ClockThứ Bảy, 08/05/2021 14:19

Nâng mức hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề

TTH - Hỗ trợ đào tạo nghề là một trong những chế độ mà người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được ưu tiên để chuyển đổi nghề, có cơ hội nhanh trở lại thị trường lao động. Song, tỷ lệ người hưởng TCTN tham gia học nghề vẫn còn quá thấp.

Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệpHọc nghề hướng đến công việc ổn địnhHỗ trợ lao động thất nghiệp chuyển đổi nghề

Tư vấn việc làm, học nghề cho lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Chưa tới 4% người hưởng trợ cấp thất nghiệp học nghề

 Khi đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, anh Hồ Đăng Rin được cán bộ trung tâm hướng dẫn và tư vấn chương trình hỗ trợ đào tạo nghề với một số khoá học phù hợp. Đi kèm tư vấn, anh Rin còn được nhân viên một số cơ sở đào tạo nghề qua liên kết với Trung tâm DVVL hướng dẫn, giới thiệu và để lại số điện thoại để tiện liên hệ. Có ý định học nghề lái ô tô, nhưng anh Rin vẫn còn lưỡng lự vì nhiều lý do. Thế là qua 4 tháng hưởng TCTN theo chế độ thời gian đóng BHTN, anh Rin đã hết thời hạn được hỗ trợ học nghề. Thay vì được hỗ trợ học nghề 4 triệu đồng, tức chỉ cần đóng chưa tới 50% học phí nếu anh đăng ký khóa học bằng lái ô tô, nhưng giờ xem như anh vừa không được hưởng gói hỗ trợ, vừa không có trong tay nghề mới để dễ chuyển đổi công việc phù hợp.

Không riêng trường hợp anh Rin, rất nhiều lao động hưởng TCTN hầu như không quan tâm tham gia học nghề để có cơ hội chuyển đổi nghề mới. Theo báo cáo của Trung tâm DVVL, từ năm 2020 đến nay là thời điểm có số lao động đề xuất và hưởng TCTN nhiều nhất với gần 10.000 người. Tuy nhiên, số người lao động có quyết định hỗ trợ học nghề từ 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 397 người với số tiền hỗ trợ 1,414 tỷ đồng.

 Theo quy định, cùng với việc nhận tiền trợ cấp, người hưởng chính sách BHTN còn được tư vấn, định hướng việc làm. Trường hợp nào có nhu cầu học nghề, thay vì nhận tiền, người lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp với một số nghề phổ biến như lái xe, kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, sửa chữa xe máy… 

 So sánh con số thống kê người đề nghị hưởng TCTN từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ lao động lựa chọn học nghề chiếm chưa tới 4%. Theo đại diện Trung tâm DVVL tỉnh, nguyên nhân người hưởng TCTN tham gia học nghề còn quá ít là do đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn, không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác. Nên khi bị mất việc, người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng TCTN. Mức hỗ trợ học nghề thấp (hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng), nhất là đối với một số nghề như lái xe, trang điểm... và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên.

Mặt khác, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa thật sự phong phú, trang thiết bị dạy nghề chưa đầy đủ. Thêm vào đó, trong quá trình học nghề, người thất nghiệp không được hỗ trợ thêm một chi phí nào khác (tiền ăn, ở, đi lại...) khiến họ không muốn học nghề.

Nâng mức hỗ trợ học nghề

Không chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19, thực tế hiện nay, lao động cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ mất việc, việc làm bị thay thế trong cuộc cách mạng 4.0, thời đại chuyển đổi số. Việc đào tạo và đào tạo lại không chỉ phụ thuộc vào ý chí của người lao động mà còn cần sự vào cuộc, phối hợp của các ngành, đơn vị doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề... để ứng phó với những thay đổi của thị trường lao động trước mắt cũng như trong tương lai.

Để tạo điều kiện cho người thất nghiệp tham gia học nghề, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 17 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN, với mức hỗ trợ học nghề được nâng lên so với quy định hiện hành.

Cụ thể, tại Quyết định 17, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng có mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. So với quy định cũ tại Quyết định 77 của Thủ tướng Chính phủ, người hưởng TCTN tham gia học nghề chỉ được hưởng tối đa 1 triệu đồng/tháng thì theo quy định mới tăng thêm 500 nghìn đồng/người/tháng.

Việc quy định mức hỗ trợ trên là mức trần, vì vậy, việc hỗ trợ học nghề vẫn dựa trên thực tế, tùy theo từng ngành nghề mà có mức hỗ trợ cụ thể. Hơn nữa, việc quy định mức hỗ trợ học nghề theo gói và theo tháng sẽ đáp ứng được tất cả đối tượng người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Bởi đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông nên mong muốn học một nghề với thời gian ngắn (từ 3 tháng trở xuống) để nhanh chóng tìm việc làm ngay. Do đó, quy định này tạo điều kiện cho người thất nghiệp tham gia khóa học nghề ngắn hạn, kể cả đối với những ngành, nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Theo Trung tâm DVVL tỉnh, Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Nhưng trường hợp người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày 15/5/2021 nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề mới theo các quy định tại Quyết định số 17. Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục song hành nhiệm vụ tìm kiếm, kết nối nhu cầu thị trường lao động và tổ chức đào tạo nghề cho lao động hưởng TCTN, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giúp người lao động sớm gia nhập thị trường lao động ổn định, năng động.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top