầu từ thời kháng chiến chống Mỹ, từ khi xuất hiện đã làm tàu thuyền qua lại khu vực này gặp nguy hiểm do va đập. Không ngại hiểm nguy, ông Phụ đã lái thuyền đến và lặn xuống để khảo sát, đo đạc. Ngay sau đó, ông đã báo với các cơ quan chức năng để lên phương án xử lý, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền qua lại khu vực này.
Mới đây, từ sự phát hiện của ông, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa tỉnh đã thuê ông cùng những thợ thuyền khác tiến hành lặn khảo sát và đục bỏ những ghềnh đá chìm dưới lòng sông đoạn qua khu vực xã Hương Hồ, Hương Thọ (TX. Hương Trà). Ông Phụ nhớ lại: “Thời điểm đó do có nhiều tàu thuyền từ nơi khác đến hoạt động trên sông nhưng không thông thuộc địa hình, nhiều chủ thuyền chịu thiệt hại khi đi qua khu vực Hương Hồ, Hương Thọ do chân vịt va đập với ghềnh đá cổ dài làm chướng ngại vật trên sông. Những ghềnh đá này có khi nằm ở khu vực nước nông nhưng cũng có lúc nằm ngầm ở khu vực nước xanh đen “đánh lừa” chủ thuyền. Sau khi đục, thuyền qua lại an toàn hơn”.
Vào những năm 1989 - 1995, ông Phụ liên tục giúp các cơ quan chức năng xử lý, phá bỏ nhiều công trình cọc xi măng, móng cầu cũ trên khu vực sông Hương phía thượng nguồn. Cũng từ sự phát hiện và “tư vấn” của ông, nhiều đoạn đường thủy đã được ngành giao thông cắm biển cánh báo, phao nổi giúp lái thuyền cảnh giác, hoạt động an toàn hơn trên tuyến đường thủy sông Hương.
Bây giờ, ông Phụ cùng vợ là bà Lê Thị Xuân trở thành những “hướng dẫn viên” trên cung đường thủy của dòng sông đẹp nhất xứ kinh kỳ. Du khách nhiều lần không khỏi ngạc nhiên khi thấy hai ông bà già nói tiếng Anh “như gió” trong hoạt động đưa đón du khách từ bến thuyền Tòa Khâm lên vùng lăng tẩm ở khu vực thượng nguồn.
Do đặc thù nghề đưa thuyền du lịch, hiện ông không còn chở khách lên khu vực có nhiều ghềnh đá nữa, nhưng những gì ông đã đóng góp cho con đường thủy trên sông Hương, thì cư dân sông nước luôn nhớ mãi! Hoạt động chạy thuyền đưa đón du khách giúp gia đình ông thu nhập khoảng 300-400 nghìn đồng/ngày, song điều quan trọng hơn là ông được tiếp tục nghề sông nước, thỏa mãn miền đam mê chinh phục tuyến đường thủy.
“Thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các chủ thuyền, thuyền trưởng, lãnh đạo HTX Vận tải đường thủy để nắm thông tin nhằm có phương án xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh gây mất an toàn trên tuyến đường thủy nội địa do đơn vị quản lý. Toàn tuyến đường thủy sông Hương dài 34km qua địa bàn đã được cắm đầy đủ các biển báo, biển cấm đậu đỗ, cấm khai thác cát, nơi luồng lạch cạn…, được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) phê duyệt. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của những “cộng tác viên thông tin” như ông Nguyễn Văn Phụ”, ông Lê Viết Trà, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty CP Đường thủy nội địa tỉnh cho biết.
|
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN