ClockThứ Hai, 18/11/2019 13:15

Ngăn chặn bạo lực gia đình

TTH - Những quan niệm bất bình đẳng giới ăn sâu trong tiềm thức khiến tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn luôn âm ỉ.

Nỗ lực giảm bớt “độ chênh”Nhờ có bàn tay phụ nữ

Tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ qua hình thức sân khấu hóa

Âm ỉ

Chỉ vì ghen tuông, tháng 7 năm nay, một vụ BLGĐ xảy ra ở thị xã Hương Thủy khiến một cháu bé tử vong khi mới vài tháng tuổi. Anh Q.T. là người Hà Nội, có quan hệ tình cảm và sống chung như vợ chồng với chị N.Y. ở Hương Thủy. Chị Y. có thai và sinh con. Do nghi ngờ cháu bé không phải là con ruột của mình nên trong lúc giữ con, thấy bé khóc to, Q.T. đã dùng tay bịt mũi và miệng cháu bé đến chết.

Một vụ việc khác cũng vì ghen tuông, anh H.A.T. ở phường Hương Sơ, TP. Huế đã đánh đập vợ là chị T.N. mặc dù chị đang mang thai. Hậu quả, chị N. phải đi cấp cứu điều trị tại bệnh viện.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2018 đến hết quý 3/2019, lực lượng công an các cấp đã phát hiện, xử lý 9 vụ BLGĐ, trong đó, tập trung hầu hết ở các hành vi: giết người, cố ý gây thương tích. Có nhiều trường hợp, bạo lực trong gia đình dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Tập tục phong kiến lạc hậu, sự bất bình đẳng giới vẫn còn in sâu vào quan niệm người dân, nhất là ở vùng nông thôn dẫn đến tình trạng chồng bạo lực với vợ, cha mẹ đánh đập con cái. Sự gia tăng tệ nạn xã hội, các loại hình giải trí, tình trạng thất nghiệp, sử dụng rượu bia… cũng dẫn đến các vụ BLGĐ.

Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi BLGĐ, Trung tá Trần Duy Mẫn, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh chia sẻ tại hội thảo về phòng chống BLGĐ do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tháng 10 vừa qua: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLGĐ chưa được giải quyết triệt để là do sự tham gia phản kháng, phản ánh tình trạng BLGĐ của chính người bị bạo lực, của xã hội còn thiếu quyết liệt. Nhiều người vẫn nặng tư tưởng “đó là việc riêng của gia đình họ” nên thiếu quan tâm, phản ánh, thiếu tố giác, can thiệp để bảo vệ quyền, lợi ích của người bị bạo lực khi bị xâm phạm”.

Giảm thiểu bạo lực gia đình

Năm 2008, mô hình phòng, chống BLGĐ được triển khai trên địa bàn tỉnh, thí điểm là xã Hồng Vân, huyện A Lưới với những hoạt động hướng tới giảm thiểu BLGĐ từ nhận thức cho tới hành vi của các gia đình và cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng 50 mô hình phòng, chống BLGĐ theo đúng chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 139 nhóm phòng, chống BLGĐ, 467 địa chỉ tin cậy, 149 CLB Gia đình phát triển bền vững đang hoạt động.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Mô hình phòng, chống BLGĐ là môi trường thuận lợi và là cầu nối hiệu quả để Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới đến với người dân. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong việc thực hiện bình đẳng giới, hạn chế dần tình trạng BLGĐ. Việc thành lập các CLB cũng là nơi để các hội viên trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, chia sẻ kinh nghiệm về việc chăm sóc, nuôi dạy con cái...”.

CLB phòng, chống BLGĐ ở thôn Bao Vinh, xã Hương Vinh là một trong những điển hình của mô hình phòng, chống BLGĐ. Được thành lập năm 2009, CLB có 34 cặp vợ chồng tham gia. Những hoạt động sinh hoạt phong phú, hữu ích đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các cặp vợ chồng, nhiều gia đình duy trì được hạnh phúc, tránh xa bạo lực.

Mỗi khi nhận được tin có hiện tượng BLGĐ, ban chủ nhiệm CLB đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Hoạt động dựa trên tình làng, nghĩa xóm, biến việc riêng của gia đình thành trách nhiệm chung của cộng đồng là bí quyết đem lại thành công. Từ nhỏ to tâm sự đến phân tích, mổ xẻ, góp ý, hòa giải, kiểm điểm…, những mối hiềm khích, mâu thuẫn trong gia đình được CLB hóa giải, ngăn chặn BLGĐ. Từ năm 2018 đến nay, trong thôn chưa có vụ BLGĐ nào được phát hiện và xử lý.

Ông Trần Quang Thiện, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế cho hay, các mô hình phòng, chống BLGĐ ở TP. Huế đã phát huy hiệu quả trong can thiệp, hỗ trợ, hòa giải kịp thời khi có vụ việc xảy ra. Có những trường hợp có biểu hiện dễ dẫn đến bạo lực được tuyên truyền, vận động, giải thích và nhắc nhở kịp thời. Các vụ bạo lực được can thiệp bằng cách góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư và hòa giải tại gia đình. Từ đó, giảm thiểu các vụ việc BLGĐ.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc
Nỗ lực ngăn chặn nạn “rút ruột” rú cát

Quảng Điền có diện tích rú cát rộng lớn thuộc các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên “béo bở” mà một số kẻ vẫn luôn tìm cách “rút ruột”.

Nỗ lực ngăn chặn nạn “rút ruột” rú cát
Ngăn chặn ma túy trong vùng giáo dân

Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, việc xây dựng mô hình “Phòng chống ma túy trong vùng giáo dân” được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội (TNXH), giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngăn chặn ma túy trong vùng giáo dân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top